- James Clayton
- Phóng viên Công nghệ, Bắc Mỹ
28 tháng 10 2020, 10:31 +07Cập nhật 45 phút trước

Thứ Tư hứa hẹn sẽ là một ngày căng thẳng nữa đối với Facebook, Google và Twitter.
Giám đốc điều hành của các công ty này sẽ bị các thượng nghị sĩ tra hỏi về việc truyền thông xã hội có lạm dụng quyền lực của họ hay không.
Đối với đảng viên Cộng hòa, đây là cơ hội mà họ đã chờ đợi.
Hai tuần trước, Twitter đã ngăn mọi người đăng liên kết đến một cuộc điều tra quan trọng của New York Post về Joe Biden.
Sau đó, Twitter xin lỗi vì đã không giải thích lý do trước khi hủy bỏ một quy tắc mà nó đã sử dụng để biện minh cho hành động.
Đối với nhiều đảng viên Đảng Cộng hòa, đây là giọt nước tràn ly – bằng chứng không thể chối cãi cho thấy mạng xã hội này có thành kiến với người bảo thủ.
Họ cáo buộc rằng thung lũng Silicon căn bản là có khuynh hướng cấp tiến tự do và là một trọng tài tồi về những gì có thể chấp nhận được trên các nền tảng của nó.
Trong trường hợp này, các đảng viên Cộng hòa như Thượng nghị sĩ Ted Cruz tin rằng Twitter sẽ hành động khác nếu câu chuyện là về Tổng thống Donald Trump.
Lời cáo buộc
Khi những người bảo thủ nói đến thành kiến, họ thường đề cập đến điều mà họ coi là sự điều tiết không công bằng.
Họ có ý tưởng rằng các bài đăng của họ bị kiểm duyệt quá mức và / hoặc bị không cho đăng.
Nhưng rất khó để chứng minh một cách dứt khoát mạng xã hội là thiên vị.
Thứ nhất, những công ty như Facebook và Twitter khá bí mật – họ không chia sẻ tất cả dữ liệu của mình hoặc tiết lộ chính xác cách thức hoạt động của thuật toán.

Kết quả là, khi những người Cộng hòa kêu ca, nó thường là “buộc tội bằng giai thoại”. Dùng một ví dụ duy nhất chứng minh một xu hướng lớn hơn.
Ví dụ, họ lưu ý rằng Twitter đã “giấu” một dòng tweet của Tổng thống Trump, nói rằng “khi vụ cướp bóc bắt đầu, vụ nổ súng bắt đầu” trong các cuộc biểu tình ở Minneapolis. Nhưng nó không che giấu một tweet từ các ayatollah Iran kêu gọi vũ trang kháng chiến ở Israel.
Điều này – theo nhiều người cánh hữu – chứng tỏ tiêu chuẩn kép của Twitter.
Những ví dụ như vậy đã nhiều lần được đưa ra trong phiên điều trần quốc hội vào tháng 7, nơi các ông sếp của Google, Facebook, Apple và Amazon đã được kiểm tra chéo.
“Tôi sẽ nói thẳng thừng”, nghị sĩ đảng Cộng hòa Jim Jordan nói. “Các công ty Công nghệ lớn muốn làm bất lợi cho những người bảo thủ.”
Đây là điều mà Tổng giám đốc của các công ty đã phủ nhận.
Nhưng điều chắc chắn đúng là một số công ty gần đây đã điều tiết nội dung nhiều hơn.
Khi làm như vậy, họ đang vật lộn với những vấn đề mà các biên tập viên báo chí phải đối mặt hàng ngày: những gì nên và không nên đăng tải?
Quần chúng Mỹ nghĩ gì?
Một cuộc khảo sát từ Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện trong tháng 8 chỉ ra rằng 90% đảng viên Cộng hòa tin rằng các trang mạng xã hội kiểm duyệt các quan điểm chính trị. Khoảng 59% đảng viên Dân chủ có cùng quan điểm.
Vậy họ có lý không?
Một trong những chỉ trích của Đảng Cộng hòa với mạng xã hội là các thuật toán của nó đẩy nội dung bảo thủ xuống. Nhưng điều đó không được chứng minh bằng dữ liệu của Facebook.
Dữ liệu từ CrowdTangle, một công cụ thông tin công cộng do Facebook sở hữu, tổng hợp các bài đăng phổ biến nhất mỗi ngày trên Facebook. Vào bất kỳ ngày nào, dữ liệu cho thấy, 10 bài đăng chính trị phổ biến nhất được thống trị bởi các nhà bình luận thiên tả như Dan Bongino và Ben Shapiro, cùng với các bài đăng của Fox News và Tổng thống Trump.
Trang Facebook của ông Trump có 32 triệu người theo dõi, gấp gần 10 lần so với đối thủ đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử vào tháng tới, Joe Biden.
Nếu cáo buộc là Facebook đàn áp nội dung cánh hữu, thì dường như Facebook đang không làm điều này tốt lắm.
Vậy, thì có phải nội dung cánh hữu trên thực tế đang được ưa chuộng hơn nội dung của cánh tả?
Sự việc không đơn giản như vậy.
“Tôi nghĩ rằng thật sai lầm khi nhìn nhận việc này như một khuynh hướng cánh hữu so với cánh tả.” Siva Vaidhyanathan, giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học University of Virginia, nói.
“Xu hướng là các nền tảng có thành kiến với nội dung tạo ra cảm xúc mạnh mẽ.”
Ông nói rằng trong khi “một số bài đăng khá cực đoan của cánh hữu” đã được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội ở Mỹ, sự phổ biến của chúng không phải là bằng chứng về việc các nền tảng đang bị sự thiên vị cấu trúc.
“Ở Mexico, bạn có thể thấy một sự sắp xếp hoàn toàn khác về những gì được quảng bá,” ông nói thêm.
Tuy nhiên, nếu bạn nhìn vào những tin gì bị kìm hãm, bạn có thể thấy tại sao nhiều người từ cánh phải có thể có những bài đăng bị điều tiết nhiều hơn những người bên cánh trái.
Chẳng hạn, hầu như không có đảng viên Dân chủ nào tuyên bố những phiếu qua đường bưu điện bị gian lận.
Nhưng Tổng thống Trump và nhiều thành viên Đảng Cộng hòa nói vậy.
Facebook có chính sách dán nhãn các tuyên bố về gian lận cử tri. Công ty này lập luận rằng họ đang cố gắng giải quyết những thông tin sai lệch có thể làm xói mòn niềm tin vào hệ thống bầu cử của Hoa Kỳ.
Mặc dù vậy, đảng Cộng hòa bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Hãy xét một vấn đề khác – Black Lives Matter.
Giám đốc Facebook Mark Zuckerberg công khai tuyên bố ông ủng hộ phong trào này. Trang Facebook Black Lives Matter chỉ có hơn 740.000 người theo dõi.
Tuy nhiên, một trang Facebook khác có tên Blue Lives Matter có gần 2,3 triệu người theo dõi. Nó nhằm mục đích hỗ trợ cảnh sát và đẩy lùi câu chuyện “chống cảnh sát”.
Nhóm này đã bị chỉ trích vì chiếm đoạt tên BLM – và bị buộc tội phân biệt chủng tộc, điều mà người sáng lập nhóm Christopher Berg phủ nhận.
Ông Berg tin rằng Facebook có thành kiến với những tiếng nói bảo thủ. Điều đó có thể đúng không khi xem xét mức độ phổ biến của trang?
“Tôi sẽ không xem xét số lượng người theo dõi và phạm vi tiếp cận. Tôi sẽ xem xét những thứ đằng sau hậu trường, rằng các cá nhân có thể ảnh hưởng đến … những thứ như hủy quảng cáo của một trang”, ông Berg nói với tôi.
Đây là khi Facebook đánh giá một trang đã vi phạm quy tắc của nó và ngăn nó kiếm tiền từ quảng cáo và đăng ký.
Ông Berg tin rằng đây là một kiểu thiên vị ít cảm nhận được hơn, và một số trang cánh hữu dễ bị ảnh hưởng hơn.
Nhưng nghi ngờ của ông ta thật khó chứng minh. Facebook không công bố danh sách các trang mà họ đã có các biện pháp giới hạn.
Còn Twitter thì sao?
Twitter là một ”con thú” rất khác với Facebook.
Ở nền tảng này chỉ một số ít người dùng thường xuyên đăng nội dung của riêng họ.
Và một nghiên cứu của Pew tuần trước cho thấy 70% số người lớn tuổi đăng tweet ở Hoa Kỳ là đảng viên Dân chủ.
Điều này khiến Twitter trông có vẻ là một nền tảng cấp tiến, nhưng một lần nữa rất khó để chứng minh rằng nó có thành kiến với những người bảo thủ.
Hãy lấy Covid-19 làm ví dụ.
Đúng là Twitter đã hành động trên các tweet của ông Trump nhiều hơn của ông Biden. Ví dụ: nó đã chặn một bài đăng của Trump nói rằng bệnh cúm nguy hiểm hơn Covid.
Đúng là Twitter đã hành động trên các tweet của ông Trump nhiều hơn của ông Biden. Ví dụ: nó đã chặn một bài đăng của Trump cho thấy rằng bệnh cúm nguy hiểm hơn Covid.
Nhưng đồng thời, các nghiên cứu khoa học cho thấy ông Trump có nhiều khả năng lan truyền thông tin sai lệch xung quanh Covid.
Trên thực tế, một nghiên cứu từ Đại học Cornell cho rằng tổng thống là động lực lớn nhất của việc loan tin sai lệch về Covid.
Vì vậy, có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi ông Trump bị những người kiểm duyệt Twitter nhắm vào nhiều hơn.
Thế kẹt của mạng xã hội
Đây chính là lý do tại sao các công ty truyền thông xã hội không muốn phải kiểm duyệt nội dung trên nền tảng của họ. Ngay sau khi bạn bắt đầu quyết định những gì có thể và không thể được xuất bản, bạn bắt đầu thực hiện các quyết định dính đến chính trị.
Trên thực tế, một số đảng viên Cộng hòa coi bất kỳ hình thức tiết chế nào là một cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận.

Một lệnh hành pháp được Tổng thống Trump ký hồi tháng 3 viết: “Chúng ta không thể cho phép một số lượng hạn chế các nền tảng trực tuyến chọn bài phát biểu mà người Mỹ có thể truy cập và chuyển tải trên internet.”
Nói cách khác, quyết định điều tiết nội dung có thể được coi là chống phe bảo thủ về mặt triết học.
Ông Trump cũng đã nói rằng ông sẽ loại bỏ Mục 230 của Đạo luật về Khuôn phép trong Giao tiếp.
Điều này ngăn ngừa việc các công ty truyền thông xã hội phải chịu trách nhiệm về những thứ mà mọi người đăng. Nó có thể ảnh hưởng đến ngành truyền thông xã hội.
Và khi các công ty truyền thông xã hội khổng lồ tích cực hơn trong việc điều tiết nội dung – cho dù đó là chống lại QAnon, ngôn từ kích động thù địch hay bất kỳ hoạt động bị cấm nào khác – thì các cáo buộc thiên vị sẽ theo sau.
Và cũng vì những tuyên bố về sự thiên vị đó rất khó chứng minh, chúng cũng rất khó bị bác bỏ.
Đây là nơi hoàn cảnh của các công ty truyền thông xã hội hiện giờ.
Tất nhiên họ phủ nhận mọi hành động thiên vị.
Và đa số dân Mỹ không tin họ.
Liên quan: