Đăng ngày: 17/07/2022

Thứ Bảy 16/07/2022, tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc chuyến công du Trung Đông sau khi dự thượng đỉnh tại Jeddah, miền tây Ả Rập Xê Út, với 6 thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh : Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Qatar, Oman, Koweit và Bahrein. Cú “chạm tay” của ông Biden với hoàng thái tử Mohammed ben Salman đã làm dấy lên nhiều bất bình trong công luận Mỹ, theo đó tổng thống Biden đã làm xấu đi hình ảnh nhà lãnh đạo của một chế độ dân chủ.
AFP cho biết, hôm qua 16/07, tổng thống Mỹ đã có bài bát biểu trình bày tầm nhìn mới cho Trung Đông, dựa trên đối thoại và hợp tác về kinh tế – quân sự. Ông Biden cũng đã mời nguyên thủ Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Mohammed ben Zayed, đến thăm Mỹ. Muốn tái khẳng định ảnh hưởng của Wahsington, tổng thống Biden hứa với các nhà lãnh đạo trong vùng là Mỹ sẽ không chuyển hướng khỏi Trung Đông và không để Trung Quốc, Nga hay Iran lấp chỗ trống tại khu vực này.
Tuy nhiên, chặng dừng chân tại Ả Rập Xê Út đặc biệt gây nhiều tranh cãi, vì Ả Rập Xê Út bị chỉ trích mạnh mẽ về nhân quyền và nhất là hoàng thái tử Ả Rập Xê Út bị xem là chủ mưu vụ sát hại nhà báo Mỹ Kamal Khashoggi cách nay vài năm. Hình ảnh về cú “chạm tay” của ông Biden với hoàng thái tử Mohammed ben Salman được báo chí Ả Rập Xê Út công bố hôm qua đã làm dấy lên nhiều bất bình trong báo giới.
- 2412. ‘Cú vấp’ của ông Biden. “Tại cuộc tranh luận nội bộ của đảng Dân chủ tháng 11/2019, ông Biden cam kết sẽ mạnh tay trừng phạt Saudi Arabia, sau khi Riyadh bị cáo buộc liên quan tới vụ sát hại nhà báo người Mỹ Jamal Khashoggi … Sau khi nắm quyền, Tổng thống Biden … thay vì trực tiếp trừng phạt vị thái tử Saudi, … chỉ nhắm tới các quan chức cấp thấp hơn”.
Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki cho biết cụ thể :
« Hình ảnh về cú chạm tay của Joe Biden với hoàng thái tử Ả Rập Xê Út được phát đi phát lại nhiều lần. Đối với chủ báo Washington Post, đơn giản đó là một điều đáng hổ thẹn. Nhà báo Kamal Khashoggi đã bị sát hại, dường như theo lệnh của Mohammed ben Salman, từng làm việc tại Washington Post.
Nhật báo Mỹ Washington Post nhận định cử chỉ chạm tay của hai nhà lãnh đạo không chỉ ngụ ý về « sự thân thiết và gần gũi giữa hai người, mà trên hết mang lại một tính chính danh cho lãnh đạo Ả Rập Xê Út ».
Về phần mình, báo New York Times cho rằng, trên hết, chuyến công du Ả Rập Xê Út của ông Biden đã chứng minh rằng, đối mặt với tư tưởng hiện thực về chính trị, Joe Biden không thể giữ lời hứa quay trở lại đường lối ngoại giao dựa trên các giá trị dân chủ. Theo New York Times, « chính sách đối ngoại của Joe Biden không có học thuyết rõ ràng và phạm vi hành động của ông chỉ hạn chế ở Trung Đông. »
Đối với các phương tiện truyền thông Mỹ, tổng thống Biden từ trước đã ý thức được rằng chuyến đi của ông sẽ không được tất cả ủng hộ, nhưng ông hy vọng rằng các kết quả của chuyến đi, đặc biệt là việc giảm giá dầu lửa, sẽ đủ để biện minh cho bất kỳ thỏa hiệp nào và khôi phục, dù chỉ một chút, hình ảnh của ông trong mắt dân chúng. Tuy nhiên, ông Biden vẫn chưa đạt được điều đó. Cuộc thăm dò ý kiến gần đây nhất cho thấy 2/3 cử tri đảng Dân Chủ không muốn ông Biden tái tranh cử tổng thống ».
Trong khi đó, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Iran tố cáo điều mà Teheran xem là « những cáo buộc dối trá », « vô căn cứ » của tổng thống Mỹ Biden nhắm vào chương trình hạt nhân của Iran. Teheran chỉ trích Washington về « chính sách đầy tham vọng » và « mong muốn gây căng thẳng trong vùng ». Trước đó, cả khi đến Israel cũng như Ả Rập Xê Út, ông Biden đều tuyên bố Mỹ sẽ không để Iran phát triển vũ khí nguyên tử.
Ông Biden nổi giận khi bị vặn hỏi về vụ ‘cụng tay’ với thái tử Saudi Arabia
17/07/2022
TTO – Tổng thống Joe Biden kể ông đã thể hiện thái độ không hài lòng và nhắc lại vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi khi gặp thái tử Saudi Arabia tại Riyadh. Tuy nhiên những gì ông nhận lại từ báo chí nước nhà là sự ngờ vực.

Tổng thống Mỹ vừa trở về Nhà Trắng ngày 17-7 sau 4 ngày công du Trung Đông, nhưng đón chào ông ở nhà là những câu hỏi mang tính chất vấn.
“Tại sao không hỏi gì đó quan trọng hơn? Tôi sẵn lòng trả lời những câu hỏi quan trọng”, Tổng thống Biden tỏ ra bực dọc (mô tả của báo New York Times) khi được hỏi về cái cụng tay giữa ông với Thái tử Mohammed bin Salman (MbS) của Saudi Arabia.
Không chỉ cái cụng tay đó, mà nội dung cuộc nói chuyện giữa ông Biden với ông MbS cũng bị đặt dấu chấm hỏi. Tờ New York Times, một trong những tờ có quan điểm mềm mỏng với Đảng Dân chủ, cũng nhập hội ngờ vực về những gì nhà lãnh đạo Mỹ đã thông tin trước truyền thông.
“Biden kể ông ấy đã đối đầu với thái tử Saudi Arabia vì vụ sát hại ông Khashoggi. Sự thật là như thế nào đây?”, tờ báo của Mỹ đặt câu hỏi ngay trong tựa bài.
Tổng thống Biden và Thái tử MbS – người nắm quyền trên thực tế tại Saudi Arabia – gặp nhau ngày 16-7 và bàn về nhiều chủ đề.
Tuy nhiên cái chết đầy uẩn khúc của nhà báo Khashoggi ưa chỉ trích hoàng gia cùng Thái tử MbS đã chiếm sóng truyền thông. Tình báo Mỹ kết luận thái tử Saudi Arabia đứng sau vụ sát hại và phân xác ông Khashoggi tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2018. Đây là cáo buộc mà chính quyền Riyadh luôn phủ nhận.
“Ông ta nói rằng mình không chịu trách nhiệm cá nhân về việc đó – ông Biden kể lại với các phóng viên cuộc gặp với Thái tử MbS tại Jeddah – Nhưng tôi đã nói rõ rằng tôi nghĩ ông ta là người phải chịu trách nhiệm”.
Nhà Trắng và các quan chức trong chính quyền ông Biden khẳng định tổng thống đã thẳng thắn và trực diện nêu vấn đề với nhà lãnh đạo trên thực tế của Saudi Arabia.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir đã thổi bùng sự nghi ngờ có sẵn khi nói rằng ông chưa nghe thấy ông Biden chỉ trích thái tử nước ông trong cuộc gặp hôm 16-7.
“Tổng thống đã nêu vấn đề và thái tử trả lời rằng đây là một giai đoạn đau đớn đối với Saudi Arabia. Đó là một sai lầm khủng khiếp”, ông al-Jubeir thuật lại.
Cũng theo vị này, Thái tử MbS thậm chí còn nói rằng nước Mỹ cũng đã phạm những sai lầm và không nên cố gắng áp đặt giá trị của nước mình lên nước khác.

Tại Nhà Trắng ngày 17-7, khi được hỏi những gì ngoại trưởng Saudi Arabia nói có phải là sự thật, Tổng thống Biden trả lời cộc lốc “Không” trong tâm trạng bực dọc, theo mô tả của New York Times.
Nhà lãnh đạo Mỹ dường như đang cảm thấy khó chịu khi không ai tin chuyện ông kể, tờ báo của Mỹ giải thích thêm.
Phần lớn báo chí Mỹ đều cho rằng tổng thống của họ đã thất bại trong chuyến công du Trung Đông lần này. Ông đã không nhận được cam kết nào từ Riyadh hay các nước vùng Vịnh trong vấn đề tăng sản lượng dầu thô.
Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ, Công chúa Reema bint Bandar al-Saud, đã cố gắng giảm nhẹ sự nghi ngờ của báo chí Mỹ và nói đỡ cho ông Biden để tránh tạo thêm căng thẳng giữa hai nước.
Bà kể khi Thái tử MbS và Tổng thống Biden nhắc đến vụ Khashoggi, không khí trò chuyện đã chuyển sang trạng thái “thẳng thắn”.
“Nhưng câu hỏi là sự thẳng thắn ấy trông như thế nào?”, tờ New York Times kết bài bằng một câu hỏi khác như để thể hiện họ không bị thuyết phục bởi những gì ông Biden kể.
Duy Linh