Ba Sàm
Tóm tắt vụ việc: ở một điểm tiêm chủng thuộc Thị xã Tân Uyên, người đến tiêm quá đông, khâu tổ chức lúng túng.
Một người dân dùng điện thoại quay phim khung cảnh tại nơi đây, liền bị các cán bộ công an xông vào quật ngã, lôi vào phòng, đóng kín cửa, kéo rèm cửa sổ, dùng vũ lực.
Một người thân của người dân này cũng bị khống chế và đã lên tiếng tố cáo nhiều dấu hiệu vi phạm của công an (theo RFA, bài bên dưới).
Mặc dù khá nhanh chóng, chính quyền đã vào cuộc, “chấn chỉnh” một viên công an, thế nhưng, nhiều điều không ổn trong vụ việc này, từ cách đưa tin của báo chí cho tới hành xử của cơ quan công quyền.
Báo đưa tin thiếu khách quan
Cơ quan thông tấn quốc gia – TTXVN (mời xem bài bên dưới) chỉ lấy thông tin từ chính quyền, không hỏi người “bị hại” và người dân; vì vậy, cho rằng tình trạng lộn xộn ở điểm tiêm chủng là do dân. Trong khi đó, báo Tuổi trẻ thì đưa cả thông tin từ phía người dân, cho là “thư mời ghi 13h30 nhưng khi người dân tới không có người hướng dẫn xếp hàng nên mới xảy ra lộn xộn.”
Việc có hay không công an nhắc nhở người “bị hại” không được quay phim không quan trọng bằng việc họ có quyền cấm quay phim hay không. Thế nhưng, TTXVN có hàm ý là người dân đã sai khi bị nhắc nhở nhưng vẫn không nghe; mà không biết (?) rằng không có quy định nào cấm phi lý như vậy.
Còn đây là đoạn đầy suy đoán, mang tính bao che cho người vi phạm, khi cho là viên công an khống chế người quay phim chỉ là “để làm rõ nội dung đoạn video trên”.
Thậm chí đến hình ảnh sử dụng trong bài, TTXVN cũng ghi chú không đúng,trong khi dễ hiểu đó là ảnh lấy từ video, không phải ảnh do phóng viên của TTXVN chụp. Thậm chí nó từ nguồn báo nhà nước, có lẽ là video duy nhất, rất rõ nét của báo Phụ nữ TPHCM.
Theo bài của TTXVN thì có vẻ như chỉ có 1 viên công an tham gia vụ việc, rồi bị “chấn chỉnh”. Nhưng một số báo khác thì cho là nhiều công an tham gia. “Bị hại” cũng không phải chỉ 1, mà có tới 2, theo như vài báo khác. Qua video là rõ (xem cuối bài).
Đặc biệt, VOV NEWS đưa nhiều tình tiết mà các báo khác không có, “…ông Huỳnh Thanh Trước – công an phường đến vật ông T. ngã xuống nền bê tông. Người đi cùng ông T. chạy đến nhưng được lực lượng công an can ngăn kéo ra.” “… bị công an khống chế trong tư thế bị đè người xuống nền bê tông, bắt tay ra sau… một người bị lôi vào phòng và người trong phòng kéo rèm xuống dùng vũ lực. Sự việc đã gây bức xúc trong dư luận.” “Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phường Phú Chánh đã đến nhà ông T. nhận trách nhiệm của địa phương vì để xảy ra vụ việc. Ông Huỳnh Thanh Trước cũng xin lỗi gia đình và bản thân ông T.”

Báo Tuổi trẻ còn có video đưa lên YouTube, cho thấy tương đối rõ một số diễn biến.
Cơ quan công an, chính quyền, có dấu hiệu muốn khỏa lấp vụ việc.
Việc yêu cầu người bị hại gỡ bỏ thông tin đã đưa lên mạng là biểu hiện muốn che đậy sự thật.
Trong khi đó phía chính quyền lại không lấy thông tin từ người dân, người bị “khống chế” để có đánh giá khách quan, mặc dù đã xuống xin lỗi dân. Vậy là quá rõ cách làm việc rất kém, chưa nói tới dụng ý không muốn đi tới cùng sự việc.
Vội vàng khẳng định ngay là “không có việc cán bộ công an đánh đập người dân” càng chứng tỏ thái độ không cầu thị, nghiêm minh trong xử lý cán bộ của mình, sợ liên đới trách nhiệm. Trong khi đó, qua phương tiện truyền thông không phải của nhà nước (Đài RFA, mạng xã hội) thì cho thấy thực tế ngược lại.
Hình thức gọi là “chấn chỉnh” đối với viên công an vi phạm là hết sức mơ hồ, đầy dấu hiệu bao che. Và không phải chỉ 1, mà là nhiều công an tham gia, chưa nói tới người chỉ huy và lãnh đạo địa phương có mặt tại đó. Họ đã không có hành động ngăn chặn kịp thời. Những hành vi đó (làm và làm ngơ/ủng hộ) không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn gây ảnh hưởng xấu trong xã hội giữa lúc lòng dân đang bất an vì đại dịch.
Cũng cần nói thêm, mới tháng trước Chủ tịch Thị xã Tân Uyên đã bị kỷ luật “vì phòng, chống dịch kém hiệu quả”. Nó có thể lý giải thêm phần nào diễn biến trong và sau vụ việc nói trên.
Bình Dương: Công an thông tin về vụ xô xát tại điểm tiêm vaccine
Cơ quan chức năng xác minh không có việc cán bộ công an đánh đập người dân trong vụ việc xảy ra ở phường Phú Chánh (Bình Dương) ngày 30/10; tuy nhiên, một cán bộ công an đã được “chấn chỉnh.”
Huyền Trang (TTXVN/Vietnam+) 01/10/2021 20:20 GMT+7

Ngày 1/10, lãnh đạo Công an thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã thông tin về vụ clip liên quan đến “cán bộ công an xảy ra xô xát với người dân tại điểm tiêm vaccine” xảy ra tại địa phương, được đăng tải lên mạng xã hội. Cơ quan chức năng xác minh không có việc cán bộ công an đánh đập người dân như thông tin quy kết.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Công an thị xã Tân Uyên đã trực tiếp xuống địa bàn, phối hợp với lãnh đạo phường Phú Chánh chỉ đạo xác minh làm rõ vụ việc để xử lý theo quy định và vận động, thuyết phục, đề nghị ông N.H.T gỡ bài đăng trên các tài khoản mạng xã hội.
Trong ngày, cán bộ công an H.T.Tr đã bị đình chỉ công tác và điều động về đơn vị khác thuộc Công an thị xã và chờ xem xét xử lý vi phạm, công khai xin lỗi người dân. Công an phường Phú Chánh đã chấn chỉnh thái độ và tác phong của cán bộ H.T.Tr.
Sau vụ việc, Công an thị xã Tân Uyên sẽ tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quy trình công tác, điều lệnh Công an nhân dân và rút kinh nghiệm nhắm chân chỉnh thái độ, tác phong, văn hóa ứng xử của cán bộ chiên sỹ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Trước đó, vào 14 giờ ngày 30/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh phường Phú Chánh triển khai lực lượng tiêm vaccine phòng COVID-19 tại quán ăn Phát Đạt thuộc tổ 2, khu phố Phú Trung, phường Phú Chánh nhằm đảm bảo an ninh trật tự, hướng dẫn người dân thực hiện giãn cách và chấp hành 5K.
Đến khoảng 14 giờ 30 phút, một số người dân đi tiêm không đúng thời gian theo giấy mời của Ủy ban Nhân dân phường Phú Chánh gây ra hiện tượng chen lấn, không đảm bảo thực hiện giãn cách, làm ảnh hưởng đến cán bộ y tế làm nhiệm vụ tại đây. Ngay sau đó, Công an phường Phú Chánh phân công cán bộ H.T.Tr đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra cơ động đến điểm tiêm để hỗ trợ.
Lực lượng Công an hỗ trợ phường tiến hành mời người dân đi không đúng giờ ra khỏi khu vực, nhắc nhở những người khác thực hiện giãn cách. Tuy nhiên, nam thanh niên tên là N.H.T (sinh năm 1997) là người đến chờ tiêm vaccine (có giấy mời đúng giờ) đã dùng điện thoại quay video. Thấy vậy, đồng chí H.T.Tr yêu cầu anh N.H.T ngừng quay video và thực hiện giãn cách theo quy định nhưng nam thanh niên không chấp hành.

Sau nhiều lần nhắc nhở, anh N.H.T vẫn không chấp hành, cán bộ H.T.Tr đã khống chế anh N.H.T để làm rõ nội dung đoạn video trên. Trong quá trình làm việc, hoàn toàn không có hành vi đánh đập đương sự N.H.T như nội dung phản ánh trên mạng xã hội Facebook. Sau đó, anh N.H.T về nhà, đăng tải video lên nhiều trang mạng xã hội./.
Huyền Trang (TTXVN/Vietnam+)
Bình Dương: Công an hành hung người dân ở điểm tiêm chủng
2021-10-01

Hôm 30 tháng 9, người dân ở phường Phú Chánh, thị xã Tân Uyên, Bình Dương đăng tải lên mạng xã hội nhiều đoạn video cho thấy cảnh công an sử dụng bạo lực với người dân ở một điểm tiêm chủng.
Video quay ở hiện trường cho thấy cảnh công an mặc sắc phục quật ngã anh Nguyễn Hữu Tài, và đè lên người anh này, sau đó khống chế và đưa anh Tài đi vào một phòng riêng. Anh trai của anh Tài, là anh Nguyễn Hữu Trí, sau đó lao vào can ngăn nhưng cũng bị hai công an mặc sắc phục khác khống chế và hành hung.
Anh Nguyễn Hữu Trí, một trong hai nạn nhân, cho RFA biết về sự việc:
“Tôi vừa mới đi ra ngoài mép cổng thì quay lại đã thấy công an giật thằng em tôi rồi. Cái anh công an đó chỉ đứng cách thằng em tôi khoảng sáu hay bảy mét thôi, là anh chạy thẳng lại anh giật nó rồi đè đầu nó xuống. Một khi anh đè xuống là công an viên còn lại bay đè vô, trực tiếp hai ba người khống chế nó.
Tôi mới vô tôi kéo ra, tôi vừa kéo ra thì bị hai người khác chụp lôi đi một hướng khác. Thằng em tôi thì bị lôi sang phía bên phải đi vô một cái phòng ở cái quán ăn. Còn tôi thì bị lôi sang phía bên trái. Đi được khoảng 5 mét thì hai người công an đứng quay lưng về phía dân, còn tôi đứng trước mặt hai người công an, rồi hai người đó dùng tay chân đánh đá túi bụi tôi luôn.”
Theo anh Trí thì khi nhìn thấy em trai của anh bị lôi vào một phòng riêng, anh đã la lên rằng “mày vô đó nó đánh mày chết đó”. Viên công an khống chế và đưa anh Nguyễn Hữu Tài vào phòng riêng tên là Huỳnh Thanh Trước, người này sau đó kéo rèm cửa xuống và đánh anh Tài.
Nói về cảm nhận của mình về sự việc trên, anh Trí cho biết:
“Tôi cũng rất là ghi nhận tại vì so với các địa phương khác thì trong thời gian vừa qua địa phương tôi rất tích cực trong việc chống dịch, về việc tiêm vắc-xin thì phường Phú Chánh tiêm cho người dân nhanh hơn các phường khác. Nhưng mà, trong lực lượng công an nhân dân tại sao lại có những thành viên côn đồ như vậy?”
Được biết, hôm 30 tháng 9, chính quyền địa phương tổ chức tiêm chủng vắc-xin COVID-19 cho người dân, địa điểm tiêm chủng là một nhà hàng của người dân được trưng dụng. Chính quyền gửi giấy mời người dân đến tiêm thành hai ca, sáng lúc 8h30 và chiều lúc 13h30.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương thì mặc dù lịch tiêm buổi sáng là 8h30, nhưng phải đến 10 giờ sáng thì cơ quan chức năng mới gọi người dân đến để nhận phiếu tiêm, và dặn quay trở lại lúc 13h30 để được tiêm chủng. Việc này dẫn đến tình trạng ùn ứ và quá tải vì người nhẽ ra được tiêm buổi sáng phải dời xuống buổi chiều.
Người dân địa phương cũng cho biết khi họ đến điểm tiêm chủng lúc 13h30 thì vẫn chưa thấy hoạt động, và phải chờ đến 14h30 thì người của bên y tế và cơ quan chức năng mới có mặt. Lúc này vì người dân tập trung đông ở khu vực tiêm, công an sau đó đã yêu cầu tất cả người dân ra khỏi khu vực này dẫn đến tình trạng lộn xộn.
Trong lúc người dân từ từ rời khỏi khu vực tiêm chủng, anh Nguyễn Hữu Tài đã lấy điện thoại quay lại sự việc, dẫn đến việc công an viên Huỳnh Thanh Trước xông tới hành hung anh Tài.
Sau khi sự việc xảy ra, Nguyễn Tấn Thy – Bí thư Đảng ủy phường Phú Chánh, trả lời báo VOV và cho rằng đích thân ông đã ngăn chặn việc công an hành hung người dân. Nhưng theo anh Trí thì ông Thy mặc dù chứng kiến sự việc từ đầu nhưng đã không làm gì để can ngăn.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng tuyên bố họ đã yêu cầu anh Tài không được quay phim nhiều lần nhưng anh Tài không hợp tác, dẫn đến việc phải khống chế. Nhưng người dân địa phương cho biết không hề có chuyện công an yêu cầu không được quay phim chụp ảnh.
Phía nạn nhân cho RFA biết chính quyền địa phương đã liên hệ và tới nhà làm việc với mong muốn hòa giải. Tuy nhiên, anh Trí cho biết điều kiện phía gia đình đưa ra là bên công an phải công khai xin lỗi về hành vi của mình, và bồi thường thiệt hại.
Anh Trí cho biết anh Tài không bị thương do đánh đập nhưng điện thoại Iphone đã bị hỏng do bị công an đánh.