1916. Nước Mỹ: nội chiến hay tan rã? (1)

Nghị sĩ Texas muốn trưng cầu tách bang khỏi Mỹ

VNExpress/ FOX NEWS

Hạ nghị sĩ Kyle Biedermann đề xuất tách Texas khỏi Mỹ vì chính quyền liên bang không còn đại diện cho các giá trị của người dân bang này.

“Chính quyền liên bang bị mất kiểm soát và không còn đại diện cho những giá trị của người dân Texas. Đó là lý do tôi dự định đệ trình lên cơ quan lập pháp bang một văn bản pháp lý cho phép tiến hành trưng cầu ý dân để bang Texas trở thành quốc gia độc lập”, Biedermann chia sẻ trên Twitter ngày 8/12.

Hạ nghị sĩ Kyle Biedermann (giữa) trong một sự kiện tại Fredericksburg, Texas, ngày 15/9/2016. Ảnh:Texas Tribune.
Hạ nghị sĩ Kyle Biedermann (giữa) trong một sự kiện tại Fredericksburg, Texas, ngày 15/9/2016. Ảnh:Texas Tribune.

Cơ quan lập pháp bang Texas sẽ chỉ nhóm họp trở lại vào tháng 1 tới. Tuy nhiên, Biedermann nói ông sẽ viện dẫn Điều 1, khoản 2, Hiến pháp Texas để đệ trình văn bản pháp lý của mình. Điều 1, khoản 2, Hiến pháp Texas nêu rõ người dân có quyền thay đổi, cải tổ hoặc xóa bỏ chính quyền theo cách mà họ cho là thiết thực.

Nhiều nhóm như Phong trào Dân tộc Texas từ lâu ủng hộ việc tách khỏi Mỹ. Cơ quan lập pháp Texas đã nhận được hàng trăm kiến nghị tương tự trước đó.

Texas từng một lần tách khỏi liên bang. Sau khi trở thành một bang vào năm 1845, Texas tách khỏi Mỹ và tham gia vào Liên minh miền Nam năm 1861. Sau cuộc Nội chiến và Tái thiết, Texas lại quay trở lại liên bang vào năm 1870.

Texas cũng là bang mới đây đệ đơn kiện 4 bang chiến trường Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin nhằm ngăn cử tri đoàn xác nhận chiến thắng của Biden. Texas lập luận đại cử tri ở các bang không nên được phép bỏ phiếu vì những bang này đã thay đổi thủ tục bỏ phiếu một cách vi hiến trong đại dịch, cho phép tăng số phiếu bầu qua thư.

Khánh An (Theo Fox News)


106 nghị sĩ Đảng Cộng hòa ký văn bản đề nghị Tòa án tối cao thụ lý vụ kiện của Texas

Tuổi trẻ

11/12/2020 10:03 GMT+7

TTO – Các hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa gửi lên tòa bản đóng góp ý kiến nhằm ‘xác nhận với Tòa án tối cao Mỹ những quan ngại nghiêm trọng của chúng tôi về tính toàn vẹn của hệ thống bầu cử’.
106 nghị sĩ Đảng Cộng hòa ký văn bản đề nghị Tòa án tối cao thụ lý vụ kiện của Texas - Ảnh 1.
Các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ xuất hiện bên ngoài tòa Quốc hội Mỹ ngày 10-12 – Ảnh: Getty Images

Ngày 10-12, có 106 thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã ký bản đóng góp ý kiến (amicus brief) bày tỏ ủng hộ vụ kiện của bang Texas lên Tòa án tối cao Mỹ đòi hủy bỏ kết quả bầu cử tại 4 bang chiến trường Pennsylvania, Michigan, Wisconsin và Georgia.

“Bản đóng góp ý kiến này trình bày quan ngại của chúng tôi – với tư cách thành viên Quốc hội Mỹ – rằng những điểm bất thường trái hiến pháp liên quan cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 gây nghi ngờ về kết quả bầu cử và tính toàn vẹn của hệ thống bầu cử Mỹ” – bản đóng góp ý kiến được ký bởi các hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa nêu.

Hạ nghị sĩ Mike Johnson – chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Đảng Cộng hòa và là một trong những đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Donald Trump tại Hạ viện Mỹ – đã dẫn đầu nỗ lực tập hợp sự ủng hộ từ các cộng sự Đảng Cộng hòa cho bản đóng góp ý kiến này.

Với động thái trên, các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đang kêu gọi Tòa án tối cao thụ lý vụ kiện, dù tất cả 50 bang và thủ đô Washington của Mỹ đã xác nhận kết quả bầu cử.

Trước đó, 17 bang dưới sự dẫn đầu của ông Eric Schmitt – tổng chưởng lý bang Missouri – đã thúc giục Tòa án tối cao thụ lý vụ kiện của bang Texas. Hôm 9-12, họ cũng ký và nộp lên tòa một bản đóng góp ý kiến dài 30 trang.

Bang Arizona cũng gửi một bản đóng góp ý kiến riêng “tôn trọng” đơn kiện của Texas. Như vậy, đã có 19 bang, tức hơn 1/3 trong tổng số 50 bang của Mỹ, tham gia cuộc chiến pháp lý chống lại 4 bang chiến trường trên.

Ngày 10-12, tổng chưởng lý của 6 trong số 17 bang trên là Missouri, Arkansas, Louisiana, Mississippi, South Carolina và Utah đã nộp kiến nghị tham gia (intervene) vụ kiện Texas tại Tòa án tối cao chứ không đơn thuần chỉ là ủng hộ hay đóng góp ý kiến.

6 bang kiện với tư cách “bên có liên quan”

Tổng chưởng lý bang Missouri Eric Schmitt, cùng các bang khác là Arkansas, Utah, Louisiana, Mississippi và South Carolina, ngày 10-12 nộp đơn yêu cầu Tòa án tối cao cho phép họ trở thành bên có quyền lợi liên quan, tức sẽ có tiếng nói nặng ký hơn so với những bang chỉ lên tiếng ủng hộ, theo Đài Fox News.

“Các bang có quyền lợi liên quan không nghi ngờ nguyên đơn bang Texas sẽ kiện tụng hiệu quả và thắng lợi trong vụ kiện này, tuy nhiên tổng chưởng lý của mỗi bang là đại diện tốt nhất cho lợi ích của bang và người dân của mình” – 6 bang viết trong đơn yêu cầu gửi lên Tòa án tối cao ngày 10-12.

Dù nhận được sự ủng hộ của tổng chưởng lý của nhiều bang nhưng hầu hết các chuyên gia pháp lý đều cho rằng đơn kiện của bang Texas có nhiều lỗ hổng và gần như chắc chắn sẽ thất bại. “Không ai trong số các tổng chưởng lý này tin rằng họ có thể chiến thắng. Với tư cách luật sư thì họ sẽ không tham gia vào một hành động như vậy.

Tuy nhiên họ đang hành động như các chính trị gia chứ không phải luật sư” – chuyên gia Lawrence Lessig của công ty luật Harvard Law nhận định. “Với những gì tôi biết cho đến nay, loạt các vụ kiện này đã vấp phải sự phản đối từ mọi thẩm phán liên bang đã từng thụ lý chúng.

Tòa án tối cao cũng sẽ bác đơn kiện lần này, và chỉ có một câu hỏi duy nhất là tòa án sẽ từ chối thụ lý vụ án (điều tôi dự đoán) hay sẽ nhận vụ này và bác bỏ sau đó” – ông Walter Olson, quan chức cấp cao tại viện nghiên cứu chính sách Cato, nói rằng câu hỏi duy nhất là Tòa án tối cao sẽ dùng cách thức như thế nào để xử Texas thua trong vụ kiện.

Ông Ilya Shapiro, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hiến pháp Robert A. Levy tại Viện Cato, chỉ ra rằng luật sư trưởng bang Texas, ông Kyle Hawkins đã không tham gia vào vụ kiện. Tuy nhiên, ông Shapiro tin rằng điều tích cực ở đây là nếu Tòa án tối cao thụ lý vụ kiện Texas có thể giúp dập tắt những nghi ngờ về cuộc bầu cử này.

“Có vẻ sẽ tốt cho đất nước này nếu Tòa án tối cao nhận vụ kiện này và nhất trí đưa ra phán quyết bác bỏ đơn kiện vì điều đó có thể khiến một số người ủng hộ ông Trump yên ắng” – ông Shapiro nhận định.

“Amicus curiae” và “Intervenor” trong vụ kiện Texas

Trong vụ kiện Texas, những bên nộp bản đóng góp ý kiến như trên được xem như bên thứ ba “Amicus curiae” (bạn của tòa), là bên gửi đến tòa án ý kiến của mình về một vụ việc nào đó nhằm giúp tòa đưa ra quyết định.

“Mục đích đơn giản của bản đóng góp ý kiến của chúng tôi là xác nhận với tòa những quan ngại nghiêm trọng của chúng tôi về tính toàn vẹn của hệ thống bầu cử” – ông Mike Johnson, hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa đến từ bang Louisiana, cho biết.

Theo tạp chí Forbes, bên “Amicus curiae” chỉ cố gắng gây ảnh hưởng mà không thật sự tham gia vào vụ kiện, trong khi việc 6 bang trên chọn hình thức “Intervenor” có nghĩa là ban đầu họ không phải là một bên trong đơn kiện nhưng giờ họ muốn trở thành bên tham gia đơn kiện để kiện 4 bang chiến trường.

Ông Trump cũng đã nộp kiến nghị tham gia vào vụ kiện. Nói cách khác, “Intervenor” nặng ký hơn “Amicus curiae”.

BÌNH AN – ANH THƯ


Phúc đáp đơn, 4 bang không thể hạ nhiệt tinh thần Trump

Đất Việt

(Tin tức 24h) – Tổng thống Trump tuyên bố chiến thắng khi 19 bang ủng hộ vụ kiện 4 bang gian lận bầu cử.

Các quan chức 4 bang chiến địa Pennsylvania, Georgia, Michigan và Wisconsin hướng sự giận dữ vào Tổng chưởng lý bang Texas, chỉ trích nỗ lực của tiểu bang và Tổng thống Donald Trump.

“Tòa án không nên tiếp tay cho việc lạm dụng quy trình tư pháp theo cách dấy loạn này và nên gửi một tín hiệu rõ ràng và không thể nhầm lẫn rằng sự lạm dụng đó không bao giờ được tái diễn” – tờ Politico dẫn lời giới chức Pennsylvania.

Tổng chưởng lý Josh Shapiro của Pennsylvania đã ký vào bản tóm tắt phúc đáp lại đơn kiện của bang Texas.

“Texas chỉ đưa ra Tòa án những cáo buộc mất uy tín và thuyết âm mưu không có cơ sở trên thực tế. Việc chấp nhận quan điểm của Texas sẽ gây bạo lực đối với Hiến pháp và tầm nhìn của những nhà kiến tạo Hiến pháp Mỹ” – các luật sư cho hay.

Bộ trưởng Tư pháp bang Michigan, Dana Nessel, một đảng viên đảng Dân chủ thì phản bác sự can thiệp của Tổng Chưởng lý bang Texas vào bang này.

“Ý tôi là, tôi không thể tưởng tượng bằng cách nào mà ông ấy có đủ tư cách để làm điều đó. Không ai ở Michigan muốn ông Paxton can thiệp vào các hệ thống hoặc quy trình bầu cử của chúng tôi ở đây. Và nó thực sự khiến tôi hoang mang và mệt mỏi” – Bộ trưởng Tư pháp Michigan nói.

Hồ sơ của Michigan lưu ý rằng một số tòa án, cả tiểu bang và liên bang, đã bác bỏ những tuyên bố tương tự như những gì mà đại diện công lý của bang Texas nêu ra.

“Tòa án Tối cao Michigan đã bác bỏ nỗ lực cuối cùng để yêu cầu thanh tra việc Michigan đã vi phạm luật bầu cử của chính mình” – hồ sơ phúc đáp của Michigan nêu rõ.

Georgia, một trong bốn bang bị nhắm mục tiêu cũng từ chối đơn kiện từ bang Texas.

“Những cáo buộc kỳ lạ của Texas và những biện pháp xử lý không thể tưởng tượng được mà bang này tìm kiếm, không dựa trên các nguyên tắc pháp lý. Tòa án này chưa bao giờ cho phép một bang đồng chọn cơ quan lập pháp của bang khác” – hồ sơ của Georgia viết.

Cho đến nay, đơn kiện của Tổng Chưởng lý bang Texas vẫn nhận thêm sự ủng hộ. Một nhóm 106 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện ủng hộ vụ kiện của Texas, lập luận rằng các tiểu bang bị đơn đã hành động bất hợp pháp và các cử tri của họ nên bị ngăn cản bỏ phiếu.

Tính đến ngày 10/12 có 6 bang (Missouri, Arkansas, Louisiana, Mississippi, Nam Carolina và Utah) chính thức cùng với Tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton kiện lên Tòa án Tối cao Mỹ, đề nghị hủy kết quả bầu cử tổng thống ở 4 bang chiến chiến địa vốn bất lợi cho Tổng thống Donald Trump.

Theo thông cáo đăng trên website của ông Paxton, hành động này là “để khôi phục lòng tin đối với tính chính trực của quá trình bầu cử Mỹ”.

“Chúng ta phải không ngừng bảo vệ an ninh bầu cử và buộc những ai từ bỏ Hiến pháp của chúng ta vì tư lợi phải chịu trách nhiệm. Texas tự hào khi có những bang này ủng hộ trong việc chiếu sáng công lý”, ông Paxton nhấn mạnh trong thông cáo.

Hôm 9/12, các luật sư của 6 bang nói trên cùng 11 bang khác do Tổng chưởng lý bang Missouri Eric Schmitt dẫn đầu, đã ra thông cáo đề nghị các thẩm phán Tòa án Tối cao thụ lý đơn kiện của Texas, theo Reuters. Trên Twitter hôm nay, Tổng thống Donald Trump viết: “19 bang đang chiến đấu vì chúng ta”.

Sau đó, Tổng thống Trump viết tiếp trên Twitter: “Tại sao những hãng truyền thông đưa tin giả, FBI và DOJ (Bộ Tư pháp Mỹ) không đề cập vấn đề của (cựu Phó tổng thống) Biden trước cuộc bầu cử. Được thôi, dù sao chúng tôi đã chiến thắng cuộc bầu cử này, với 75.000.000 phiếu”.

Ông Trump nhấn mạnh: “Sự ủng hộ to lớn từ khắp đất nước. Những gì chúng tôi yêu cầu là sự khích lệ và sự sáng suốt từ những người sắp phải đưa ra một trong những quyết định quan trọng nhất trong lịch sử của đất nước chúng ta”.

Hải Lâm


Liên quan:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *