
Newsweek by Nigel Farage – 7 June, 2021
Ba Sàm lược dịch và bổ sung chú dẫn
Sau sáu tuần du lịch nước Mỹ, tôi trở lại Anh trong tình trạng cách ly. Khi suy nghĩ về chính quyền Biden trước chuyến thăm của ông đến Vương quốc Anh vào tuần tới, tôi thấy những điểm tương đồng bất thường nhất giữa đảng của ông và Đảng Lao động Anh.
Trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử năm 2017, nhà lãnh đạo đảng Lao động là Jeremy Corbyn (*), một nhà hoạt động theo chủ nghĩa Marx. Corbyn gần như được tôn sùng, đặc biệt là trong giới sinh viên. Một số phương tiện truyền thông cũng ngả theo ông. Ông đã tiến tới khả năng có thể giành được quyền lực hơn bất kỳ ai. Tuy nhiên, ngày nay ở Anh, quốc gia chiếm 87% dân số Vương quốc Anh, Đảng Lao động đã bất tỉnh trên sàn đấu. Nó đã bị mất hết khả năng ra tranh cử và hầu như không có triển vọng nào về việc nó sẽ nắm quyền trong nhiều năm.
Một số phận tương tự cũng có thể đang chờ đợi Đảng Dân chủ ở Mỹ.
Vấn đề giảm lượng khí thải carbon để ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu giờ đây là một thứ tôn giáo mới của các đảng Cánh Tả trong thế giới phương Tây. Tuy nhiên, điều mà các đảng này hiếm khi thừa nhận là việc giảm lượng khí thải carbon sẽ làm tăng chi phí việc làm trong các lĩnh vực sản xuất cũ như sản xuất thép và hóa chất. Thực trạng này cũng mở rộng cho tất cả các ngành công nghiệp khai thác khoáng sản.
Tuần này, vào đúng ngày chính quyền Biden tuyên bố chấm dứt thăm dò dầu khí ở Alaska, chúng ta được biết rằng Trung Quốc đang đốt lượng than kỷ lục và xây dựng tới 100 nhà máy nhiệt điện than mới mỗi năm. Các chính trị gia ở Mỹ và châu Âu có thể tận hưởng chính trị xanh trong lòng họ, nhưng sẽ không làm giảm lượng khí thải carbon trên toàn cầu. Tất cả những gì xảy ra là khí thải được xuất đi nơi khác.
Hơn nữa, hậu quả của việc các chính phủ xoa dịu vận động hành lang về biến đổi khí hậu đã được người dân hàng ngày cảm nhận thấy. Những công việc được trả lương cao bị mất đi, đời sống điêu đứng và cộng đồng tan rã. Chi phí để đổ xăng đầy xe tăng lên, đồng nghĩa với việc những người sống ở các thành phố công nghiệp hoặc hậu công nghiệp đang bị vỡ nợ. Phát triển xanh là tốt, và nó tốt nếu như bạn có đủ khả năng, nhưng nó gây khó khăn về mặt tài chính cho hầu hết mọi người.
Điều này có thể giải thích phần nào lý do tại sao những người sống ở các thành phố công nghiệp cũ của Anh, bao gồm cả những khu vực rộng lớn ở phía bắc nước này, hiện bỏ phiếu cho Đảng Bảo thủ (**) với số lượng đáng kể, thực tế mà một thế hệ trước đây không thể tưởng tượng ra được. Giá xăng tăng ở Mỹ có thể có tác động tương tự đối với đảng Dân chủ của Biden.
Tất nhiên, chính trị xanh-chính trị sinh thái (***) không phải là vẫn đề quyết định duy nhất cho các lá phiếu cử tri. Kiểm soát nhập cư và biên giới là vấn đề hàng đầu của nhiều cử tri.
Song le, những chủ đề này đã bị coi là húy kỵ – là sự đồng thuận không phải bàn cãi – trong giới Cánh Tả ở Mỹ và Anh trong 20 năm qua, và chính quyền của Biden quyết tâm duy trì hệ tư tưởng đó.
Nhưng cách đây không lâu, đảng của ông đã có quan điểm ngược lại.
Trong Thông điệp Liên bang của Bill Clinton vào năm 1995, tổng thống đã liên tục nói về “những người nhập cư bất hợp pháp” và “những người nhập cư tội phạm.” Hôm nay, Clinton có thể sẽ bị tẩy chay nếu ông ta dám thốt ra những lời này – ngay cả trong chốn riêng tư tại nhà riêng của mình. Sự đa dạng về tư tưởng không còn được hoan nghênh trong đảng của ông.
Các thành phố thủ đô có thể coi tất cả chúng ta là “công dân toàn cầu” nhưng giai cấp công nhân yêu nước không hoàn toàn tin tưởng vào điều đó.
Việc Đảng Dân chủ kiên quyết đóng cửa các cuộc tranh luận và coi bất cứ ai cố gắng thảo luận về nhập cư là “phân biệt chủng tộc” đã bắt đầu khiến hàng triệu cử tri xa lánh nó.
Nhập cư là vấn đề khiến Brexit thắng thế vào năm 2016. Đây cũng là vấn đề, hơn bất kỳ vấn đề nào khác, đã phá hủy Đảng Lao động ở Anh sau khi cựu lãnh đạo của nó, Tony Blair, giám sát dòng người nhập cư lớn nhất từ trước đến nay vào Anh. (Thủ tướng Anh hiện tại, Boris Johnson, dường như cũng không quan tâm đến điều đó). Các cử tri đã không được hỏi ý kiến về sự thay đổi cơ bản này trong xã hội, và kết quả là sự phẫn nộ.
Sự tiêu cực tương tự có thể được cảm nhận ở Mỹ. Tình trạng khẩn cấp ở biên giới phía nam của nó đang biến mọi tiểu bang thành một quốc gia có biên giới, khi một số lượng lớn những người đã xâm nhập vào các cộng đồng bất hợp pháp trên khắp đất nước.
Tệ hơn nữa là những tên tội phạm được đưa lậu vào để gia nhập các băng đảng ma túy, ở một quốc gia đang hứng chịu số lượng người chết do dùng thuốc giảm đau opioid (như thuốc phiện, fentamyl, morphine) ở mức kỷ lục vào năm ngoái.
Tất cả những điều này đặc biệt gây phẫn nộ cho những người đã đến Hoa Kỳ hợp pháp.
Tuy nhiên, Phó Tổng thống Kamala Harris chưa một lần đến thăm biên giới, theo như mọi người đều biết. Điều này thật đáng ngạc nhiên khi bà ấy được cho là người phụ trách của chính quyền đối với vấn đề này.
Harris có vẻ tin rằng tình trạng khẩn cấp ở biên giới sẽ tự thuyên giảm. Bà ấy thậm chí có thể nghĩ rằng điều đó không quan trọng. Nhưng đối với hàng triệu cử tri đảng Dân chủ, nó thực sự quan trọng.
Cánh Tả của cả hai bên bờ Đại Tây Dương (Âu-Mỹ) từ xưa từng yêu nước mãnh liệt. Song giờ đây, một phái chính thống Cánh Tả mới, chịu ảnh hưởng nặng nề của học thuyết Mác xít, đã lên ngôi. Khi nền văn hóa hủy bỏ/tẩy chay tiếp tục tồn tại, các bức tượng bị phá bỏ và lịch sử được viết lại. Bản thân George Orwell có thể đã phải vật lộn để đưa một số điều đã xảy ra trong những năm gần đây vào sách của mình.
Các cử tri đảng Lao động cũ đã chối từ với Cánh Tả mới vì họ tự hào về vai trò của gia đình họ trong sự chiến thắng hai cuộc chiến tranh thế giới. Có mọi dấu hiệu cho thấy những cảm giác tương tự đang tồn tại ở Mỹ.
Kinh tế từng là yếu tố quyết định chính của sự phân chia Cánh Hữu-Cánh Tả, nhưng giờ không còn nữa. Nền chính trị mới hiện nay là về chủ nghĩa dân túy so với chủ nghĩa toàn cầu, về chủ nghĩa yêu nước so với “quyền công dân toàn cầu”. Mỗi cuộc thăm dò ý kiến của người Mỹ mà tôi đã biết đều cho thấy rằng có tới một nửa số cử tri đảng Dân chủ không thích sự chuyển hướng sang Cánh Tả mới.
Để có được lợi thế, đảng Cộng hòa cần phải đoàn kết hơn và bớt chán nản về hoàn cảnh hiện tại. Họ cũng cần trở lại chiến dịch vận động tranh cử. Nếu họ ghi nhớ điều này, một chiến thắng kịch tính trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang chờ đợi.
Đảng Dân chủ của Joe Biden đang gặp nhiều rắc rối hơn những gì mà những nhà phân tích bình luận nhận ra.
Các nhà bình luận và nhà phân tích chính trị đã giải thích sai những tín hiệu bí ẩn khó hiểu (runes) ở Anh trong câu chuyện Brexit vào năm 2016 — và tôi nghĩ rằng điều tương tự sẽ xảy ra ở Mỹ vào năm tới. Chủ nghĩa dân túy vẫn còn đất để phô diễn.
Nigel Farage là tổng biên tập cấp cao của nền tảng “The Debate” thuộc tạp chí Newsweek.
—
Chú dẫn:
(*) Jeremy Corbyn (Wikipedia): “Khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2015 điều gì đã chính trị hóa ông, Corbyn nói, “Các vấn đề về hòa bình. Việt Nam. Các vấn đề môi trường”. Khi được hỏi liệu ông có coi mình là một người theo chủ nghĩa Marx hay không, Corbyn đã trả lời bằng cách nói: “Thực ra đó là một câu hỏi rất thú vị. Tôi đã không nghĩ về điều đó trong một thời gian dài. Tôi chưa thực sự đọc nhiều về Marx như chúng ta nên làm”. Tương tự, khi bảo vệ tuyên bố của John McDonnell rằng có “rất nhiều điều để học hỏi” từ cuốn sách Das Kapital (Tư bản luận) của Karl Marx, Corbyn mô tả Marx là một “nhà kinh tế học vĩ đại”. Corbyn cho biết ông đã đọc một số tác phẩm của Adam Smith, Karl Marx và David Ricardo và đã “xem qua rất nhiều tác phẩm khác“…”
(**) Đảng Bảo thủ
(***) Chính trị xanh