3680. Sự phát triển thầm lặng của chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số ở Việt Nam

Các quyền con người trên không gian kỹ thuật số ở Việt Nam đang giảm dần khi một hệ thống giám sát và kiểm soát mới xuất hiện ở nước này, với sự hỗ trợ của những gã khổng lồ công nghệ phương Tây.

THE DIPLOMAT by Gerard McDermott and Alice Larsson – November 19, 2022

(Gerard McDermott là ứng cử viên tiến sĩ tại Đại học Thành phố Hồng Kông. Anh đã từng viết bài trên Kyoto Review of Southeast Asia, Prachatai, Politico, và Peace Review. Anh đến từ Cộng hòa Ireland. Alice Larsson là một nghiên cứu sinh thạc sĩ ở London. Trước đây làm việc tại Việt Nam, sở thích nghiên cứu của cô là nhân quyền, xung đột giữa các quốc gia và bất ổn dân sự ở Đông Nam Á.)

Ba Sàm lược dịch

Vào ngày 4 tháng 11 năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam tuyên bố rằng các cơ quan chức năng sẽ thực thi các quy định chặt chẽ hơn xung quanh việc xóa nội dung “độc hại” khỏi các nền tảng truyền thông xã hội. Quy định mới này yêu cầu xóa tin tức giả mạo khỏi mạng xã hội trong vòng 24 giờ, thu hẹp so với thời hạn trước đó là 48 giờ. Thông tin được coi là đặc biệt nhạy cảm có thể bị gỡ xuống trong vòng 3 giờ. Phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cảnh báo “tin giả nếu xử lý chậm sẽ lan truyền rất rộng”.

Một báo cáo thường niên của tổ chức Freedom House gần đây đã xếp Việt Nam là quốc gia tồi tệ thứ 5 trên thế giới về tự do internet. Đạt 22/100 điểm, chỉ cao hơn Cuba, Iran, Myanmar và Trung Quốc, vị trí của Việt Nam không thay đổi so với năm trước, khi Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) tiếp tục nỗ lực thống trị lĩnh vực kỹ thuật số của đất nước. Trong thập kỷ qua, ĐCSVN đã dần thắt chặt kiểm soát internet bằng cách tăng cường kiểm duyệt trực tuyến, ban hành các khoản tiền phạt nặng và án tù cho những hành vi được cho là lạm dụng mạng xã hội, thu thập dữ liệu trực tuyến của công dân và buộc các đại gia công nghệ quốc tế phải tuân thủ yêu cầu hoạt động theo khuôn khổ của chính phủ.

ĐCSVN đã cai trị Việt Nam với tư cách là một quốc gia độc đảng từ năm 1976. Từ giữa những năm 1980, đất nước này đã trải qua mức tăng trưởng kinh tế đặc biệt cao và là một trong những quốc gia có mức độ kết nối internet cao nhất ở Châu Á-Thái Bình Dương. Kể từ cuối những năm 2000, nhà nước Việt Nam đã trải qua một quá trình lặng lẽ phát triển khả năng giám sát người dân trực tuyến và kiểm duyệt những nhà bất đồng chính kiến.

Tương tự như những người dùng khác ở các nước Đông Nam Á, cư dân mạng ở Việt Nam đã phải trải qua một tình trạng sút giảm đáng kể về các quyền tự do trên không gian kỹ thuật số trong những năm gần đây. Chính phủ của ĐCSVN đã thông qua những văn bản pháp luật mang tính đàn áp, phát triển các thiết chế nhằm mục đích giám sát và kiểm soát thông tin, phát triển một hệ thống kiểm soát các phương tiện truyền thông xã hội và sử dụng cách điều chỉnh băng thông Internet để bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng. Điều đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là khả năng của chế độ này trong việc kiềm chế các công ty Công nghệ lớn như Meta (công ty mẹ của Facebook) và sử dụng chúng để giúp thực thi hệ thống chuyên chế kỹ thuật số mới nổi lên của mình.

Có ý kiến ​​cho rằng Việt Nam đang đi theo bước chân của Trung Quốc trong việc xây dựng “internet quốc gia” của riêng mình, nhưng điều làm cho thương hiệu chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số của ĐCSVN khác với Trung Quốc, Nga hoặc Iran là thái độ nín chịu của ĐCSVN đối với các nền tảng truyền thông xã hội nước ngoài , đã được tích hợp vào hệ thống giám sát và kiểm soát thông tin của chế độ. Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào Facebook cho các giao dịch kinh doanh của họ. Việc cấm hoàn toàn các nền tảng truyền thông xã hội nước ngoài có nguy cơ làm thay đổi hành vi kinh tế và xã hội ở một quốc gia hiện có tỷ lệ người dùng Facebook trên dân số thuộc loại cao nhất thế giới.

Với tiền đề đưa luật pháp và trật tự vào lĩnh vực kỹ thuật số, Luật An ninh mạng mới nhất của chế độ có hiệu lực vào năm 2019. Luật này khác với luật trước ở chỗ nó khéo léo chuyển gánh nặng trách nhiệm sang các nhà cung cấp dịch vụ như Google và Facebook, yêu cầu họ mở văn phòng tại Việt Nam, lưu trữ dữ liệu người dùng tại địa phương và xóa nội dung theo yêu cầu của cơ quan chính phủ.

Nó giáng thêm một đòn nữa vào một số ít tiếng nói độc lập trong nước, kết tội những lời lẽ chống lại nhà nước, ví như “phủ nhận thành tựu cách mạng”, “gây hoang mang” hay tuyên truyền “chống phá nhà nước”. Các phương tiện truyền thông truyền thống đã nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ (tuy nhiên, điều này không miễn cho họ khỏi bị phạt nặng vì đăng thông tin được cho là sai sự thật.) Việc truy cập vào các trang web quốc tế như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hoặc BBC thường rất khó khăn, và các trang web bị ĐCSVN chỉ trích, chẳng hạn như Người Việt, Luật Khoa, hay Đề án 88, đều không thể truy cập được từ trong nước. (1)

Kiểm soát các nền tảng truyền thông xã hội là một vấn đề đòi hỏi khắt khe nhưng mang tính sống còn về chính trị đối với ĐCSVN. Khi tỷ lệ sử dụng internet của Việt Nam tăng lên hơn 70%, phần lớn là do dân số trẻ ngày càng tăng, việc sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và YouTube cũng đang gia tăng. Cuộc đấu tranh giữa ĐCSVN và Facebook lên đến đỉnh điểm vào năm 2020, khi các máy chủ của Facebook tại Việt Nam bị ngắt kết nối trong vài tuần nhằm buộc tuân thủ luật kiểm duyệt mới của đất nước. Đối mặt với viễn cảnh bị đóng cửa hoàn toàn trong một thị trường được cho là trị giá 1 tỷ đô la doanh thu hàng năm, Facebook cuối cùng đã phải cúi đầu trước áp lực của chính phủ, tạo tiền lệ nguy hiểm cho việc hạn chế nghiêm ngặt biểu đạt trực tuyến. (2)

Sau một quá trình soạn thảo lại kéo dài, Nghị định 53 (quy định chi tiết một số điều) của Luật An ninh mạng nói trên, có hiệu lực vào ngày 1 tháng 10 năm nay, làm rõ các quy tắc bắt buộc tất cả các công ty trong nước và nhiều công ty nước ngoài, bao gồm nền tảng truyền thông xã hội, dịch vụ viễn thông, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán và nền tảng trò chơi, phải lưu trữ trong nước thông tin dữ liệu người dùng và cung cấp cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu. Nhiều blogger, người dùng YouTube và nhà bình luận trực tuyến đã bị trừng phạt nghiêm khắc vì bày tỏ quan điểm và niềm tin của họ trên mạng trực tuyến, và số lượng bản án tù được đưa ra vẫn tiếp tục vượt quá con số của cuộc đàn áp gần đây nhất đối với những bình luận chống chế độ trước cuộc bầu cử bị kiểm soát chặt chẽ năm 2021.

Đài Á châu Tự do do Hoa Kỳ tài trợ, có trang web thường xuyên bị chặn ở Việt Nam, tuyên bố rằng kể từ đầu năm tới nay, hơn 40 nhà hoạt động và người dùng Facebook đã bị bắt hoặc bị kết án, thường bị buộc tội như “tuyên truyền chống nhà nước. ” Vào tháng 10, một người dùng Facebook có hơn 300.000 người theo dõi trực tuyến đã bị kết án hai năm tù vì các bài đăng trực tuyến, trong đó bao gồm việc đưa “thông tin chưa được xác minh” “làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán”.

Tháng 10 năm 2021, 5 nhà báo độc lập của trang Báo Sạch lãnh án tù từ 2 đến 4 năm theo Điều 331 BLHS vì tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, căn cứ trên nội dung trên Facebook và YouTube của họ. Tháng 12 năm sau, nhà hoạt động Trịnh Bá Phương nhận bản án 10 năm tù theo Điều 117 BLHS về tội “tuyên truyền chống nhà nước.” Phiên tòa được tiến hành một phần dựa trên hoạt động trên Facebook của Phương, bao gồm các bài đăng và phát trực tiếp.

Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Quốc phòng nằm trong số những cơ quan được giao nhiệm vụ đảm bảo rằng nội dung độc hại hoặc “xúc phạm” sẽ bị xóa khỏi các nền tảng trực tuyến. Bộ Công an cũng có thẩm quyền thu hồi tên miền và đình chỉ hoạt động của các hệ thống thông tin vì mục đích an ninh quốc gia.

Sau khi Việt Nam ban hành các văn bản pháp luật mới về mạng, các đại gia công nghệ quốc tế đã tỏ ra đồng lõa trong việc kiểm duyệt nội dung trực tuyến. Năm 2021, Bộ TT&TT báo cáo rằng Facebook đã chặn hoặc xóa 3.377 bài đăng, 13.141 video bị xóa khỏi YouTube và 1.180 video bị xóa khỏi TikTok. (Twitter không được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam.) Lực lượng 47, đội quân mạng do Bộ Công an giám sát, cũng rất tích cực trên Facebook. Dưới chiêu bài bảo vệ công chúng trước mối đe dọa của “tin giả”, “đội quân” 10.000 người ​​báo cáo các tài khoản và nội dung chống chính phủ, đồng thời nỗ lực truyền bá các thông điệp ủng hộ chính phủ trên mạng.

Valentin Weber đã lập luận rằng Việt Nam đang cố gắng bắt chước hệ thống giám sát và kiểm soát thông tin của Trung Quốc. Trung Quốc đã đào tạo các nhà ngoại giao Việt Nam về các phương pháp theo dõi, tại học viện quản lý cán bộ Bách Sắc ở Quảng Tây (3). Công ty an ninh mạng nổi tiếng của Trung Quốc Melya Pico đã cung cấp đào tạo cho nhân viên của nhà nước tại Việt Nam. Một cuộc gặp gần đây giữa hai nguyên thủ quốc gia đã dẫn đến việc ký kết một số thỏa thuận cho thấy hợp tác Trung-Việt sẽ tăng cường mạnh mẽ trong những năm tới. Ngoài Trung Quốc, Nga cũng đã xuất khẩu công nghệ quốc phòng sang Việt Nam trong nhiều thập kỷ và hai chế độ độc tài được cho là đang hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tuy nhiên, các công cụ và kỹ thuật để tăng cường khả năng kiểm soát độc đoán trên không gian kỹ thuật số của chế độ hầu hết đều được sản xuất trong nước, hoặc đến từ một số công ty giám sát tư nhân khét tiếng, được biết là đã hoạt động tại Việt Nam trong những năm gần đây. Công ty Cellebrite của Israel đã được chính phủ Việt Nam thuê (4). Phần mềm gián điệp Cytrox (5) đã được sử dụng trong nước và công ty gián điệp mạng Circles gần đây cũng đã được chính phủ Việt Nam thuê. Nhìn chung, Việt Nam đã nhận được một lượng đáng kể công nghệ giám sát từ các công ty Israel. Việc Hà Nội sử dụng các công ty giám sát tư nhân không phải là chuyện gần đây mới có. Công ty phần mềm gián điệp khét tiếng và hiện đã bị cấm FinFisher (6) đã hỗ trợ chế độ theo dõi những người bất đồng chính kiến ​​từ năm 2013.

Việt Nam cũng đã thể hiện mình có năng lực cao về các khả năng chiến tranh mạng. Năm 2020, chính phủ Việt Nam bị cáo buộc tài trợ cho một cuộc tấn công mạng chống lại Trung Quốc với mục đích lấy thông tin về sự bùng phát của COVID-19. Một nhóm tin tặc cao cấp được gọi là “Ocean Lotus” hoặc “APT32” (7) đã trở nên nổi tiếng trong những năm gần đây vì đã thực hiện các cuộc tấn công mạng ở nước ngoài, theo dõi những người bất đồng chính kiến ​​​​trong nước và tham gia vào các chiến dịch thông tin sai lệch. Những kẻ tấn công do nhà nước bảo trợ cũng đã thực hiện các cuộc tấn công kỹ thuật nhằm vào các trang web do cộng đồng người Việt hải ngoại điều hành vốn vẫn chỉ trích chế độ.

Đáng chú ý, trước đây Việt Nam đã phối hợp với các nước láng giềng Đông Nam Á tại các cuộc diễn tập an ninh mạng trong khu vực. Nước này cũng duy trì mối quan hệ bền chặt với Singapore, ký một thỏa thuận liên quan đến an ninh mạng với nước cộng hòa này vào tháng trước. Các tiêu chuẩn riêng của Singapore về nhân quyền trên phương tiện kỹ thuật số và quyền tự do ngôn luận trực tuyến cũng đã giảm trong những năm qua.

Mới đây, COVID-19 đã tạo cơ hội cho nước này thu thập dữ liệu một cách quy mô. Việt Nam đã giới thiệu việc truy vết qua tiếp xúc trong đại dịch SARS năm 2002-2004. Trong đại dịch COVID-19, chính phủ đã giới thiệu Bluezone, một ứng dụng theo dõi đã thu thập một lượng lớn dữ liệu từ người dùng. Sau đó, có thông tin cho rằng loại và lượng dữ liệu mà ứng dụng này thu thập nhiều hơn đáng kể so với những gì chính phủ đã tuyên bố công khai. Các quy định xử lý dữ liệu này chưa được công bố và không rõ liệu dữ liệu có bị xóa hoặc ẩn đi sau đại dịch hay không.

Sự phát triển của chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số của Việt Nam đã từng bước, thận trọng và được định hình bởi sự phụ thuộc của đất nước này vào đầu tư nước ngoài. Xem xét các diễn biến nêu trên, có vẻ như ĐCSVN đang đi theo cùng hướng với các quốc gia khác trong khu vực, chẳng hạn như Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Singapore. Điều đặc biệt trong trường hợp của Việt Nam là việc chế độ quản lý và sử dụng Big Tech một cách hiệu quả trong việc đàn áp những người bất đồng chính kiến ​​trong biên giới nước mình. Xem xét đến “cuộc suy thoái kỹ thuật” mới bắt đầu gần đây, rõ ràng là vai trò hợp tác của các công ty này sẽ được tiếp tục trong tương lai gần.

Ghi chú của Ba Sàm:

(1) Đúng ra các trang web này đều có thể vào được qua công cụ vượt tưởng lửa, như Tor, Hotspot Shield, … hay chính trong gói phần mềm chống virus Kaspersky, đa dụng, rất phổ biến ở VN (mua qua mạng hoặc đĩa CD tại các cửa hàng máy tính).

(2) Thực ra Facebook thừa hiểu chính quyền VN không thể cấm hoàn toàn họ như ở Trung Quốc; nguyên nhân chính do VN không thể có được một, hai mạng xã hội nội địa mạnh như TQ để thay thế Facebook. Có giai đoạn khi Facebook mới vào VN, chính quyền đã thử chặn nó bằng tường lửa, nhưng có lẽ nhận ra là hại nhiều hơn lợi nên thôi. Vì lợi nhuận, tránh bị tố cáo là đi đêm với chế độ độc tài, Facebook tìm cách “dung hòa” lợi ích ba bên – người dùng, công ty, chính quyền.

(3) Trường bồi dưỡng cán bộ ASEAN của Trung Quốc

(4) Bị đại dịch nhưng vẫn mua nhu liệu kiểm soát dân chúng. “Các nhà hoạt động nhân quyền Israel vừa lên tiếng tố cáo một công ty của nước này đã bán cho Bộ Công an cộng sản Việt Nam nhu liệu được sử dụng để đột nhập điện thoại di động, theo dõi và đàn áp các ký giả và các nhà hoạt động nhân quyền.”

(5) Phần mềm gián điệp Predator của Cytrox đã nhắm mục tiêu vào người dùng Android với các hoạt động khai thác Zero-Day.

(6) ‘Bản nâng cấp’ FinFisher giám sát các cuộc gọi và vị trí của người dùng iOS và Android.

(7) TÌNH HÌNH TẤN CÔNG CỦA NHÓM OCEANLOTUS ĐỊNH DANH XUẤT PHÁT TỪ VIỆT NAM TẠI TRUNG QUỐC

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *