Thứ tư, ngày 25/11/2020 – 11:50
VietTimes-– Quá trình chuyển giao quyền lực ở Mỹ đã được khởi động. Từ quan điểm của Trung Quốc, đâu là lợi và hại của việc ông Biden chiến thắng? Quan hệ Trung – Mỹ sẽ đi về đâu…đang rất được dư luận Trung Quốc và quốc tế quan tâm.

Liệu quan hệ căng thẳng Trung – Mỹ hiện nay trong tương lai có thể xoay chuyển dưới thời ông Joe Biden? Trang tin Hoa ngữ độc lập Đa Chiều đã phỏng vấn ông Thời Ân Hoằng, giáo sư Khoa Quan hệ Quốc tế, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Mỹ, Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc – một chuyên gia về quan hệ quốc tế. VietTimes xin chuyển ngữ để bạn đọc tham khảo.
Đa Chiều (Dwnews): Xét từ ý nghĩa nào đó, ngay cả khi ông Donald Trump thua trong cuộc bầu cử, nhưng “Chủ nghĩa Trump” lấy ưu tiên nước Mỹ làm trọng tâm trong 4 năm cầm quyền của ông ấy vẫn sẽ có ảnh hưởng lâu dài. Quá trình công bố kết quả tổng tuyển cử này diễn ra rất éo le, ông Trump cũng giành được hơn 70 triệu phiếu phổ thông, gần như đấu ngang ngửa với Joe Biden. Trong trường hợp này, ông Biden sẽ “chữa trị” nước Mỹ rách nát như thế nào? Làm thế nào để đối phó với những số người khổng lồ ủng hộ ông Trump?
Giáo sư Thời Ân Hoằng: Kết quả của cuộc tổng tuyển cử năm nay về cơ bản không khác so với năm 2016. Ông Trump chỉ mất 6 triệu phiếu bầu. Tỷ lệ cử tri Mỹ đi bỏ phiếu năm nay rất cao. Những người bỏ phiếu cho Joe Biden tin rằng chỉ có Biden mới có thể cứu được nước Mỹ, còn những người bỏ phiếu cho Donald Trump cũng tin rằng chỉ có Trump mới có thể tiếp tục cứu nước Mỹ. Do đó, vết rách cơ bản nhất trong xã hội Mỹ vẫn không thay đổi.

Nguyên nhân đằng sau rất sâu xa, ngay cả khi ông Trump thua cuộc bầu cử theo nghĩa pháp lý; thứ được định hình bởi Donald Trump là nhà hoạch định chính sách và thực hiện hệ thống, tôi gọi đó là phong trào dân túy của Mỹ – một phong trào mà giới tinh hoa tự do của thế giới và nước Mỹ căm thù, sẽ vẫn tiếp tục trong một thời gian với sức mạnh tương đương trước đây.
Vào năm 2016, những người ủng hộ ông Trump chủ yếu là các nhóm người da trắng lớp dưới và nhóm yếu thế. Họ có rất nhiều thù hận, đố kỵ đối với giới thượng lưu. Sau 4 năm, ông Trump đã biến sự thù hận, đố kỵ này thành một hệ thống cơ bản và hệ thống chính sách liên kết trong ngoài mặc dù còn nhiều mâu thuẫn trong đó.
Vết rách cơ bản nhất trong xã hội Mỹ vẫn rất nghiêm trọng. Nếu chính phủ đảng Dân chủ của ông Biden có niềm tin tối thiểu về chính trị và đạo đức nhất, thì họ phải đấu tranh cho nó và hàn gắn vết rách trong xã hội một cách rõ rệt hơn. Vì vậy, sự chấp chính tương lai của chính quyền Joe Biden chắc chắn sẽ phải xoa dịu và điều chỉnh cơ sở cử tri của ông Trump về các vấn đề khác nhau. Nhưng mặt khác, khả năng tranh cử thành công và điều hành suôn sẻ trong tương lai của ông Biden còn phải dựa vào sự tán thành và ủng hộ của những người cấp tiến trong Đảng Dân chủ.
Những người cấp tiến trong đảng Dân chủ không khác nhiều so với những người theo chủ nghĩa dân túy trong Đảng Cộng hòa về quản trị toàn cầu, chủ nghĩa đa phương, ngoại giao của Mỹ, đặc biệt là chính sách đối với đồng minh và Trung Quốc. Do đó, có ít nhất hai lực lượng lớn đứng sau kìm hãm ông Biden, xét về tổng thể thì hai lực lượng lớn này đối lập nhau về chính sách đối nội.

Trong Quốc hội, Đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện; đồng thời, quy mô của Đảng Dân chủ tại Hạ viện đã thu hẹp đáng kể. Cùng với đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế nghiêm trọng liên quan, điều này có nghĩa là nhiệm vụ nội bộ trong bốn năm tới của Đảng Dân chủ sẽ hầu như không thể biến hình vuông thành hình tròn được.
Ngoài ra, có thể thấy từ các bài phát biểu trước công chúng của Joe Biden và nhóm vận động Biden rằng, trong 12 năm từ 2008 đến nay, thế giới quan của Đảng Dân chủ đã không có những điều chỉnh đổi mới lớn nào.
Sau khi Joe Biden nhậm chức, ông có thể sửa chữa một phần, chẳng hạn như đàm phán lại hiệp định thương mại Trung-Mỹ, đảo ngược sự tách rời về ngoại giao cấp cao giữa Trung Quốc và Mỹ, tham gia vào quản trị toàn cầu về nguyên tắc. Các khả năng khác là rất nhỏ. Dưới mục tiêu chung cực kỳ tiêu cực phủ nhận Trung Quốc, giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ xảy ra xung đột và đối đầu nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực hơn.
Ngoài ra, sự tiếp tục tách rời của Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao không còn là điều phỏng đoán. Công nghệ cao liên quan đến vấn đề liệu có thể duy trì được ưu thế của Mỹ hay không, thậm chí, nó có thể được hiểu là “mạch sống” của Mỹ về cơ bản là bao vây Trung Quốc; xu thế tách rời Trung Quốc sẽ càng mạnh lên.

Đa Chiều: Về mặt đối ngoại, Đảng Cộng hòa đang sử dụng thời gian còn lại để tạo ra các vấn đề cho Đảng Dân chủ, đặc biệt là gây các vấn đề và trở ngại đối với quan hệ Trung-Mỹ. Ông Mike Pompeo trước đây đã công khai tuyên bố rằng Đài Loan chưa bao giờ là một phần của Trung Quốc, điều này tương đương với việc trực tiếp phủ định 3 bản thông cáo chung Trung-Mỹ. Ngoài vấn đề Đài Loan, Đảng Cộng hòa sẽ tạo ra những vấn đề và trở ngại nào cho Đảng Dân chủ của ông Biden? Sau khi Đảng Dân chủ lên nắm quyền, liệu Mỹ có thể thay đổi hành động của họ trong vấn đề eo biển Đài Loan?
Thời Ân Hoằng: Kể từ tháng 6 năm nay, Đảng Cộng hòa Mỹ đã nhiều lần tuyên bố rằng việc lật đổ địa vị cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc là mục tiêu chung của Đảng Cộng hòa đối với Trung Quốc. Về mặt quân sự, Mỹ đã không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự ở Tây Thái Bình Dương, thúc đẩy việc thành lập một liên minh mười quốc gia, thậm chí là một liên minh quân sự mười quốc gia Ấn Độ – Thái Bình Dương. Đồng thời, các biện pháp trừng phạt pháp lý đối với Trung Quốc về hiện trạng nhân quyền và tôn giáo của Trung Quốc vẫn tiếp tục cùng với các vấn đề Hồng Kông, Biển Đông, Tân Cương và Tây Tạng. Ngoài ra, mức độ tách rời công nghệ cao cũng đang tiếp tục mạnh hơn hoặc ngày càng sâu hơn.
Có thể dự đoán rằng trong hai tháng tới, chính quyền còn lại của Đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách của phái diều hâu chống Trung Quốc, thậm chí càng hung hăng hơn. Nhưng mặt khác, dù sao ông Trump cuối cùng cũng đã thua. Trong hai tháng tới, về cơ bản ông ấy chỉ là người trông giữ đất nước. Các nhà chức trách hàng đầu của Đảng Cộng hòa hoặc bị nhiễm COVID-19 hoặc bị đe dọa nghiêm trọng bởi COVID-19, cũng sẽ ảnh hưởng tới việc họ triển khai hành động, dù là về đối nội hay đối ngoại.
Ngoài ra, rõ ràng là trong hai tháng không có đủ thời gian để tiến hành các hành động có tính khủng hoảng lớn, tức là các hành động quân sự. Cho dù là thông qua các thủ tục pháp lý, vận động dư luận, hoặc phối hợp giữa đảng và các phe phái, đều không có đủ thời gian. Trạng thái tâm lý hiện tại của ông Trump rất chán nản, về cơ bản ông ta không muốn làm gì cả. Bị ràng buộc bởi các điều kiện trên, trong hai tháng tới, khả năng chính phủ Cộng hòa cuối thời phát động một cuộc khủng hoảng lớn trong quan hệ Trung-Mỹ giảm đi đáng kể.
Mặc dù chính phủ Đảng Cộng hòa vẫn đang tăng cường quan hệ tương tác giữa Mỹ với Đài Loan, nhưng cho đến nay, Mỹ vẫn chưa đe dọa sẽ công khai từ bỏ chính sách một Trung Quốc truyền thống. Theo nghĩa này, chính quyền Donald Trump tiếp tục tăng cường hỗ trợ quân sự, chính trị và ngoại giao cho Đài Loan trong phạm vi “cắt lát xúc xích”. Tuy nhiên, do sự thúc đẩy của các hỗ trợ khác nhau, bao gồm cả tốc độ tăng tốc bán vũ khí cho Đài Loan, có thể nói rằng họ đang cắt những lát xúc xích lớn.
Chính sách của Mỹ về vấn đề Đài Loan trong nhiều năm qua vẫn tiếp tục, đó là kiên quyết phản đối và ngăn cản bất kỳ bên nào trên eo biển Đài Loan thay đổi hiện trạng mà không có hành động khiêu khích. Do đó, dựa trên những lý do ước tính trên, Mỹ sẽ tiếp tục cắt lát xúc xích và thậm chí cả những lát xúc xích lớn trong vấn đề Đài Loan, nhưng khả năng công khai từ bỏ chính sách truyền thống một Trung Quốc là không lớn.

Sự nguy hiểm của vấn đề Đài Loan đang ngày càng gia tăng, nhưng khả năng nổ ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ tại khu vực Đài Loan là không lớn, bởi trói buộc lớn nhất là cả Trung Quốc và Mỹ đều nhận ra rằng xung đột quân sự giữa hai cường quốc là tuyệt đối không thể chấp nhận. Vấn đề là, cả Trung Quốc và Mỹ đều không muốn nhượng bộ nhau trong vấn đề Đài Loan; tuy nhiên, căng thẳng quân sự gia tăng cũng làm tăng nguy cơ xung đột kiểu sự cố.
Cả hai bên đều không muốn đánh nhau, nhưng vẫn chưa loại trừ một số yếu tố có thể khiến tình hình leo thang thành xung đột quân sự. Vì vậy, không được đánh giá thấp sự nguy hiểm của vấn đề Đài Loan và cũng không được đánh giá quá cao sự nguy hiểm của nó. Từ ngày 18 đến ngày 19/9, có thông tin nói 3 máy bay quân sự của Trung Quốc đã vượt qua đường trung tâm của eo biển Đài Loan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng từ xưa đến nay chưa bao giờ có cái gọi là “đường trung tâm” của eo biển Đài Loan. Điều này chủ yếu là để Mỹ hỗ trợ ngoại giao cho Đài Loan.
Về vấn đề Đài Loan, nếu nguy cơ xảy ra xung đột quân sự quá lớn, cả Washington và Bắc Kinh sẽ áp dụng mức độ thu hẹp nhất định. Tuy nhiên, do các lợi ích và vị trí quan trọng liên quan không thay đổi nên việc thu hẹp chỉ là tạm thời và mức độ căng thẳng cao sẽ tiếp tục vào một thời điểm nhất định.
Liên quan:
- 1838. Báo cáo Thượng viện Mỹ xác nhận: Gia đình Biden có quan hệ với Đảng cộng sản Trung Quốc và Nga
- 1659. Thượng nghị sĩ Mỹ yêu cầu FBI trả lời 6 câu hỏi về ổ cứng liên quan nhà Biden
- 1664. ĐCS Trung Quốc đã ‘mua’ Joe Biden và gia đình ông ta như thế nào?
- 1661. Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ: Thông tin về laptop của Hunter Biden không phải là tin sai lệch từ Nga
- 1669. Đối tác kinh doanh đã cung cấp 26.000 email để lật mặt Hunter Biden
- 1672. Hunter Biden và cộng sự chính là ‘ống dẫn’ tới chính quyền Obama-Biden
- 1706. Rò rỉ ghi âm Hunter Biden nói làm ăn với trùm gián điệp ĐCS Trung Quốc
Bài 2: Học giả Thời Ân Hoằng: một mặt trận chống Trung Quốc toàn diện đang hình thành
Thứ năm, ngày 26/11/2020 – 17:23
VietTimes – Học giả Trung Quốc Thời Ân Hoằng cảnh báo: Đừng hy vọng sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền, quan hệ Trung – Mỹ sẽ quay trở lại như thời kỳ Tổng thống Barak Obama.

Giáo sư Thời Ân Hoằng ở Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc, trong cuộc phỏng vấn độc quyền với trang tin Hoa ngữ độc lập Đa Chiều, cho rằng ngay cả khi ông Joe Biden muốn quay trở lại các chính sách trước đây của Mỹ, hàn gắn quan hệ với các đồng minh và xây dựng lại uy tín quốc tế của Mỹ, ông cũng chỉ có thể làm được một nửa dưới áp lực rất lớn hiện nay. Đối với Trung Quốc, do yếu tố nguyên nhân gây ra đại dịch COVID-19, các nước lớn trên thế giới đang tăng tốc điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc; số lượng các nước quan trọng ủng hộ và có thiện cảm với Trung Quốc đang ngày một giảm đáng kể.
Dưới đây là phần hai bài trả lời phỏng vấn của ông:
Đa chiều: Sau cuộc bầu cử ở Mỹ, xem xét phản ứng của các bên, châu Âu dường như thở phào vì cuối cùng “Người anh cả” Mỹ đã quay trở lại; Ấn Độ có vẻ hơi hoảng, ông Narendra Modi hiển nhiên đang mong chờ thêm 4 năm cầm quyền nữa của ông Trump. Trung Quốc vẫn đang chờ đợi và quan sát. Xét cho cùng, đại cục của quan hệ Trung – Mỹ vẫn khó có thể dễ dàng thay đổi với việc Joe Biden lên nắm quyền. Sau khi ông Biden nắm quyền, tình hình địa chính trị thế giới sẽ có những thay đổi rõ ràng nào?
Thời Ân Hoằng: Thực sự thì Châu Âu cũng không thở phào nhẹ nhõm, đương nhiên Châu Âu hy vọng Joe Biden đắc cử, vì sau khi ông Biden đắc cử, mối quan hệ giữa Mỹ với NATO và các đồng minh Châu Âu sẽ được sửa chữa một phần; nhưng ngoài ra, Châu Âu không ảo tưởng quá nhiều. Những thay đổi lớn lao đã diễn ra trên nhiều phương diện trên thế giới. Cần phải chỉ rõ một điều rằng Joe Biden tới đây không phải là Phó Tổng thống Biden, và chính quyền Joe Biden không phải là chính quyền Barack Obama.

Có thể nói, Joe Biden sẽ cố gắng khôi phục mối quan hệ đồng minh về kinh tế và quân sự, nhưng cũng chỉ có thể quay trở lại nửa chừng. Nguyên nhân cơ bản nhất nằm ở chỗ, nước Mỹ lo cho thân mình không xong và bị dẫn dắt bởi hai thế lực khổng lồ là những người cấp tiến trong đảng Dân chủ và những người theo chủ nghĩa dân túy của đảng Cộng hòa thì làm sao nước Mỹ có thể quay trở lại như xưa?
Trở lại một nửa, câu này thích hợp áp dụng cho quan hệ của Mỹ với châu Âu, với Nhật Bản, với Hàn Quốc, quan hệ với Trung Quốc và quản trị toàn cầu. Cục diện nước Mỹ được Tokyo, Seoul, Brussels, v.v., chào đón đã vĩnh viễn không còn nữa.
Nhìn lại các nước đang phát triển, Ấn Độ thì không cần phải nói, ông Modi chắc chắn tự tin rằng cho dù Joe Biden hay Donald Trump nắm quyền, quan hệ chiến lược Mỹ-Ấn ngày càng gần gũi thậm chí là liên minh bán quân sự sẽ không bị lung lay. Tôi không nghĩ rằng ông Modi hoảng sợ.
Mọi người luôn coi trọng những trải nghiệm trong quá khứ khiến họ hạnh phúc, nhưng những trải nghiệm này chỉ là tạm thời và có giới hạn. Thế giới đã thay đổi. Dù ông Biden có muốn tạo nên sự khác biệt thì cũng chỉ có thể làm được một nửa vì ông ta gặp phải những trói buộc của hai thế lực chính trị chính đi theo hai hướng trái ngược nhau.

Chiến lược tranh cử của ông Biden năm nay tập trung vào việc tấn công Donald Trump vì đã phá hoại nền dân chủ Mỹ. Tuy nhiên, đồng thời, Đảng Dân chủ đã không thể đưa ra một cương lĩnh chính sách đối nội và đối ngoại rõ ràng và có hệ thống. Bên ngoài chỉ nhìn thấy ông Biden cam kết các chính sách cục bộ như quay trở lại WHO và thỏa thuận khí hậu Paris. Điều này chủ yếu là do Joe Biden không có cách nào trực tiếp đưa ra một cương lĩnh chính sách rõ ràng, bởi vì một khi đưa ra thì sẽ bị cả hai bên cùng tấn công, trong tình huống chia rẽ cao độ, việc đưa ra một chương trình chính sách có hệ thống là không thực tế.
Trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chúng ta nhận thấy rất nhiều điều kiện thuận lợi, và cho rằng những thay đổi chung trên thế giới ngày càng có lợi cho các nước đang phát triển và Trung Quốc. Nhưng thực tế hiện tại đã lật nhào nhận thức này, cuối cùng chúng ta nhận thấy “hóa ra là như thế này”.
Quan hệ Trung – Mỹ hiện đã xấu nhất đến mức có thể. Các nước phát triển khác, đặc biệt là các nước phát triển về hàng hải và các nước lục địa châu Âu, ngày càng lên án và phẫn nộ với Trung Quốc trong những tháng gần đây. So với trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, sự cô lập chính trị quốc tế của Trung Quốc càng nghiêm trọng hơn. Sự tách biệt nhanh chóng giữa Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao giống như thời Chiến tranh Lạnh, thậm chí còn tồi tệ hơn thời Chiến tranh Lạnh.
Có thể nói, trong thế giới phát triển đang hình thành nhanh chóng và toàn diện một mặt trận chống Trung Quốc, số lượng các nước quan trọng ủng hộ và đồng tình với Trung Quốc về mọi mặt đang ngày càng giảm đi rõ rệt.
Đa chiều: Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 17/11 được hỏi về chủ đề này khi tham dự Diễn đàn Kinh tế Đổi mới Bloomberg, đã trả lời: “Không có nhiều quốc gia sẵn sàng tham gia một liên minh loại trừ các nước khác, đặc biệt là một liên minh không có Trung Quốc. Tôi nghĩ không chỉ là Singapore và các nước châu Á, mà ngay cả ở châu Âu, cũng có một số quốc gia muốn làm ăn với Trung Quốc. Điều này có thể hiểu được và tôi nghĩ như vậy sẽ tốt hơn”. Theo ông, liệu Joe Biden thực sự có thể cùng với phương Tây lập ra một mặt trận thống nhất chống Trung Quốc toàn diện ? Đâu là biến số hoặc trở ngại lớn nhất?
Thời Ân Hoằng: Lý Hiển Long không phải là người thích hợp để nói về chủ đề này, Singapore phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về mặt kinh tế, nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ trong các lĩnh vực an ninh, chính trị quốc tế và chiến lược. Singapore là một đại diện điển hình muốn đứng giữa trong quan hệ giữa với cả Trung Quốc và Mỹ.

Về kinh tế, Singapore có thể tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), nhưng về chiến lược quân sự, Singapore chắc chắn xích lại gần Mỹ hơn; vì vậy cần xem xét tình hình thực tế.
Ngoài Mỹ, các nước phát triển bao gồm các nước phát triển về hàng hải và lục địa Châu Âu như Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha…rất nhất trí với Mỹ về chiến lược và nền kinh tế cấp cao với nội hàm là công nghệ cao. Ngoài ra, trong một loạt vấn đề, chẳng hạn như nguồn gốc của dịch bệnh COVID-19, Hồng Kông, Đài Loan, Tân Cương, vấn đề tách rời công nghệ cao và kiểm soát vũ khí, họ về cơ bản nhất trí với Mỹ, tuy vẫn giữ một khoảng cách nhỏ nhất định. Liên kết tất cả những vấn đề này lại với nhau, có thể nói rằng một mặt trận chống Trung Quốc gần như toàn diện của phương Tây đang dần hình thành.
Tất nhiên, cũng không thể loại trừ trường hợp như Singapore, hoặc có một số lĩnh vực mà Trung Quốc có thể tham gia hợp tác, chẳng hạn như biến đổi khí hậu. Nhưng những vấn đề nêu trên chẳng lẽ vẫn chưa đủ để đưa ra kết luận sao?
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, ngoài các quốc gia phát triển, quan hệ giữa một số nước đang phát triển quan trọng như Nam Phi, Brazil và Indonesia với Trung Quốc đều xa lánh đáng kể. Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng sự phức tạp trong nội bộ thế giới lên rất nhiều. Có thể nói ngày càng có nhiều nước đang phát triển đang điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc.
Sau khi Joe Biden lên nắm quyền, vì vấn đề Trung Quốc hiện không phải là ưu tiên hàng đầu của Mỹ, ông có thể không quan tâm đến quan hệ với Trung Quốc trong một thời gian, nhưng chắc chắn ông sẽ không bỏ qua việc gây ra một số khó khăn cho Trung Quốc.
Liên quan: