Ba Sàm
Đang giữa những ngày cả thế giới cho tới xứ ta phải lo chiến đấu với đại dịch COVID-19, cách ly xã hội … Ấy thế mà tại Sài thành, giữa đêm 9 rạng sáng 10/5/2021, suốt 3-4 tiếng đồng hồ, hơn chục cảnh sát vật vã đối phó với một tài xế xe Ferrari bị cho là vi phạm, quây xung quanh là cả trăm lượt người dân, nhiều nhà báo, Youtuber, Facebooker … theo dõi lấy tin, quay phim và lên tiếng phản ứng.
Cả ngày 10/5, nhiều báo, trên mạng tràn ngập thông tin, clip, bình luận.
Người Sài Gòn có câu rủa, khi nặng, khi bông lơn: “Cái đồ mắc dịch!” Không hiểu các sĩ quan CSGT, các nhà báo, bác sĩ “thành phố mang tên Bác”, liên quan trong vụ việc có lo bị lây dịch bệnh, hay bị cái lời rủa đó, bởi cách làm việc của họ?
Xin nêu tóm tắt, qua theo dõi các video, báo, mạng và đôi lời bàn:
Vụ việc: khoảng 11h đêm, các CSGT chặn giữ một xe Ferrari, lý do lái xe không cài dây an toàn. Hóa ra không phải, nhưng lại phát hiện lỗi khác, là không có biển số phía trước. Chủ xe cho biết do vừa va chạm rớt biển, và đưa ra biển số trong cốp xe. CSGT vẫn muốn “xử lý”, yêu cầu trình giấy tờ các loại. Chủ xe không chấp hành, tranh cãi. Mấy CSGT lao vào ôm, quăng quật, còng tay chủ xe. Lưu ý: còng hai tay ra phía sau lưng. Chủ xe bị còng tay, kể lể sự tình là mình không mắc lỗi, đã tỏ ra vô cùng bức xúc, cật vấn CSGT anh có tội gì mà bị còng tay, trong khi vợ đang mang bầu, đi cùng xe. Thậm chí anh còn tố có công an đứng sau lưng lén bẻ tay anh. Diễn biến căng thẳng, kéo dài hàng tiếng đồng hồ, nhiều người dân theo dõi đã lên tiếng liên tục yêu cầu CSGT tháo còng tay cho chủ xe, và truy tìm người đã làm việc đó … Cuối cùng là xe cấp cứu đến đưa chủ xe vào bệnh viện, theo yêu cầu của người thân vì anh bị xỉu.
Cảnh sát giao thông: đã thể hiện cách làm việc kém, cụ thể:
1- Phát hiện sai về việc có hay không cài dây an toàn của chủ xe. Với biển số xe, nếu đã rõ là có biển trước, nhưng để trong cốp, có vết va quẹt trước đó thì nên cho qua tình huống này.
2- Giữa đại dịch, càng cần tránh tụ tập đông người, giữa thành phố đông dân, mà lại để tình trạng như vậy kéo dài là rất dở. Đáng trách nữa, là người phụ nữ đi cùng xe tài xế lại đang mang thai, mà phải chịu áp lực tâm lý như vậy suốt mấy tiếng đồng hồ, giữa đêm khuya.
3- Việc còng tay tài xế là rất không đáng, khi anh ta chỉ đang tranh cãi là mình không có vi phạm gì thôi (hình như có một câu “… mày ngu!” là lập tức bị CSGT xô vào áp chế còng tay).
Đặc biệt hơn, là CSGT lại còng tay anh ta về phía sau, lại trong suốt mấy tiếng đồng hồ. Cách còng này thường chỉ áp dụng với tội phạm nguy hiểm, trong điều kiện khó kiểm soát. Đơn cử bản thân tôi, suốt 5 năm bị bắt, đi tù, nhiều lần di chuyển ra ngoài trại giam mà chỉ bị còng về phía trước. Và cũng cần nhắc lại chuyện mới đây, một hung thủ vừa giết hai người, bị bắt, dẫn ra xe công an mà còn không bị còng tay.
Thậm chí, bất hợp lý hơn nữa là khi tài xế có triệu chứng bị xỉu, được đưa lên xe cấp cứu, nhiều người dân la lớn đòi tháo còng tay, nhưng vẫn không được. Anh ta bị đặt nằm sấp, úp mặt vào gối trên xe cấp cứu – rất nguy hiểm nếu đúng là anh đang bị tụt huyết áp, khó thở …
Báo chí: hầu hết đã thể hiện rất kém cỏi, thiếu vô tư trong cách đưa tin, bình luận, cụ thể:
1- Đưa tin một chiều, chủ yếu lấy từ phía CSGT, hoàn toàn không hỏi người dân (có cả trăm), không xem nhiều clip chi tiết trên mạng (dài nhất là 1h40′, dưới đây).
2- Sử dụng những câu chữ mang tính suy diễn, vội quy kết lỗi, như “lăng mạ”, “xúc phạm cảnh sát nên bị khống chế”, “chống đối” (nặng hơn “không hợp tác”, dễ bị suy diễn tiếp là “chống người thi hành công vụ”), “kích động, lôi kéo người dân xung quanh” (“kích động” cái gì?), “người phụ nữ đi cùng cũng lợi dụng việc mình mang thai ngồi trước đầu xe, cản trở không cho tổ cẩu xe về trạm” (“ngồi” thì đúng, nhưng “lợi dụng” “mình mang thai” là suy diễn).
3- Tránh né tình tiết “còng tay”, mà viết kiểu mơ hồ, thành “khống chế” (riêng báo Dân trí là có đưa “còng tay”, ngay từ tựa bài, VNExpress/Giao thông cũng có đưa nhưng tin rất sơ sài).
Nhân viên y tế: Y đức và quyền uy của bác sĩ trong việc đặt sức khỏe, tính mạng con người lên hàng đầu là không nhỏ. Thế nên, trong trường hợp này, không rõ nhóm nhân viên y tế của bệnh viện tới cấp cứu người tài xế có yêu cầu CSGT mở còng tay, hay ít ra là chuyển sang còng phía trước không, nhưng hình ảnh anh ta phải nằm sấp úp mặt vào gối trong suốt chặng đường tới bệnh viện là rõ thái độ trách nhiệm của họ chưa tốt (chẳng lẽ bác sĩ giỏi quá, tin chắc là anh ta … giả vờ?).
Có thể trong mấy ngày tới, CSGT sẽ tìm ra được một vài lỗi nào đó của người tài xế mà họ chưa phát hiện được tại hiện trường, ví như xe đã bị thay đổi màu sơn, giấy tờ xe, bằng lái … có thiếu sót, … chẳng hạn.
Thế nhưng, dù kết cục ra sao thì những gì diễn ra ngay tại hiện trường đủ cho thấy cách làm việc rất thiếu chuyên nghiệp của các CSGT này, thậm chí còn đáng phải xem lại về động cơ phía sau. Ví như, liệu có hay không việc cố tình “hành” người tài xế bằng còng, để hy vọng anh ta sẽ nổi điên, không kìm chế được, mà phạm luật, rồi bị quy cho là “chống người thi hành công vụ”?
Từ nhiều vụ việc không ổn của CSGT gần đây, ngành công an nên xem lại các quy định về quy trình công tác của lực lượng này, nếu thấy chưa hợp lý, chặt chẽ, thì cần sửa đổi, kể cả văn bản mới nhất là Thông tư 65/2020/TT-BCA, 19/6/2020 .
Dưới đây là 2 đoạn video chi tiết nhất về vụ việc, video ý kiến bình luận của một luật sư và tin trên báo Dân trí (link các báo khác: Người lao động, Lao động, Tuổi trẻ, Dân Việt, VNExpress, Giao thông):
–
–
—
Xôn xao clip CSGT còng tay tài xế lái siêu xe Ferrari
Thứ hai, 10/05/2021 – 09:32
Lực lượng CSGT còng tay người đàn ông điều khiển siêu xe Ferrari ở quận 8 (TPHCM). Nhiều người dân la hét, yêu cầu công an tháo còng.
Ngày 10/5, mạng xã hội Facebook lan truyền nhiều clip về việc người dân dùng điện thoại quay lại nội dung CSGT còng tay một tài xế lái siêu xe trên đường Dương Bá Trạc (phường 1, quận 8, TPHCM) vào khuya 9/5.

Ở clip dài 6 giây, tài xế nói với nhóm CSGT, nếu đến 23h15, xe cẩu không tới thì anh sẽ lái xe đi. Trong clip dài hơn 1 phút, nam tài xế tiếp tục nói với nhóm CSGT rằng xe của anh đang lưu thông bình thường, đúng tốc độ, đúng làn và vợ anh đang có thai.
“Anh bắt lỗi tôi không cài dây an toàn sau đó chuyển sang lỗi biển số. Xe tôi bị va chạm nên biển số bị rớt ra ngoài, dấu vết còn đây. Khi nào xe tôi không có biển số thì cẩu xe tôi về phường”, nam tài xế nói với một CSGT.
Sau đó, nam tài xế nói “CSGT bị mù” và có lời nói văng tục thì bị lực lượng chức năng khống chế.

Còn ở một clip khác dài hơn 60 phút, hàng trăm người dân bất chấp dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tập trung đông nghẹt dưới lòng đường để theo dõi sự việc. Nhiều người dân dùng điện thoại quay phim, hò hét, yêu cầu lực lượng chức năng tháo còng để tài xế đi về, khiến CSGT phải nhiều lần giải tán.
Ở cuối của đoạn clip này, nam tài xế được nhiều người đưa lên xe cấp cứu, di chuyển khỏi hiện trường.

Qua tìm hiểu của phóng viên, cán bộ CSGT trong các đoạn clip trên thuộc Đội CSGT Đa Phước, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TPHCM.
Đại diện Đội CSGT Đa Phước cho biết, vụ việc vẫn đang được xác minh và sẽ cung cấp khi có thông tin cụ thể.
Hoàng Thuận