Ba Sàm
Phải nói là “thần tốc” không ngoa, bởi Cơ quan điều tra mới có quyết định khởi tố (bổ sung) vụ án, bắt giam Nguyễn Duy Linh ngày 15/6/2021, đến hôm nay là đúng 10 ngày, mà đã có kết luận điều tra, chuyển Viện kiểm sát, khẳng định 3 bị can trong vụ án là “có tội”.
“Thần tốc” còn có thêm ý nghĩa nữa, là trong 10 ngày tạm giam đó, Nguyễn Duy Linh cùng 2 bị can Vũ, Hòa vẫn không có lời khai nhận tội.
Một vị lãnh đạo cao cấp của ngành công an, trong lĩnh cực cực kỳ quan trọng bị can án, càng cho thấy phải hết sức thận trọng khi buộc tội. Hàng tháng trời hỏi cung, thậm chí cả năm cho một vụ án là chuyện bình thường. Thế mà ở đây, mới có 10 ngày đấu tranh thôi, đã kết luận rằng “bị can Linh luôn có hành vi che giấu những hành vi của mình cũng như đồng phạm, khai báo quanh co thiếu trung thực” “cần phải xử lý bằng một bản án nghiêm khắc mới có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung”.
Với thực trạng tham nhũng ở Việt Nam, với thực tế kinh hoàng về mức độ khuynh đảo của Vũ “nhôm” trong khắp cả nước, cùng hàng loạt quan chức cao cấp dính líu, thậm chí với cả “lý lịch trích ngang” “lừng lẫy”của bị can Linh được truyền tụng ngoài xã hội, … thì có lẽ công luận dễ chấp nhận khả năng “có tội” của 3 nhân vật này, theo như kết luận điều tra.
Thế nhưng, với tội danh, mức độ vi phạm có thể phải chịu mức án cao nhất – tử hình, thì sự thận trọng trong kết luận là vô cùng quan trọng. Vậy tại sao lại phải “thần tốc”?
Không dễ để trả lời câu hỏi.
Chỉ liên hệ chút tới một vụ án có vài tình tiết giống vụ án này: Dương Chí Dũng và Phạm Quý Ngọ.
Khi ông Dũng khai ra tướng Ngọ nhận hơn nửa triệu đô do mình hối lộ, dư luận đã rất hy vọng vụ án sẽ đi tới những bước vô cùng kịch tính, có thể liên quan tới cấp cao hơn cả ông Ngọ. Thế nhưng, chỉ hơn một tháng sau, ông Ngọ qua đời, “đường hầm” mới mở ra tự nhiên bị “đánh sập”. Hy vọng Dương Chí Dũng được “ân giảm”, “đặc xá” tử hình cũng tắt phụt.
+ Những lời khai chấn động của Dương Chí Dũng tại tòa (8/1/2014). + Thượng tướng Phạm Quý Ngọ qua đời (18/2/2014)
Liên hệ tới vụ án này, liệu có không mối lo nếu không làm nhanh, biết đâu cũng sẽ có những sự cố kiểu vụ Dương Chí Dũng?
Mối lo thứ hai, rất có thể, là những tác động nào đó từ giới quyền lực sau hậu trường vào vụ án. Bởi vì, như bài viết dưới đây cho biết, từ năm 2018 Vũ đã có tới 6 bản khai và 6 lời khai nhận khá chi tiết vụ đưa hối lộ cho Linh. Thế nhưng, tại sao nay lại “phản cung”, liệu có phải Vũ đã được “tư vấn” nào đó, rất đáng tin cậy, ngay từ trong trại giam?
Chưa hết, trên mạng xã hội còn lưu truyền một lá đơn của Vũ, một lá đơn của Hòa kêu oan, viết và gửi từ trong trại giam. Nếu xác thực những đơn đó là của họ, thì tại sao họ lại dễ dàng thực hiện được việc này đến vậy, phải chăng có sự giúp sức với quyền lực khá lớn?
Ngay cả hiện tượng đưa tin khá là bất bình thường từ khi khởi tố, khám xét, bắt giam Nguyễn Duy Linh, cũng cho thấy có vẻ như có những “e ngại” nào đó trong nội bộ cơ quan pháp luật. Vì tin đưa ngay từ ban đầu rất dè dặt, không có chức vụ, cơ quan cụ thể; đến khi rõ hơn thì cũng không có một bức ảnh nào của bị can, ảnh bắt, khám xét – khác với những vụ án của mấy tướng, thứ trưởng công an trước đó.
Một liên hệ khác không thể không tính đến, đó là vụ Thủ Thiêm.
Theo như báo chí cho biết, ngày 29/5/2021, trong buổi làm việc với TPHCM, ông Phan Đình Trạc – ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Nội chính Trung ương, phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, “trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến của các cơ quan, bộ, ngành chức năng” đã yêu cầu:
“TP.HCM khẩn trương thu hồi và hoàn trả hơn 26.000 tỉ đồng tạm ứng từ ngân sách nhà nước đầu tư cho khu đô thị mới Thủ Thiêm để tránh thất thoát. Sớm có giải pháp huy động nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng hơn 4.000 tỉ đồng. Sau ngày 30-6-2021, nếu không thực hiện xong thì chuyển các vụ việc đã rõ dấu hiệu phạm tội đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý.”
+ Ban Nội chính T.Ư yêu cầu đẩy nhanh xử lý các vụ việc lớn tại TP.HCM ở Thủ Thiêm, Tân Thuận, SAGRI (29/5/2021). + Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra Thủ Thiêm (26/6/2019)
Đây là một bước đi bất ngờ, có vẻ rất mạnh mẽ. Bởi vì, trong suốt 2 năm qua, từ sau bản Kết luận của Thanh tra Chính phủ giữa năm 2019, việc yêu cầu TPHCM “khắc phục” hậu quả vụ Thủ Thiêm, một phần như nêu trên, nếu không sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, cuối năm 2019, vẫn chỉ là “yêu cầu”. Từ đó tới nay là … im lặng tuyệt đối. Giờ thì “đảng” đã vào cuộc!
Tại sao lại “liên hệ” tới vụ này? Ít nhất, vụ Nguyễn Duy Linh về công khai sẽ như một tác động “đòn bẩy” tâm lý khá lớn, chứng tỏ quyết tâm và quyền lực mạnh mẽ của cấp cao nhất chống tham nhũng, có thể giúp dập tắt những thế lực khác đang muốn kháng cự trong vụ Thủ Thiêm. Còn đằng sau, bên trong, thì … biết đâu đó, hai vụ cũng có liên quan với nhau ít nhiều.
Những chương, hồi sau của cuốn truyện “ĐỐT LÒ” dài kỳ này chắc còn nhiều tình tiết hấp dẫn.
Liên quan:
Vụ đưa, nhận hối lộ: Vũ nhôm ‘du lịch qua màn ảnh nhỏ’ như thế nào?

25/06/2021 15:04 GMT+7
CQĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố 3 bị can trong vụ án đưa, nhận và môi giới hối lộ xảy ra tại Bộ Công an, KLĐT cũng cho thấy, đây là kết quả của hành trình “chạy trốn” pháp luật của Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”).
Nhờ kết nối với ông Linh sau khi bị triệu tập lên làm việc
Theo hồ sơ vụ án, vào năm 2017, Phan Văn Anh Vũ bắt đầu bị điều tra do liên quan đến vụ án làm lộ bí mật nhà nước và vụ án vi phạm về đất đai tại Đà Nẵng. Do biết mình đang bị điều tra, Vũ nhờ người quen nhiều lần đưa quà và tiền cho ông Nguyễn Duy Linh và được nhận lời khuyên “đi du lịch qua màn ảnh nhỏ… Châu Âu càng tốt”. Vũ đã bỏ trốn khỏi Việt Nam nhưng sau đó đã bị bắt về và xét xử.
Vào khoảng cuối tháng 4 đến đầu tháng 5-2017, trên mạng Internet xuất hiện một số tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (lúc này đang là cán bộ công an), và sau đó Tổng cục Tình báo tổ chức họp về việc này. Đến 30-7-2017, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án Làm lộ bí mật nhà nước và triệu tập Phan Văn Anh Vũ lên làm việc.
Trước đó, do có quen biết với Hồ Hữu Hòa (hành nghề tư vấn phong thuỷ và tâm linh), Vũ hỏi Hoà có biết ông Nguyễn Duy Linh (lúc đó đang là phó tổng cục trưởng Tổng cục tình báo) hay không, thì Hoà trả lời có biết. Vũ nhờ Hòa kết nối để mình được nói chuyện với ông Nguyễn Duy Linh. Hòa đồng ý.
Sau đó, trong tháng 7-2017, một lần Hòa ra Hà Nội và tới nhà riêng của ông Linh (quận Tây Hồ). Trong ngày này, Hòa đã gọi điện thoại cho Phan Văn Anh Vũ bằng điện thoại của Hoà, cụ thể, ông Linh nói: “Tao đã đọc hồ sơ của mày rồi. Lúc nào ra Hà Nội gặp nhau tao sẽ nói chuyện sau”. Sau đó, ông Linh nhắn với Hoà rằng về nói với Vũ, “người ta chỉ phá kinh tế nó, chứ không phải lo. Vũ có ý ủng hộ tôi về tài chính để tôi lo công việc”.
Sau đó, để được ông Linh ủng hộ, Vũ đã đưa 5 tỉ đồng rồi nhờ Hoà chuyển đến ông Linh vào ngày 16-8-2017. Trong thời gian sau đó, theo lời khai của Vũ và những người liên quan, Vũ nhiều lần chuyển thêm quà đến cho ông Linh.
Tuy nhiên đến khoảng ngày 17, 18-12-2017, ông Linh gọi điện thoại cho Vũ qua ứng dụng viber dặn: “Em nghe anh nói, việc của em là đang rất khó khăn, có thể khởi tố, bắt tạm giam, nên đi du lịch qua màn ảnh nhỏ một thời gian, càng xa càng tốt… cố gắng qua Châu Âu…”.
Sau đó đến ngày 20-12, CQ ANĐT Bộ công an đã ban hành quyết định khởi tố bị can đối với Phan Văn Anh Vũ tội Cố ý làm lộ bí mật nhà nước.
Hành trình đi “du lịch qua màn ảnh nhỏ” của Phan Văn Anh Vũ
Ngay trong chiều ngày 20-12-2017 (ngày ra quyết định khởi tố bị can đối với Vũ), Phan Văn Anh Vũ đã mời hai vợ chồng người quen đi ăn tại nhà hàng ở thành phố Đà Nẵng.
Sau khi tới nhà hàng, Vũ dặn hai vợ chồng người quen chờ mình rồi lấy điện thoại gọi qua ứng dụng viber cho một người cháu (gọi Vũ bằng cậu, hiện đang sống ở nước ngoài) rồi nhờ người cháu này gọi điện thoại cho người thân đến đón Vũ tại cổng sau khách sạn. Sau đó, người này dùng xe Mecerdes rời khỏi khách sạn theo hướng vào TP.HCM.
Khi tới địa bàn tỉnh Đồng Nai, Vũ bảo người thân quay xe về Đà Nẵng, còn Vũ thuê taxi đi đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Tới chiều cùng ngày Vũ dùng hộ chiếu mang tên Lê Văn Sáu xuất cảnh sang Campuchia. Ngày 22-12 Vũ dùng hộ chiếu này mua vé máy bay từ Campuchia đi Singapore.
Đến ngày 27-12-2017, Vũ bị cơ quan chức năng của Singapore bắt giữ. Đến ngày 4-1-2018, Vũ được đưa về Việt Nam và bị điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án với mức án tổng cộng lên tới 65 năm tù (tổng hợp hình phạt là 30 năm tù).
6 bản khai về việc đưa tiền cho ông Linh
Sau khi bị bắt giam, từ ngày 7-4-2018 đến 17-7-2018, Vũ đã viết 6 bản tự khai và có 6 lời khai về việc Hoà khuyên Vũ “nên cho anh Linh một ít tiền”,sau đó được Hoà kết nối với ông Linh, được ông Linh khuyên đi du lịch càng xa càng tốt.
Lời khai này thể hiện Vũ đã thông qua Hoà và những người quen đưa cho ông Linh 4 lần tiền: lần 1 là 500.000 đô la Mỹ (ông Linh không thừa nhận); lần 2 là 5 tỉ đồng; lần 3 là 1 triệu đô la Mỹ; lần 4 đưa 1 triệu đô la Mỹ.
Tuy nhiên, sau khi bị xét xử tội Cố ý làm lộ bí mật nhà nước, Vũ vẫn thừa nhận lời khai nhưng thay đổi việc khai đưa tiền cho ông Linh sang đưa xì gà và các hộp quà; nấm linh chi… Từ ngày 17-7-2020 đến nay, Vũ lại thay đổi lời khai, cho rằng chỉ gửi quà 2 lần gồm xì gà và cho ông Linh.
Sau đó, Phan Văn Anh Vũ không hợp tác với cơ quan điều tra, phủ nhận toàn bộ lời khai trước đây và cho rằng bị điều tra viên xúi giục, hướng dẫn… Tuy nhiên, đến nay, kết luận điều tra cho rằng không có bằng chứng gì về việc Vũ bị xúi giục, bị phạm nhân khác đánh đập.
HOÀNG ĐIỆP – THÂN HOÀNG