3356. Những lời nhận tội chết người, sự lạm dụng được che giấu của công an Việt Nam

Các cảnh sát đứng gác khi tù nhân vỗ tay bắt đầu buổi lễ mà nhà chức trách tuyên bố ân xá cho họ, tại một nhà tù, ngoại ô Hà Nội, ngày 31/8. Các nhà hoạt động chính trị đã bị loại khỏi đợt ân xá lớn thứ hai của nước này. Ảnh: AFP

Một tình trạng thiếu sự giám sát cho phép những hành động tra tấn và những cái chết của các nghi phạm bị giam giữ thường xuyên bị đổ lỗi cho hành vi tự sát hoặc đột tử vì bệnh tật

GLOBE by Govi Snell – May 27, 2022

Ba Sàm lược dịch

Tại một ngã tư của TP.HCM, một cảnh sát giao thông quật ngã người đi xe máy, đạp vào ngực anh này. Một đoạn video vào tháng Tư ở Quận 1 đã gây sốt trên mạng xã hội với hàng nghìn cư dân mạng tham gia phân tích, chỉ trích từng chi tiết cảnh bạo lực.

Thế nhưng, đằng sau những cánh cửa đóng kín của các đồn cảnh sát Việt Nam, bạo lực có thể cực đoan hơn. Tra tấn là một tiêu chuẩn để buộc phải thú tội và trong một số trường hợp đã dẫn đến cái chết. Những trường hợp tử vong này thường được dán nhãn là tự tử hoặc đột tử vì bệnh tật, như được nêu chi tiết trong một báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền năm 2014.

Bộ Công an báo cáo có 226 người chết trong trại giam từ tháng 10 năm 2011 đến tháng 9 năm 2014.

Trịnh Hữu Long, đồng sáng lập Tổ chức Sáng kiến ​​Pháp lý cho Việt Nam, một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy dân chủ có trụ sở tại Đài Loan, cho biết rằng sự tàn bạo của công an (gồm an ninh, cảnh sát – ND) đã được nhiều người Việt Nam trực tiếp hoặc gián tiếp trải nghiệm. Dù là một thực trạng tệ hại phổ biến trong xã hội, nhưng lực lượng công an là một hệ thống khép kín, tránh khỏi những soi xét phê phán của công luận.

“Vấn đề không chỉ là hành vi cá nhân của công an,” Long lưu ý. “Thiết kế của hệ thống tư pháp hầu như luôn đảm lãnh cho hành động tàn bạo của công an: không có cơ quan tư pháp độc lập, không có sự giám sát độc lập từ Quốc hội, truyền thông, xã hội dân sự và các trung tâm giam giữ đều chịu sự giám sát của cơ quan nhà nước chuyên điều tra tội phạm: Bộ Công an.

Tra tấn như là một phương pháp thẩm vấn được thúc đẩy bởi cuộc ganh đua đấu đá (rat race) trong nội bộ lực lượng công an Việt Nam, nơi luôn có áp lực phải đóng các vụ án một cách nhanh chóng để được thăng chức, Lê Công Định, luật sư và nhà vận động nhân quyền, người bị bỏ tù và sau đó quản thúc tại gia vì chỉ trích chính phủ độc đảng cầm quyền của Việt Nam. Thay vì điều tra các bằng chứng, công an gây áp lực để coi kẻ tình nghi là tội phạm (*).

(*) ĐB Trương Trọng Nghĩa: Nguyên tắc suy đoán vô tội cần áp dụng nhất quán

“Nếu họ từ chối hợp tác với công an, kết quả sẽ là tra tấn,” Định nói. “Đó là lý do tại sao một số người bị tra tấn đến chết… Công an cố gắng che giấu sự thật của những trường hợp như vậy. Họ cố gắng giải thích theo một cách khác về cái chết do họ gây ra”.

Bộ luật tố tụng hình sự của Việt Nam hầu như không bảo vệ được những người bị giam giữ khi mà quyền của công dân “chỉ là thứ luật nằm trên giấy”, ông Định đánh giá và cho biết thêm rằng gia đình của những người bị giết khi bị giam giữ thường bị đe dọa để giữ phải im lặng và nếu nói ra thì có thể dẫn đến việc họ bị bắt giữ.

Theo một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, thì hiện có 205 nhà hoạt động bị bỏ tù ở Việt Nam, nhiều người trong số họ đã bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước”, theo Điều 88 bộ Luật Hình sự.

Lực lượng cảnh sát là một nhánh của Bộ Công an, nơi có “các quan chức giữ một số chức vụ quyền lực nhất trong Đảng Cộng sản cầm quyền”, Phil Robertson, Phó Giám đốc Bộ phận Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cho biết.

“Không ai nên quên rằng nhiệm vụ đầu tiên của công an là bảo vệ quyền tối cao của Đảng Cộng sản trong mọi vấn đề.” Robertson nói thêm. “Việc đảm bảo công lý trước những hành vi lạm dụng của công an thậm chí còn không có trong danh mục chức năng nhiệm vụ của họ.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã không trả lời email đề nghị bình luận của chúng tôi.

Mặc dù các quan chức chính quyền từ 63 tỉnh thành của Việt Nam đã đưa vấn đề về những cái chết trong khi bị công an giam giữ  vào các cuộc họp của Quốc hội, song những trường hợp tử vong như vậy vẫn bị che đậy.

Bức ảnh này do Thông tấn xã Việt Nam chụp và phát hành vào ngày 15/12/ 2020, nhà văn Trần Đức Thạch bị kết án 12 năm tù về tội âm mưu lật đổ chính quyền. Ảnh / Thông tấn xã Việt Nam / AFP

“Nhiều đại biểu của một số tỉnh thành đã báo cáo rất nhiều với Quốc hội, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn về những trường hợp tử vong trong trại tạm giam của công an,” Định nói. “Nhưng Bộ trưởng vẫn cố gắng che đậy sai trái của họ và đổ lỗi cho các nạn nhân.”

Động cơ che đậy của các quan chức hàng đầu của Bộ là tư lợi và bảo vệ danh tiếng đang sụp đổ của lực lượng công an, theo Định. “Họ hiểu rõ rằng hầu hết mọi người ở Việt Nam không còn ưa các cán bộ công an nữa, đó là lý do tại sao nếu có bất cứ điều gì sai trái thì họ liền cố gắng che giấu thông tin”.

Đối với các quan chức cấp cao của Bộ, việc đảm bảo vị trí của họ là điều tối quan trọng, Định nói và lưu ý rằng các ghế cấp cao của chính phủ “thường phải mua đắt tiền”, nên nó khuyến khích những người được bổ nhiệm phải tránh thừa nhận những hành vi sai trái có thể khiến họ dễ bị tổn thương.

“Họ không muốn kẻ thù tấn công và chiếm lấy chiếc ghế hoặc vị trí của họ”, Định phân tích. “Đó là lý do tại sao luôn luôn có chuyện ai đó dưới trướng của họ cũng đều sẽ cố gắng giúp họ che đậy những sai trái.”

Cùng với tình trạng trấn áp công khai và bỏ tù những người biểu tình, Định lo lắng rằng việc bổ sung mới vào bộ luật tố tụng hình sự của Việt Nam có thể khiến tình trạng bạo lực tại các trụ sở công an trở nên tồi tệ hơn.

Bắt đầu từ năm 2015, những người bị tình nghi phạm tội được phép có mặt luật sư trong các cuộc thẩm vấn, ngay cả đối với những vi phạm nhỏ. Tuy nhiên, luật sư Định lưu ý là điều luật này vẫn chưa cải thiện được tình hình cho các đối tượng bị tình nghi phạm tội.

Các cán bộ công an hiếm khi cho phép cá nhân có mặt luật sư và có thể ngày càng trở nên bạo lực để che chắn kỹ thuật thẩm vấn của họ. Nếu các cá nhân từ chối chấp nhận các phiên bản của công an về vụ việc hoặc tiếp tục yêu cầu luật sư, thì bạo lực có thể được gia tăng. “Do luật đó, số người chết trong trại giam [có thể] còn tăng hơn trước,” Định nói.

Các công tố viên cũng có thể xem xét lại khía cạnh pháp lý của các cuộc điều tra của cảnh sát, nhưng thường thì họ toa rập với bộ công an, ông đánh giá.

“Hầu hết thời gian các nhân viên công tố làm việc với công an là để xác định kết quả điều tra,” Định cho biết. “Không có cơ chế để giám sát công an, vì vậy công an có thể làm bất cứ điều gì họ muốn”.

Robertson của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng đồng ý với ý kiến trên.

“Công an hoàn toàn không có quyền đánh đập và tra tấn các nghi phạm trong khi theo đuổi để có lời nhận tội, bất kể người đó có thực sự làm những gì họ bị buộc tội hay không, và khi công an làm quá và người đó chết vì vết thương của mình, thì hành động đó phải bị trừng phạt,” theo Robertson. “Công an thực sự là một hệ thống khép kín không thể biết được và nó được bảo vệ bởi Bộ Công an.”

Một người đàn ông Việt Nam cho biết cha và ông của anh làm việc trong lực lượng công an, anh đã cung cấp một cái nhìn từ bên trong về văn hóa của nước này. “Họ bảo vệ nhau và có một kiểu hiểu ngầm để tránh xa hành động sai trái của nhau,” người đàn ông ngoài 30 tuổi, yêu cầu giấu tên để bảo vệ mình, cho biết.

Anh ta đã thu thập các bài báo từ năm 1993 về những cái chết đáng ngờ trong điều kiện giam giữ của công an. Các trường hợp tử vong được các báo chí trong nước đưa tin bao gồm: “Treo cổ bằng sợi dây áo của chính mình”, “tử vong do treo cổ trong nhà vệ sinh của đồn công an”, cái chết của một người đàn ông mà “công an tuyên bố đã lao đầu vào bàn và bị thương” rồi “chết do đâm đầu vào tường của đồn công an”, “chết do treo cổ bằng dây điện thoại tại trụ sở công an”, “chết do nhảy xuống từ tầng ba của trụ sở công an” và nhiều hơn nữa.

Anh cho biết rằng một tỷ lệ đáng kể các nghi phạm ở Việt Nam bị tra tấn bởi các sĩ quan, một số ít hơn bị kết án oan và một phần nhỏ các hành động lạm dụng được ghi lại bằng camera và được các nhà báo đưa tin.

“Nếu không thu thập dữ liệu chặt chẽ và công khai và dễ dàng lần vào hồ sơ của công an, chúng tôi có thể không bao giờ biết được con số chính xác, nhưng chúng tôi đều biết cả,” anh nói.

Một phần của văn hóa lâu đời về sự tàn bạo của công an là tình trạng xã hội đã chấp nhận bạo lực như một hình phạt, anh phân tích, khi chỉ ra những trường hợp nổi bật lạm dụng trẻ em. Những hành vi này thể hiện tâm lý coi bạo lực như một phương pháp có thể chấp nhận được để kiểm soát trẻ em và, từ quan điểm của nhà nước, của công dân nói chung.

“Dư luận đối với công lý trừng phạt… là một phần lý do biện minh cho kiểu bạo lực của công an,” anh phân tích. “Điều đó liên quan đến cách chúng ta đối xử với trẻ em.”

Một số người dám chỉ trích công an đã bị trừng phạt nghiêm khắc.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bắt đầu viết blog với bút danh Mẹ Nấm, để viết nhật ký cho cô con gái có nickname là Nấm. Quỳnh bắt đầu nhận thấy sự đối xử tệ bạc đối với những người dân nghèo khi cô đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Các chủ đề trong bài viết của cô chuyển sang tự do ngôn luận, suy thoái môi trường, sự bành trướng của Trung Quốc và bạo lực của công an.

Quỳnh mô tả trường hợp Trịnh Xuân Tùng (**), năm 2011, người bị yêu cầu dừng xe vì không đội mũ bảo hiểm khi đang điều khiển xe máy. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, mặc dù ông giải thích rằng mình chưa đội mũ bảo hiểm lại sau khi trả lời điện thoại, nhưng cảnh sát đã đấm, quật dùi cui và đá Tùng, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Người đàn ông 53 tuổi bị đưa đến đồn cảnh sát và bị xích vào ghế mặc dù ông đã bị nôn mửa. Gia đình của Tùng vội vã đến đồn, nơi cảnh sát từ chối vận chuyển ông đến bệnh viện cho đến khi ông bất tỉnh vài giờ sau đó. Ông được chẩn đoán bị gãy cổ.

(**) Bị đánh gãy cổ vì không đội mũ bảo hiểm?

“Ông ấy không tỉnh lại được”, Quỳnh kể. “Một tuần sau, ông ấy qua đời.”

Quỳnh liên lạc với con gái của Tùng, Trịnh Kim Tiến, mới ngoài 20 tuổi khi cha cô bị giết. Trước sự thúc giục của Quỳnh, Tiến đã có được một luật sư và bắt đầu công khai nói về cái chết của cha cô. Khoảng một năm sau, Nguyễn Văn Ninh, sĩ quan đứng đầu vụ án, bị kết án bốn năm tù về tội “làm chết người trong khi thi hành công vụ”.

Robertson nói rằng mức độ phải chịu trách nhiệm của công an là rất hiếm: “Những trường hợp như vậy chỉ xảy ra khi sự việc trở nên lớn hơn nhiều và các nhà chức trách cấp cao hơn quyết định tìm cách xoa dịu sự tức giận của cộng đồng”.

“Chúng tôi đã có một hành trình dài đối với bản án đó và chúng tôi không hài lòng,” Quỳnh nói, người đã bắt đầu làm việc với Tiến để ghi lại các vụ bạo hành của công an và tổ chức “buổi cà phê nhân quyền” tại quê hương của Quỳnh, ven biển Nha Trang. Cảnh sát địa phương cuối cùng đã cấm các hoạt động này và bắt giữ bốn nhà hoạt động bao gồm cả Quỳnh.

Blogger nổi tiếng Việt Nam Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (giữa) còn được gọi là “Mẹ Nấm”, trong phiên tòa phúc thẩm tại Nha Trang, ngày 30 tháng 11 năm 2017. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam / AFP

Năm 2014, Quỳnh đăng một báo cáo có tiêu đề “Ngăn chặn cảnh sát giết công dân” trên Mạng lưới Blogger Việt Nam, một mạng lưới dành cho người Việt Nam để báo cáo các hành vi vi phạm nhân quyền. Báo cáo tóm tắt thông tin về 31 trường hợp tử vong khi bị công an giam giữ. Định cho biết tài liệu của Quỳnh là “một dấu mốc ở Việt Nam”.

Quỳnh giải thích rằng nỗi sợ hãi và nhiều phương pháp của công an để buộc công dân im lặng là những trở ngại chính cần thay đổi. Bà lưu ý là công an thường nói với các gia đình rằng cái chết của những người thân yêu của họ là sự cố “đáng tiếc”, trong khi đổ lỗi cho nạn nhân là vi phạm pháp luật. Trong các trường hợp khác, bà cho biết họ đã sử dụng cách hối lộ để đảm bảo sự im lặng.

“Gia đình của các nạn nhân không muốn đòi hỏi công lý vì họ không muốn bị theo dõi hoặc không muốn bị công an chú ý đến,” bà nói.

Quỳnh bị kết án 10 năm tù vào năm 2016 vì tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Tài liệu của bà về bạo lực của cảnh sát đã được sử dụng như một phần bằng chứng chống lại bà. Bà đã chịu án hai năm, trước khi bị dẫn độ đến Hoa Kỳ, nơi bà tiếp tục hoạt động của mình bằng phương pháp trực tuyến.

“Tôi vẫn đang suy nghĩ về việc làm thế nào để đồng bào của tôi bớt sợ hãi công an và lên tiếng,” Quỳnh nói.

Mặc dù đã có một số ít trường hợp công an bị khiển trách, đình chỉ công tác hoặc mất việc, nhưng sẽ không có sự thay đổi trên diện rộng. Công an hoàn toàn không bị trừng phạt, công chúng không thể thúc đẩy cải cách và các cơ quan chức năng, chính phủ và đảng cầm quyền không có động cơ để giải quyết vấn đề này, Robertson nói.

“Không có đòi hỏi từ xã hội về sự thay đổi hệ thống này, bởi vì người dân Việt Nam không được trao quyền theo bất kỳ cách nào có ý nghĩa để thách thức hệ thống,” Robertson nói. “Những cái chết khi bị công an giam giữ liên tục xảy ra năm này qua năm khác ở Việt Nam và sự che đậy được đưa ra với những lý do khá yếu ớt là một phần trong số đó.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *