
NEWSWEEK by Josh Hammer -2/25/22
(Josh Hammer là biên tập viên cho chuyên mục quan điểm của tạp chí Newsweek, người dẫn chương trình “The Josh Hammer Show”, thành viên nghiên cứu của Quỹ Edmund Burke)
Ba Sàm lược dịch
Vào tháng 2 năm 2014, Vladimir Putin xâm lược và sau đó sáp nhập Bán đảo Crimea, vốn thuộc quyền tài phán của Ukraine.
Thời điểm đó không phải là ngẫu nhiên, bởi nó xảy ra chỉ vài tháng sau khi Tổng thống khi đó là Barack Obama từ bỏ “ranh giới đỏ” vũ khí hóa học của riêng mình đối với nhà độc tài Syria, Bashar al-Assad, trao việc giải quyết cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học mới xảy ra vào tay Putin một cách hiệu quả. Putin, giống như một con cá mập ngửi thấy mùi máu, cảm nhận được điểm yếu và hành động liền theo đó. Cho đến ngày nay, Crimea trên thực tế vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Động cơ thúc đẩy hành động của Putin trên bàn cờ địa chính trị không hẳn là một điều gì bí ẩn. Ông ta là một cựu đặc nhiệm KGB, người đã công khai coi việc Liên Xô tan rã như một trong những bi kịch lớn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Nếu Putin có những cơ hội để lựa chọn cho riêng mình, “Nước mẹ Nga” một lần nữa sẽ trở thành “Nước Nga vĩ đại hơn” – có khả năng bao gồm tất cả các bộ phận dân tộc Slav ở Trung và Đông Âu. Và như thế giới đã thấy ở Crimea, Putin sẽ hành động với những cơ hội để lựa chọn đó, một khi ông ta được khuyến khích bởi tình trạng có vẻ như thiếu sự răn đe. Con cá mập này ngửi thấy mùi máu – rất nhiều.
Do đó, không ngạc nhiên một khi ông ta đã làm những gì trong thời kỳ trị vì của vị tổng thống cực kỳ yếu ớt của đảng Dân chủ (Mỹ), Putin đã một lần nữa quyết định xem xét các phần của Ukraine và vẽ lại các bản đồ thời hậu Chiến tranh Lạnh, để phản ánh rõ hơn quan niệm của ông ta về Nước Nga vĩ đại.
Trước việc xe tăng Nga tiến vào Donbas (theo bài viết này, thì hiện đang hướng về thủ đô Kyiv), đáng kể là có rất ít tiếng nói muốn có hành động răn đe mạnh mẽ từ Mỹ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác trong NATO. Tổng thống Joe Biden hứa sẽ có các biện pháp trừng phạt — một công cụ duy nhất được cho là hiệu quả, tốt nhất, mà phần lớn chỉ có tác dụng cho thấy kiểu tự làm hài lòng mình, để những kẻ xu nịnh của Bộ Ngoại giao (Mỹ) và nhân viên tổ chức phi chính phủ có thể ngủ ngon hơn vào ban đêm. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson, đang không được lòng dân chính ở quê nhà, đã viết một bài đăng trên tờ Wall Street Journal lên án (hành động của Nga). Buồn ngủ quá!
Thật khó, mà có lẽ là không thể, để phóng đại bản chất hoàn toàn thảm hại của nhiệm kỳ tổng thống Biden cho đến nay. Chỉ gọi ông ta là kẻ yếu đuối hoặc kém cỏi sẽ là không đủ.
Nhiệm kỳ tổng thống của ông ta là một cuộc hành nghề đáng hổ thẹn về cách làm cho mọi việc đều sai: lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ, chi tiêu mất kiểm soát, khủng hoảng chuỗi cung ứng và thiếu hụt sản phẩm hàng loạt, sự rút lui nhục nhã và thất bại ở Afghanistan và chế độ khủng bố Iran chạy đua hướng tới vũ khí hạt nhân. Biden là nhiệm kỳ tổng thống của “định luật Murphy” — bất cứ việc làm gì có thể là sai lầm thì nó đã thực sự sai rồi.
Người ta có thể dễ dàng hình dung ra Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thích nhìn ra eo biển Đài Loan, rỏ dãi về triển vọng thống nhất Trung Hoa Dân Quốc với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ai sẽ ngăn cản ông ta? Chắc chắn đó không phải là nhà lãnh đạo đang mắc chứng lão suy, của một đảng chính trị (đảng Dân chủ) coi ưu tiên chính trị dường như cao nhất của mình là việc thúc đẩy quyền của người chuyển giới và gieo rắc hành động đốt phá nền văn minh là lý thuyết chủng tộc phê phán (*).
(*) 3102. Tại sao người Mỹ gốc Á đang rời bỏ đảng Dân chủ. “… các đảng viên đảng Dân chủ đã chọn theo thuyết chủng tộc phê phán (CRT), một hệ tư tưởng tân Marxist. Những người ủng hộ CRT cho rằng họ phải phá bỏ hệ thống giáo dục lâu nay dựa trên chế độ trọng dụng nhân tài mang tính “phân biệt chủng tộc”, để đạt được sự công bằng trong kết quả giáo dục.”
Vào mùa hè năm ngoái, Biden cũng đã hợp tác với cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel để mang lại cho Putin một chiến thắng lớn trong đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 mà Nga vẫn thèm muốn, kéo dài 764 dặm qua Biển Baltic. Thỏa ước đầu hàng của Biden về Nord Stream 2, đã tiếp tay cho khao khát khôn nguôi của Đức hòng có được nhiều hơn khí đốt tự nhiên của Nga – với cái giá phải trả của các đồng minh đang gặp khó khăn như Ba Lan, là thứ tiên báo cho thời điểm diễn ra vụ bùng phát cuộc chiến tranh chớp nhoáng ở Ukraine gần đây nhất của Putin.
Việc Biden ban tặng một sự phê chuẩn của Mỹ cho Nord Stream 2 là một sự kiện hợp pháp hóa đối với cả Putin và đối với Nga, nó tạo cho Nga ưu thế gần giống như vùng dầu mỏ ở Vịnh Ba Tư thời Chiến tranh Lạnh.
Cách để xác định và chống lại quyền bá chủ của Nga là thông qua các phương tiện của chính sách năng lượng và ngoại giao năng lượng. Thật không may, năm ngoái, Biden đã ngăn chặn đường ống dẫn dầu Keystone XL ở Hoa Kỳ. Sự kết hợp của việc một Keystone XL bị biến thành vô giá trị, trong khi đó lại phê duyệt chính thức cho Nord Stream 2 đã và vẫn là những hành động hiện không thể nào bào chữa được (**).
(**) 3139. Khủng hoảng Nga-Ukraine: Thất bại kép của Biden về năng lượng và chính sách đối ngoại đã cho Putin công cụ để xâm lược. “Một mặt, Biden đã chặn Đường ống dẫn dầu Keystone XL quan trọng, báo hiệu với thế giới rằng độc lập năng lượng của Mỹ không còn là ưu tiên nữa. Mặt khác, ông đã bật đèn xanh cho đường ống Nord Stream 2, tăng cường khả năng nắm giữ năng lượng của Nga đối với châu Âu. Và trong quá trình này, ông ta đã tạo cho Nga đòn bẩy để gây nên cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang chứng kiến ở Ukraine. Hãy để tôi bắt đầu với đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 và sự thất bại trong chính sách của Biden với thực tế đó.”
Các đồng minh Trung Âu và Châu Âu của chúng ta thực sự muốn Ukraine và Belarus (một quốc gia bù nhìn của Nga, hiện đang bị Nga quản lý) được giữ nguyên làm vùng đệm. Nhưng Ukraine – giống như Nga, một xã hội tham nhũng sâu sắc và do chế độ đầu sỏ (quyền lực tập trung) điều hành – không phải là thành viên NATO.
Thế mà thật lạ là ngay cả các đồng minh Tây Âu hàng đầu của chúng ta cũng có vẻ như những gã tài xế đang ngủ quên trên tay lái. Chính xác thì người Anh và người Pháp đang ở đâu?
Tập đoàn đầu sỏ nắm giữ dầu khí của Nga không phải là Trung Quốc, chế độ vốn gây ra mối đe dọa địa chính trị lớn nhất đối với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, việc gấu Nga đang được thả rông ở châu Âu là điều đáng tiếc.
Xin cầu nguyện cho hòa bình — và cho một sự đổi thay khẩn cấp vai trò lãnh đạo của tổng thống Hoa Kỳ.