2363. Cuộc xoay trục của Hoa Kỳ sang Châu Á: Bài học Chiến tranh Lạnh từ Việt Nam cho ngày nay (P.1)

Asia-Pacific Research by Cynthia Chung Asia-Pacific Research, March 29, 2021 – Strategic Culture Foundation 17 March 2021

Cynthia Chung là giảng viên, nhà văn, đồng sáng lập và biên tập viên của Quỹ Rising Tide (Montreal, Canada).

 Ba Sàm lược dịch

Cynthia Chung viết: Đã có những công việc chuẩn bị cho Chiến tranh Lạnh được tiến hành ngay từ tháng 8 năm 1945 và hai khu vực được lựa chọn, Hàn Quốc và Việt Nam, đã được lên kế hoạch nhiều năm trước khi cuộc chiến thực sự diễn ra.

Trong bài thứ nhất của loạt bài này (xem ngay dưới đây), tôi đã thảo luận về việc một kho vũ khí khổng lồ của Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản, vốn được dự định sử dụng cho cuộc xâm lược nước này theo kế hoạch của Mỹ, đã bị hủy bỏ sau khi hai quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Nagasaki.

L. Fletcher Prouty, người từng là Giám đốc Hoạt động Đặc biệt của Bộ Tham mưu Liên quân dưới thời Kennedy và là cựu Đại tá trong Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, đã nhận xét trong cuốn sách của mình “CIA, Việt Nam và âm mưu ám sát John F. Kennedy” (JFK: The CIA, Vietnam, and the Plot to Assassinate John F. Kennedy) rằng những lô hàng vũ khí khổng lồ này đã không được trả lại cho Hoa Kỳ, mà thay vào đó, một nửa được vận chuyển đến Hàn Quốc và nửa còn lại tới Việt Nam. 

Hệ quả của việc này là rất lớn.

Nó cho thấy rằng các công việc chuẩn bị cho Chiến tranh Lạnh đã được tiến hành ngay từ tháng 8 năm 1945 và có thể sớm hơn nhiều, và hai khu vực được lựa chọn, Hàn Quốc và Việt Nam, đã được lên kế hoạch trước 5 năm và các khu vực còn lại là trước 10 năm, trước khi chiến tranh thực sự đã xảy ra.

Điều này có nghĩa là câu chuyện chính thức về lý do tại sao Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam lại diễn ra chính là cách lý giải bịa đặt về “sự thực” của cuộc Chiến tranh Lạnh.

Vì vậy, cần đặt ra câu hỏi, đâu là lý do thực sự khiến người Mỹ bước vào hai cuộc chiến tàn khốc đó? Tại sao những nhân vật hàng đầu trong giới thượng lưu Mỹ, nhiều người đã kiên quyết không tham gia cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít trong Thế chiến II, lại nhanh chóng bị thuyết phục rằng mọi thứ liên quan đến chủ nghĩa cộng sản, đều thuộc về trách nhiệm cá nhân của họ, là phải tiêu diệt?

Những câu hỏi đó sẽ được trả lời trong loạt bài này có tựa đề “Nguồn gốc phát xít của CIA.”

CIA và Lầu Năm Góc: Câu chuyện về cặp uyên ương bất hạnh

Như đã thảo luận trong bài đầu của loạt bài này, với chiến thắng của Eisenhower-Nixon năm 1952, đỉnh cao trong nhiều năm hoạch định chiến lược chính trị của các nhà môi giới quyền lực của Đảng Cộng hòa Phố Wall, những người đứng đầu mới của Bộ Ngoại giao và CIA lần lượt được chọn không ai khác ngoài hai anh em Foster và Allen Dulles; và họ sẽ tiếp tục chỉ đạo các hoạt động toàn cầu của quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới.

Chính vì lý do đó mà cuộc bầu cử tổng thống năm 1952 đã đi vào lịch sử với tư cách là chiến thắng của “tầng lớp tinh hoa quyền lực”.

Toàn bộ khoảng thời gian từ ngày 12 tháng 4 năm 1945 đến Ngày bầu cử định mệnh đó có thể được hiểu rõ nhất là giai đoạn đầu tiên của cuộc đảo chính của nước Mỹ. Điều này đặc biệt rõ ràng trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến năm 1949, khi một số đạo luật mới được thông qua đã tổ chức lại thành công các cơ quan ban ngành ở Hoa Kỳ, sao cho phần lớn các quyết định của chính phủ và quân đội sẽ thuộc về thẩm quyền của một số người, những người đàn ông quyền lực hơn nhiều so với bản thân tổng thống.

Đạo luật An ninh Quốc gia năm 1947, một con ngựa thành Troy, là một trong những đạo luật đầu tiên của loại luật mới này và dẫn đến việc thành lập Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), đặt cơ quan này dưới sự chỉ đạo của Hội đồng An ninh Quốc gia.

Mặc dù nó không ủy quyền rõ ràng cho CIA tiến hành các hoạt động bí mật, thì Mục 102 vẫn đủ mơ hồ để cho phép bị lạm dụng. Đến tháng 12 năm 1947, (chưa đầy 4 tháng sau khi CIA được thành lập), nhận thức được sự cần thiết phải “ngăn chặn dòng chảy của chủ nghĩa cộng sản” ở Tây Âu – đặc biệt là ở Ý – bằng “chiến tranh tâm lý” công khai và bí mật, nên đã buộc phải cho ra đời bản ghi nhớ NSC 4- A (Memorandum … of the National Security Council).

NSC 4-A là một chỉ thị mới, đề cập đến “các hoạt động bán quân sự bí mật, cũng như chiến tranh chính trị và kinh tế“, điều này cung cấp sự cho phép CIA can thiệp vào cuộc bầu cử ở Ý vào tháng 4 năm 1948.

Người ta hiểu rằng quân đội Hoa Kỳ không thể có vai trò “trực tiếp” trong các hoạt động bí mật.

Đảng Cộng sản Ý, được ngưỡng mộ vì đã lãnh đạo cuộc chiến chống lại Mussolini, dự kiến ​​sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đầu tiên ở Ý sau chiến tranh. Điều này, tất nhiên, được coi là không thể chấp nhận được dưới sự bức chế của Bức Màn Sắt, và các hoạt động bí mật của Mỹ đã được triển khai để ngăn chặn chiến thắng của lực lượng cộng sản chống phát xít tại đây. Nhà báo điều tra Christopher Simpson viết trong cuốn sách “Blowback” của mình, rằng một phần đáng kể của khoản tài trợ này đến từ tài sản của Đức Quốc xã bị thu giữ. Sự can thiệp đó, theo Simpson, đã nghiêng cán cân về phía có lợi cho Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của Ý, đảng đã che giấu trong hàng ngũ của mình hàng nghìn tên phát xít.

CIA, chỉ trong vài tháng kể từ khi thành lập, đã từ nơi được cho là một cánh tay thu thập thông tin tình báo dân sự của chính phủ, trở thành người chịu trách nhiệm cho các hoạt động bí mật bao gồm cả “chiến tranh tâm lý”. Điều này khác xa so với những gì đã tạo dựng nên nước Mỹ trước Thế chiến thứ hai.  

Nhưng đó là lý do tại sao việc tường thuật về Chiến tranh Lạnh lại trở nên cấp thiết, vì trong cơn ác mộng phân liệt hoang tưởng này, người ta nghĩ rằng thế giới sẽ không bao giờ hòa bình cho đến khi một phần đáng kể của nó bị xóa sổ. Chiến tranh Lạnh đã xác định một kẻ thù chưa được định hình rõ ràng và không thể nhìn thấy bằng mắt. Kẻ thù là những gì cấp trên của bạn nói với bạn rằng nó là kẻ thù, và giống như một kẻ biến hình có thể hóa thành bất kỳ ai, bao gồm cả hàng xóm của bạn, đồng nghiệp của bạn, đối tác của bạn… thậm chí cả tổng thống.

Sẽ luôn có kẻ thù, bởi vì sẽ luôn có những người chống lại Chiến lược Lớn (Grand Strategy).

NSC 4-A được thay thế bởi NSC 10/2, được Tổng thống Truman phê duyệt vào ngày 18 tháng 6 năm 1948, thành lập Văn phòng Điều phối Chính sách (Office of Policy Coordination – OPC). NSC 10/2 là tài liệu tổng thống đầu tiên quy định cơ chế phê duyệt và quản lý các hoạt động bí mật, và cũng là tài liệu đầu tiên trong đó thuật ngữ “hoạt động bí mật” được định nghĩa.

Từ năm 1948-1950, OPC không nằm dưới sự kiểm soát của CIA mà là một hoạt động phản bội do Allen Dulles điều hành. OPC được đặt dưới sự kiểm soát của CIA vào tháng 10 năm 1950, khi Walter Bedell Smith trở thành Giám đốc CIA, và nó được đổi tên thành Directorate of Plans.

Mặc dù CIA chịu trách nhiệm chính về các hoạt động bí mật, nhưng nó thường cần quân đội bổ sung nhân lực, phương tiện vận tải, căn cứ ở nước ngoài, vũ khí, máy bay, tàu và tất cả những thứ khác mà Bộ Quốc phòng có. Trên thực tế, quân đội, dù muốn hay không, đều thấy mình mãi mãi nằm trong vòng tay của người tình xấu xa, CIA.

Prouty viết vào năm 1992:

“OPC và các nhân viên CIA khác được che giấu trong các đơn vị quân đội và được quân đội che chở bất cứ khi nào có thể, đặc biệt là trong các căn cứ xa xôi của quân đội trên khắp thế giới… Các phương pháp hoạt động bí mật hoặc vô hình, được CIA và quân đội phát triển trong những năm 1950 vẫn được sử dụng cho đến ngày nay, bất chấp sự sụp đổ của Chiến tranh Lạnh, trong các hoạt động bí mật như đang diễn ra ở Trung Mỹ và châu Phi…, khó có thể phân biệt giữa CIA và quân đội, vì họ luôn làm việc cùng nhau.

Một bản Tuyên ngôn táo bạo

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh ký Tuyên ngôn Độc lập cho một quốc gia mới là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có những dòng:

 “Một dân tộc đã can đảm chống lại sự thống trị của Pháp trong hơn tám mươi năm, một dân tộc đã sát cánh chiến đấu với Đồng minh chống lại Phát xít trong suốt những năm cuối cùng — một dân tộc như vậy phải được tự do và độc lập.”

Hồ Chí Minh đã lãnh đạo phong trào Việt Minh độc lập dân tộc từ năm 1941 chống lại ách thống trị của thực dân Nhật Bản. Cũng như hầu hết mọi người trên thế giới, Hồ Chí Minh coi cuộc chiến tranh chống phát xít là liên kết với cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Ông tin rằng nếu thế giới cuối cùng đứng lên chống lại chế độ chuyên chế như vậy thì sẽ không có chỗ cho chủ nghĩa thực dân trong thế giới thời hậu chiến. Thế giới sẽ phải được tổ chức theo sự công nhận và tôn trọng của các quốc gia độc lập, theo tầm nhìn thời hậu chiến của Roosevelt.

Sau cuộc chiến lâu dài và kinh hoàng chống lại phát xít Nhật tàn bạo, với sự hỗ trợ trong chiến tranh từ Hoa Kỳ và Trung Quốc, Hồ Chí Minh hy vọng rằng Việt Nam có thể trở lại những ngày hòa bình trước đây với nền độc lập mới giành được từ chế độ thực dân.

Người Nhật đã đầu hàng và bỏ đi. Người Pháp đã bị đánh bại bởi người Nhật và sẽ không quay trở lại – người ta vẫn nghĩ như vậy.

Võ Nguyên Giáp, nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc của Hồ Chí Minh, khi đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ của chính phủ lâm thời, đã có bài phát biểu mô tả Hoa Kỳ là bạn tốt của Việt Minh. Cũng vậy, vào tháng 9 năm 1945. Hồ Chí Minh đã được Hoa Kỳ cung cấp một kho vũ khí khổng lồ, và ông hy vọng có thể điều hành chính phủ mới của mình ở Việt Nam mà không có đối kháng nào nữa.

Nhưng vào ngày 23 tháng 9 năm 1945, ngay sau khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Tuyên ngôn Độc lập, một nhóm lính Pháp cũ, đã hành động với sự đồng ý của lực lượng Anh (những người đã được trao quyền tài phán trong khu vực từ Hội nghị Potsdam) và trang bị vũ khí Nhật Bản cướp được từ kho dự trữ của hàng binh, tổ chức một cuộc đảo chính tại địa phương và giành quyền kiểm soát chính quyền Sài Gòn, miền Nam Việt Nam, ngày nay được gọi là Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến tháng 1 năm 1946, Pháp đã thực hiện mọi cam kết quân sự tại Việt Nam và tái lập chính phủ Pháp.

Cần phải hiểu rằng việc loại bỏ sự hiện diện của Pháp ở Đông Dương không phải là một công việc nhỏ, vì nó không chỉ phải đối phó với sự hiện diện quân sự của họ, mà còn là lợi ích kinh doanh của họ bao gồm các ngân hàng Pháp, một trong những ngân hàng hùng mạnh nhất ở châu Á. Người Pháp đã áp đặt Đông Dương là thuộc địa của mình từ năm 1787.

Các cuộc đàm phán giữa Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu vào đầu năm 1946. Hồ Chí Minh đến Paris, nhưng hội nghị thất bại do sự ngoan cố không nhượng bộ của Pháp.

Chiến tranh Đông Dương thuộc Pháp nổ ra vào năm 1946 và kéo dài 8 năm, với nỗ lực chiến tranh của Pháp phần lớn do Hoa Kỳ tài trợ tiền bạc và cung cấp trang thiết bị.

Năm 1949, Bảo Đại, cựu hoàng với phần lớn thời gian sống trong xa hoa ở Paris, Pháp, được ngoại bang dựng lên thành chính phủ bù nhìn của Quốc gia Việt Nam (Nam Việt Nam).

Ngày 8 tháng 5 năm 1950, Ngoại trưởng Dean Acheson tuyên bố Hoa Kỳ sẽ viện trợ kinh tế và quân sự cho Pháp và cho Nhà nước Việt Nam (của Bảo Đại). Giá trị của khoản hỗ trợ quân sự này đã vượt qua 3 tỷ USD.

Không bao giờ có bất kỳ lý do chính thức nào giải thích tại sao Hoa Kỳ thay đổi lòng trung thành của mình từ Hồ Chí Minh sang lợi ích của thực dân Pháp và chính phủ bù nhìn của họ. Mặc dù niềm tin của Hồ Chí Minh vào chủ nghĩa cộng sản được sử dụng để biện minh cho sự phản bội này, nhưng sự thật là ông ta là một mối đe dọa vì trước hết ông ta coi mình là một người theo chủ nghĩa dân tộc, người tin rằng dân tộc Việt Nam là một và dân tộc của ông ta xứng đáng được độc lập khỏi ách thống trị của thực dân.

Đó là chủ nghĩa dân tộc không thể dung thứ ở những khu vực trên thế giới được coi là lãnh thổ đế quốc và vùng đất bị chinh phục. Cũng chính vì lý do này mà MI6 và CIA đã tổ chức một cuộc đảo chính chống lại nhà dân tộc chủ nghĩa yêu mến Mosaddegh ở Iran, một người không phải cộng sản, có bằng Tiến sĩ luật và đang từng bước xóa bỏ mọi yêu sách của đế quốc Anh đối với dầu mỏ của nước này, sau khi thắng kiện người Anh tại La Hay và tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 1951.

Đây là lý do tại sao lợi ích của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phát xít thường được liên kết song song với nhau, như đã thấy với Edward VIII (Vua nước Anh, mặc dù theo quan điểm của ông, ông không đơn độc trong Hoàng gia Anh), chính phủ Vichy ở Pháp, Vua Ý Victor Emmanuel III, người bổ nhiệm Benito Mussolini làm Thủ tướng vào năm 1922 (người chỉ phế truất Mussolini vào năm 1943 khi rõ ràng là họ sẽ thua trong cuộc chiến) và Đế quốc Nhật Bản dưới thời Thiên hoàng Hirohito.

Chính vì lý do này mà chúng ta đã thấy, trước khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, những người theo chủ nghĩa đế quốc và phát xít đã thảo luận với nhau về điều gì sẽ hình thành thế giới sau chiến tranh. Chính vì lý do này mà các quốc gia được chọn để giám sát Chiến lược Lớn này sẽ là Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản, chứ không phải là sự lựa chọn của Roosevelt là Hoa Kỳ, Nga, Anh và Trung Quốc.

Chính vì lý do này mà Bức màn sắt, được công bố ban đầu, không phải bởi Churchill, mà là bởi Ngoại trưởng Đức, Bá tước Lutz Schwerin von Krosigk, được loan tin trên tờ London Times vào ngày 3 tháng 5 năm 1945, là để công bố các điều khoản của một cuộc chiến vô thời hạn chống lại chủ nghĩa cộng sản. Trên thực tế, điều đó có nghĩa là bất kỳ quốc gia nào phản đối sự cai trị của đế quốc, phản đối ý tưởng rằng một số được sinh ra để cai trị và những quốc gia khác được cai trị, nói cách khác, chủ nghĩa đế quốc và các quốc gia có chủ quyền không thể cùng tồn tại.

Hồ Chí Minh là đồng minh của người Mỹ dưới sự lãnh đạo của Roosevelt. Tuy nhiên, với cái chết của Roosevelt và cuộc đảo chính nhẹ nhàng sau đó, Hồ Chí Minh giờ đã trở thành kẻ thù.

Mời xem phần cuối: 2367. Cuộc xoay trục của Hoa Kỳ sang Châu Á: Bài học Chiến tranh Lạnh từ Việt Nam cho ngày nay (P.2)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *