
+ Cựu ngoại trưởng nói: Bằng cách liên tục ‘chọc tức con gấu trúc‘ về vấn đề Đài Loan, Mỹ sẽ gây ra một cuộc xung đột ‘sẽ bùng nổ trước mặt chúng ta‘
+ Nhưng trong khi mối quan hệ Mỹ-Trung xấu đi đang khiến Singapore ‘trở đi mắc núi, trở lại mắc sông’, Yeo nói rằng đây không phải là nơi để quốc gia của ông giúp chống lại Bắc Kinh
South China Morning Post by Maria Siow – 27 Aug, 2022
Ba Sàm lược dịch
Trong khi một cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về Đài Loan dường như không thể tránh khỏi, cả hai được cho là đang sắp xếp một cuộc gặp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11, theo cựu ngoại trưởng Singapore George Yeo.
Mô tả tình hình Đài Loan là “nguy hiểm” và “đáng lo ngại”, Yeo cho biết Washington đang “chọc tức con gấu trúc” về một vấn đề “quá nhạy cảm, nó sẽ rối loạn thần kinh”.
Sự khiêu khích liên tục của Hoa Kỳ sẽ đưa đến “một quả bom sẽ nổ trước mặt chúng ta”, theo Yeo, hiện ông là học giả thỉnh giảng tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, thuộc Đại học Quốc gia Singapore.
Căng thẳng Mỹ-Trung đã gia tăng đáng kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thăm Đài Loan vào đầu tháng này, khiến quân đội Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận lớn nhất gần hòn đảo. Tình hình trở nên nóng lên khi một phái đoàn khác của Quốc hội Mỹ tới Đài Bắc chưa đầy hai tuần sau đó, trong khi một nghị sĩ Mỹ thuộc ủy ban Thương mại và Dịch vụ Vũ trang của Thượng viện đến Đài Loan hôm thứ Năm vừa qua, bất chấp áp lực từ Bắc Kinh, họ vẫn không tạm dừng các chuyến đi.
Để tránh mối quan hệ xấu đi hơn nữa, Nhà Trắng đã nhấn mạnh rằng Quốc hội Hoa Kỳ là một nhánh độc lập của chính quyền và không có sự thay đổi nào đối với chính sách một Trung Quốc của Washington.
Yeo cho rằng, cuộc gặp Mỹ-Trung tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia sẽ buộc Washington phải điều phối các quan điểm chính sách của các cơ quan khác nhau trong chính quyền. Nhưng ông lưu ý: “Trung Quốc muốn hạ nhiệt độ xuống, trong khi mối quan tâm chính của Mỹ lại là các cuộc bầu cử giữa kỳ”.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn được phát rộng rãi, trước khi ra mắt cuốn đầu tiên trong bộ sách ba tập của mình, có tựa đề Musings, dựa trên các cuộc phỏng vấn với nhà truyền thông kỳ cựu Woon Tai Ho, ông nói thêm rằng quá trình ra quyết định của Hoa Kỳ có vẻ bị đứt gãy bởi nhiệm kỳ tổng thống “yếu kém” của Biden.
“Nếu có một tổng thống Mỹ mạnh mẽ, tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ gặp nguy hiểm, nhưng vì ông ấy yếu kém và nhiều bên đang can dự vào những tình huống mới, mà chúng ta thực sự không biết.
“Có những người ở Mỹ sẽ không chống lại việc dụ Trung Quốc thực hiện một hành động sai lầm, và sau đó (Washington) sẽ đánh trả và khiến Trung Quốc bị ăn đòn đau, hoặc nghĩ rằng họ có thể làm được,” Yeo nói. “Mọi người sẽ tin rằng chiến tranh với Trung Quốc là không thể tránh khỏi và nếu điều đó là không thể tránh khỏi, thì anh càng đụng độ sớm càng tốt, bởi vì qua mỗi năm, Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn.”
Còn khoảng ba tháng nữa trước khi bắt đầu cuộc họp G20, các nhà lãnh đạo thuộc nhóm, bao gồm Tập Cận Bình của Trung Quốc và Vladimir Putin của Nga, đã xác nhận rằng họ sẽ tham dự sự kiện ở Bali, theo Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Nhà Trắng chưa chính thức thông báo về chuyến đi của Biden đến châu Á cho hội nghị thượng đỉnh, nhưng các quan chức nói rằng ông dự kiến sẽ tham dự.
Yeo lưu ý rằng liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc đã thay đổi, kể từ thời của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, người đã đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập lại quan hệ Mỹ-Trung vào đầu những năm 1970. Yeo nói rằng các cuộc đàm phán đã hình thành nền tảng của mối quan hệ, với việc Mỹ quay lại đàm phán hết lần này đến lần khác với các lãnh đạo Trung Quốc khi đó là Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai.
“Họ quay lại nhiều lần nữa, đây là nền tảng cho mối quan hệ,” Yeo nói. “Đây không phải là một quân bài, anh từng có nền tảng này, toàn bộ cấu trúc cho mối quan hệ có thể được xây dựng trên đó. Nhưng khi biến nó thành một quân bài, thì toàn bộ cấu trúc đang gặp nguy hiểm ”.
Đầu tháng này, quyền Thủ tướng Lawrence Wong của Singapore đã cảnh báo rằng Mỹ và Trung Quốc có thể “mộng du lao vào xung đột” nếu họ không cam kết với nhau và làm giảm căng thẳng đang gia tăng đối với vấn đề Đài Loan.
Wong cho rằng mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trên một quỹ đạo “rất đáng lo ngại” sau chuyến thăm của Pelosi đến Đài Loan.
Singapore là một trong những quốc gia cao giọng nhất trong việc kêu gọi Mỹ và Trung Quốc tránh một cuộc đụng độ vốn có thể nhanh chóng leo thang và ảnh hưởng đến các nước nhỏ hơn trong khu vực.
Chính quyền nước này coi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu, nhưng cũng ủng hộ sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ ở châu Á, bằng cách cho phép quân đội Mỹ tiếp cận các cơ sở quân sự của mình.
Trong bối cảnh có các báo cáo về tin nhắn ủng hộ Trung Quốc được phổ biến thông qua các kênh truyền thông xã hội như WeChat, Singapore đã lưu ý công dân của mình đề phòng các nỗ lực gây ảnh hưởng từ nước ngoài.
Mặc dù không nêu tên quốc gia nào, nhưng Thủ tướng Lý Hiển Long đã đưa ra lời một cảnh báo trong phần tiếng Quan Thoại trong bài phát biểu năm của mình về chính sách hàng năm, trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine mà Singapore đã lên án hồi tháng Hai.
Khi được hỏi về những bình luận của Lý, Yeo nói rằng Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền vào các phương tiện truyền thông của họ và rằng Singapore đang bị “tác động từ các bên, tả, hữu và trung tâm”.
Theo Yeo, trước khi Trung Quốc bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ, Singapore đã “gắn chặt” với Mỹ và tiếp tục duy trì quan hệ chặt chẽ với Washington ngay cả khi họ sau đó bắt đầu có những cam kết với Bắc Kinh.
“Mỹ hiện đang gây căng thẳng với Trung Quốc, vì vậy chúng ta ngày càng thấy mình bị mắc kẹt, trở đi mắc núi, trở lại mắc sông,” Yeo đánh giá và nói thêm rằng về việc giữ cho các tuyến đường biển thông thoáng, thì sự hiện diện của Mỹ ở châu Á là cần thiết.
Theo ông, Singapore không phải là nơi để giúp chống lại Trung Quốc. “Đó không phải là cuộc chơi của chúng tôi. Đó là cuộc chơi của Hoa Kỳ; đó là cuộc chơi của Nhật Bản, nhưng chúng tôi không tham gia vào cuộc chơi này.“