1495. VỤ ĐỒNG TÂM: MỘT SỐ QUAN CHỨC CHƯA NHẬN THỨC ĐƯỢC MỨC ĐỘ NGHIÊM TRỌNG CỦA VỤ VIỆC

Hình ảnh có thể có: 1 người

FB Ho Bat Khuat

Nhà báo Hồ Bất Khuất

12/09/2020

Đến thời điểm này, vẫn chưa có đánh giá về mức độ nghiêm trọng của vụ Đồng Tâm ở lãnh đạo cấp cao. Đó là tác động của nó đến uy tín của đất nước trên trường quốc tế; Đó là ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân; Đó là nó làm chia rẽ trong xã hội…

Người ta chỉ chăm chắm vào phiên tòa với những tội trạng của các bị cáo. Vẫn biết là phiên tòa kiểu này thì khó mà đòi hỏi xét xử tử tế, công tâm. Song, quả tình nó được tổ chức tệ hơn so với mình tưởng tượng rất nhiều. Các quan tòa nói giọng trịch thượng và đầy quyền uy; bỏ qua những đòi hỏi rất có lý của các luật sư. Ví dụ, đề nghị triệu tập ông Nguyễn Đức Chung đến tòa là cần thiết; ông ấy không chỉ là nhân chứng, mà còn là người có trách nhiệm liên quan. Hay đề nghị dựng lại hiện trường 3 công an hi sinh là rất cần thiết, bởi vì đây là một trong những thao tác không thể bỏ qua của những vụ án phức tạp.

Không chỉ quan tòa, mà cái ông luật sư Nguyễn Hồng Bách cũng cho rằng, không nên dựng lại hiện trường… Tuy nhiên, lý do ông này đưa ra lại là vì nó dã man, vì gia đình của những người hi sinh sẽ đau đớn thêm, không chịu nổi… Trời ạ! Ông ấy là luật sư sao lại có thể nói như vậy?! Tất cả những gì diễn ra trong việc dựng lại hiện trường chỉ là mô phỏng, làm gì có lửa cháy, người chết mà dã man?! Hơn thế nữa, những người thân của 3 chiến sĩ đã hi sinh cũng muốn biết họ hi sinh như thế nào. Ngoài ra, đồng đội của 3 người này cũng cần biết để rút kinh nghiệm để làm nhiệm vụ được tốt hơn. Nhìn chung, dựng lại hiện trường vụ việc là mong muốn của những người muốn biết sự thật và từ đây rút ra những điều bổ ích. Ấy thế mà các quan tòa lại không chấp nhận!?

Những gì các bị cáo khai nhận tại tòa tôi không tin lắm. Mấy chục năm trước, tại Hà Nội, một cô gái bị sát hại ở một con phố có một cán bộ lãnh đạo cao cấp sinh sống. Lệnh được đưa ra: Phải tìm ra thủ phạm càng sớm càng tốt. Trong một thời gian ngắn, có 4 người bị bắt; ai cũng khai nhận mình là thủ phạm và đưa ra những tình tiết không thể xác thực hơn. Nhưng thủ phạm thực sự lúc này đã nằm trong tù vì sau khi gây trọng án, con người ma lanh đó đã cố tình gây ra một vụ án nhỏ khác và để cho công an bắt.

Còn những người dân Đồng Tâm chất phác không có ý đồ đối đầu quyết liệt với công an và chính quyền địa phương nên khi bị bắt thì họ sẽ nói những gì mà “cán bộ” mong muốn để được hưởng khoan hồng là điều dễ hiểu. Báo chí không nên nhấn mạnh những lời nhận lỗi của các bị cáo. Vì làm như vậy bản chất của vụ việc có thể bị hiểu sai lệch.

Lúc đầu người ta thông báo phiên tòa sẽ diễn ra trong 10 ngày nhưng với diễn biến như thế này, chắc sẽ kết thúc sớm. Xét xử mà không cho luật sư tranh tụng thì còn gì để trông chờ ở một phiên tòa?.

Thật ra, trong bối cảnh hiện tại, khó mà đòi hỏi công bằng. Tuy nhiên, nếu những người lãnh đạo cao cấp có tâm, có tầm thì:

NÊN XEM PHIÊN TÒA LÀ CƠ HỘI ĐỂ SỬA SAI VÀ HÒA GIẢI

Tại sao lại cần như vậy?

Tại vì xét ở góc độ nào thì chính quyền cũng phải chịu trách nhiệm về vụ việc bi thảm ở Đồng Tâm với tư cách là người có trách nhiệm quản lý, điều hành hoạt động kinh tế – xã hội của đất nước. Đất nước đã hòa bình, thống nhất trên bốn mươi năm rồi mà ở địa bàn Thủ đô Hà Nội lại diễn ra cảnh bắn giết lẫn nhau giữa lực lượng vũ trang và người dân thì ai chịu trách nhiệm đây? Đương nhiên, người chịu trách nhiệm trước hết phải là chính quyền; hay như cách nói được yêu thích hiện này là “cả hệ thống chính trị” phải chịu trách nhiệm.

Mà trên thực tế, đã có dấu hiệu cho thấy có những người đã nghĩ tới việc này. Cụ thể, tại cuộc làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ hôm nay 28/4/2020, Phó trưởng ban thường trực Ban dân vận Thành ủy Hà Nội – Phạm Hải Hoa – cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó có việc đánh giá, dự báo tình hình nhân dân, đặc biệt là ở những địa bàn phức tạp, nhạy cảm là chưa kịp thời, chưa sâu sát. Từ đó dẫn đến việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết các vụ việc phát sinh trong nhân dân còn hạn chế, như vụ việc ở Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Mới chỉ có Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội thẽ thọt nhận trách nhiệm. Giá Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Tuyên giáo, Sở Công an… cũng làm việc này thì tốt biết bao!

Nếu có nhiều quan chức suy nghĩ theo hướng này, vụ Đồng Tâm sẽ được giải quyết hợp tình, hợp lý hơn. Chính quyền cần nhận trách nhiệm, cần nhận sai lầm trong cách giải quyết đã đến hậu quả nghiêm trọng…

Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng chúng ta hãy tư duy thế này: Xem đất nước ta là một gia đình, cấp cao nhất của bộ máy quyền lực được xem như là cha mẹ, các bộ phận còn lại được xem như con cái. Khi con cái đánh nhau sứt đầu, mẻ trán, máu me lênh láng thì việc đầu tiên của bố mẹ là nhận trách nhiệm về mình: Vì không dạy dỗ chu đáo, vì không can ngăn kịp thời. Sau đấy là vỗ về, chữa trị vết thương cho các con. Sau đấy mới phân định đúng – sai; trong tất cả các cuộc xung đột, cả hai bên đều có đúng, có sai; không có chuyện một bên đúng cả, còn một bên sai hết. Đây gần như là nguyên lý. Các bậc cha mẹ có trách nhiệm và tình thương thường xử sự như vậy.

Trên thực tế, vào năm 2017 khi 38 cán bộ, công an, cảnh sát cơ động rời Đồng Tâm, nhiều người hi vọng mọi việc sẽ được giải quyết triệt để, sự yên bình sẽ trở lại với Đồng Tâm. Vì ngày ấy 38 người bị dân Đồng Tâm bắt giam giữ trong một tuần đã yên bình rời Đồng Tâm vì họ được dân cho ăn uống và đối xử tử tế. Có người còn chắp tay lạy cảm ơn dân trước khi rời làng.

Ấy thế mà đêm 9/1/2020 lại xẩy ra thảm họa! Ở đây rõ ràng có sự yếu kém, tắc trách của chính quyền. Chính quyền cần dũng cảm nhận sai lầm chứ không nên biện bạch qua miệng lưỡi của các quan tòa và một số nhà báo. Không thể biện luận để chứng minh mình đúng khi 3 giờ sáng kéo quân vào làng người ta, lên nhà người dân, bắn chết người trong phòng ngủ của họ!

Tôi vẫn giữ ý kiến là cần truy tố cả người ra lệnh tấn công Đồng Tâm đêm 9/1/2020. Không có lý do gì để sử dụng lực lượng vũ trang tấn công làng quê vào lúc 3 giờ sáng. Nếu nghi ngờ họ tàng trữ vũ khí thì việc kiểm tra nên làm vào ban ngày, thậm chí nên làm vào giờ hành chính.

Nếu chính quyền (cả hệ thông chính trị) ít nhiều công nhận sai lầm và chịu trách nhiệm trong vụ Đồng Tâm, những người chết cũng không thể sống lại nhưng những người chưa chết sẽ dễ sống hơn. Đây là mong muốn của rất nhiều người. Những gì đã diễn ra ở Đồng Tâm đã quá bi thảm, không nên giết thêm người để vụ việc trở nên bi thảm hơn!


Mời đọc thêm 118 bài liên quan tới vụ án Đồng Tâm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *