1944. Thế giới ” định kiến” với Việt Nam đấy!

Đôi lời: như bình luận ở bài “1940. Việt Nam và Thụy Sĩ bị Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ liệt vào danh sách các nước thao túng tiền tệ“, các chuyên gia kinh tế, người am hiểu cần phân tích sâu vấn đề này dưới góc độ kinh tế để người đọc được thấu đáo.

Còn với vấn đề trừng phạt liên quan Iran, là chính sách đối ngoại của Mỹ dùng vũ khí kinh tế để giải quyết chuyện khủng bố, bành trướng thế lực, phát triển hạt nhân của một quốc gia độc tài.

Hết sức tránh bị thiên kiến chính trị ám ảnh, đặc biệt trong lúc tâm lý gọi là “cuồng Trump”/”cuồng chống Trump” đang thịnh hành làm cho không ít người đã trở nên mụ mị, để rồi vô tình trở thành người cố công … “ngu dân hóa”, “cầm đèn chạy trước”/cãi cố hộ … Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN.

Có thể xem thêm một nhận định trên RFI hôm qua: “… theo tờ New York Times, các thành phần cấp tiến trong đảng Dân Chủ, cũng như các công đoàn ở Mỹ, vẫn chủ trương là phải có biện pháp thương mại cứng rắn đối với những nước bị xem cố tình hạ giá đồng tiền của họ, khiến cho hàng xuất khẩu của Mỹ có giá đắt hơn.”

Dưới đây là những cái nhìn tỉnh táo.

Ba Sàm

Việt Nam thời báo

 18.12.2020 12:02

Diễm Thi

(VNTB) – Việt Nam hiếm khi thừa nhận các cáo buộc của thế giới về các vấn đề liên quan đến nhân quyền và nền kinh tế thị trường vì cho rằng đó là các đánh giá dựa trên định kiến. 

Việt Nam luôn ủng hộ và đảm bảo thực thi quyền tự do báo chí

Chiều 17.12.2020, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thu Hằng tuyên bố Việt Nam luôn ủng hộ và đảm bảo thực thi quyền tự do báo chí khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Tổ chức quốc tế Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cho rằng Việt Nam quá khắt khe với tự do báo chí.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, không khách quan, với định kiến xấu mà Tổ chức Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đưa ra về tình hình Việt Nam”.

Tổ Chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF) cũng đã phát hành báo cáo năm 2020 chỉ ra rằng Việt Nam đứng hạng thứ 5 toàn thế giới trong việc bắt giam các nhà báo. RSF cho biết Việt Nam hiện đang giam giữ 7 nhà báo chuyên nghiệp và 21 bloggers.

Theo người phát ngôn bộ ngoại giao tính đến hết năm 2019, Việt Nam có 868 cơ quan báo chí, 125 kênh truyền hình; mạng di động phủ sóng 99,7% dân số, trong đó mạng 3G và 4G phục vụ 98% dân số; hơn 64 triệu người dân Việt Nam đang sử dụng Internet và hơn 62 triệu người dân sử dụng mạng xã hội.

Do đó việc  bắt bớ và giam giữ các nhà báo hay bloggers là do có những  “hành vi vi phạm pháp luật” nên  “đều phải bị xét xử theo đúng trình tự tố tụng đã được quy định trong pháp luật hiện hành”.

Những điều khoản được áp dụng để xử tội các nhà báo, bloggers là điều 117, 331 với những tội danh mơ hồ như “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”hay  “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” thường được đưa ra sử dụng để truy tố và kết án các nhà báo và bloggers.

Cũng trong cùng ngày 17/12/2020 Công an TP Cần Thơ đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với ông  Trương Châu Hữu Danh để điều tra về tội, quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đây là minh chứng cho sự tôn trọng tự do ngôn luận, tự do báo chí của Việt Nam?!

Việt Nam khẳng định làm ăn minh bạch với Iran

Ngoại Trưởng Mỹ Pompoe cho biết hôm 16/12 trên Twitter rằng Hoa Kỳ đã tiến hành trừng phạt 5 thực thể vì cáo buộc tham gia vận chuyển dầu mỏ và các sản phẩm hoá  dầu của Iran và rằng Hoa kỳ sẽ không ngừng truy đuổi những kẻ cố trốn tranh các lệnh trừng phạt.

Cùng ngày, Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ cũng đã ra thông báo chính thức về việc trừng phạt Công ty cổ phần Vận tải khí và hóa chất Việt Nam (PCT) cùng giám đốc là ông Võ Ngọc Phụng, với cáo buộc PCT đã “cố ý tham gia các giao dịch vận chuyển sản phẩm dầu mỏ từ Iran trong hoặc sau ngày 5-11-2018”. Cá nhân giám đốc điều hành và Công ty PCT bị trừng phạt theo sắc lệnh hành pháp số 13846 ( IRAN-EO13846) được Tổng thống Donald Trump ký ngày 6-8-2018.

Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ cho biết ông Võ Ngọc Phụng sinh ngày 10/12/1981 có quốc tịch Việt Nam bị trừng phạt theo Điều Lệnh 13846 với các khoản 5 (a) (ii),(iii), (iv), và (vi) về ngoại hối, giao dịch ngân hàng, chặn sở hữu và lợi tức tải sản, và các hoạt động nhập khẩu vào Hoa Kỳ.

Công ty PCT có trụ sở tại quận 11 Tp. HCM bị trừng phạt theo các khoản 5 (a) (i) – (a) (vi) về vay từ các tổ chức Tài Chính Hoa Kỳ, ngoại hối, giao dịch ngân hàng, chặn sở hữu và lợi tức tải sản, quyền đầu tư vào vốn có hoặc nợ vủa thực thể bị phạt, các hoạt động nhập khẩu vào Hoa Kỳ,

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng trong ngày 17/12/2020 đã phản đối lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và khẳng định Việt Nam làm ăn minh bạch với Iran.

Bà Hằng tuyên bố: “Là thành viên có trách nhiệm của LHQ và của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết và xử lý nghiêm, một cách thỏa đáng các trường hợp vi phạm. Quan hệ giữa Việt Nam và Iran luôn công khai, minh bạch và hợp pháp.

Giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Iran là hàng hóa dân sinh phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và không trái với các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ”.

Trước đó một công ty Cường Thịnh có trụ sở tại Hải Phòng và tài sản thuộc công ty là tàu chở hàng Star 18 cũng đã bị trừng phạt vì tham gia chuyên chở than đá cho Bắc Triều Tiên đến Việt Nam.

Việt Nam không thao túng tiền tệ 

Ngày 16/12/2020 Việt Nam và Thuỵ Sĩ chính thức bị Hoa Kỳ gắn mác thao túng tiền tệ.   Theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988, Việt Nam (cùng với Thuỵ Sỹ) đáp ứng 3 tiêu chí và bị BTC Mỹ xác định là thao túng tiền tệ trong  Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; và Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam cho biết việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung – nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

Việc NHNN mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Thặng dư thương mại của Việt Nam gia tăng liên tục từ năm 2010 cho đến nay.

Trong nửa đầu năm 2020,  thặng dư tài khoản vãng lai trong 4 quý đến hết tháng 6/2020 tăng lên 4,6% GDP. Trong cùng thời kỳ, hàng hóa của Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ đến 58 tỷ đôla, lớn thứ tư trong số các đối tác thương mại. Kho bạc Nhà nước Việt Nam mua ròng ngoại hối trong bốn quý cho đến tháng 6/2020 đến 16,8 tỷ đôla, tương đương 5,1% GDP.

Phát biểu về vấn đề này bà Lê Thị Thu Hằng cho biết Chính phủ Việt Nam rất coi trọng quan hệ kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ, và “thực hiện nghiêm túc các cam kết cấp cao, thỏa thuận thương mại giữa hai nước, cũng như các cam kết thương mại đa phương“.

Thiết nghĩ việc thừa nhận những thiếu sót, sai phạm không có gì là điều xấu, ngược lại đó là động lực để có thể khắc phục nhược điệrm để phát triển, hội nhập vào thế giới. Nhưng cứ chối cãi, bao biện cho hành động của mình thì sẽ đến lúc bị gạt ra khỏi cuộc chơi chung.


Hoa Kỳ: Việt Nam và Thuỵ Sĩ thao túng tiền tệ

Việt Nam thời báo

 17.12.2020 8:08

An Viên

(VNTB) – Chính quyền Trump hôm thứ Tư đã quy Việt Nam và Thụy Sĩ là những quốc gia thao túng tiền tệ với cáo buộc can thiệp không đúng vào thị trường ngoại hối.

Động thái gán mác thao túng tiền tệ cho một đối tác thương mại của Hoa Kỳ là lần thứ 3 diễn ra trong gần 26 năm nay kể từ khi chính quyền Clinton quy kết Trung Quốc thao túng tiền tệ năm 1994.

Theo tiêu chuẩn của Bộ Tài Chính Hoa Kỳ, cả Việt Nam lẫn Thuỵ Sĩ đều phạm vào cả ba điều luật để gắn mác thao túng tiền tệ. Đó là thặng dư thương mại của một quốc gia với Hoa Kỳ, thặng dư tài khoản vãng lai và hồ sơ theo dõi mua ngoại tệ của quốc gia đó.

Tờ New York Times đưa tin Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tuyên bố “Bộ Tài chính đã thực hiện một bước đi mạnh mẽ ngày hôm nay để bảo vệ tăng trưởng kinh tế và cơ hội cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ. Bộ Tài Chính sẽ theo dõi các phát hiện đối với Việt Nam và Thụy Sĩ để hướng tới việc loại bỏ các hành vi tạo lợi thế không công bằng cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài”.

Vào tháng 10, chính quyền Trump đã mở một cuộc điều tra về các hoạt động thương mại của Việt Nam, cho biết họ sẽ bắt đầu xem xét liệu Việt Nam có định giá thấp đồng tiền đồng khiến các sản phẩm Việt Nam rẻ một cách bất công ở nước ngoài hay không, và việc nhập khẩu và sử dụng gỗ khai thác và buôn bán bất hợp pháp. Hoa Kỳ cũng áp thuế đối với lốp xe Việt Nam, với lý do định giá thấp tiền tệ.

Theo báo cáo, Việt Nam “đã tiến hành can thiệp quy mô lớn và kéo dài, nhiều hơn so với các giai đoạn trước, nhằm ngăn chặn sự tăng giá của tiền đồng” trong bối cảnh thặng dư thương mại song phương ngày càng tăng với Hoa Kỳ.

Tỷ giá ngoại tệ của đồng đô la Mỹ ở Việt Nam trong năm 2010 là 18,613 đồng. Năm 2019, với số thặng dư thương mại gia tăng, tỷ lệ này là 23,050, năm 2020 cũng chỉ tăng thêm chút ít. Trong khi tỷ lệ giảm phát GDP của Việt Nam tăng 65% từ năm 2010 đến năm 2019 so với 17% của Hoa Kỳ.

Chuyên gia  kinh tế cao cấp David Dapice – Đại học Havard  cho rằng “Theo lý thuyết kinh tế sức mua, tỷ giá hối đoái phản ánh chênh lệch lạm phát.” Vì vậy nếu đồng tiền của Việt Nam bị mất giá theo mức lạm phát tăng thêm của Việt Nam, “thì tiền đồng sẽ phải mất giá 38%” và “tiền đồng lẽ ra phải có giá đến hơn 25.000 đồng”.

Về thương mại, từ năm 2009 đến năm 2019, thâm hụt thương mại hàng hóa hàng năm của Mỹ với Việt Nam đã tăng từ 9,2 tỷ đô la lên 55,8 tỷ đô la.

Thâm hụt hàng hóa của Hoa Kỳ năm 2019 với Việt Nam đã tăng đáng kinh ngạc 44% so với năm 2018. Và dự kiến ​​kết thúc năm 2020 đạt ít nhất 65 tỷ USD. Michael Stumo is CEO của CPA cho rằng “Đây là một bước nhảy vọt đáng kinh ngạc đối với một quốc gia từng cung cấp chẳng có gì ngoài các mặt hàng dệt may xuất khẩu lẻ tẻ.”

Việc thặng dư thương mại gia tăng đáng kinh ngạc như vậy có thể nói là do động thái di dời các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc và dịch chuyển các nhà máy sản xuất sang Việt Nam.

Văn phòng USTR ước tính rằng cứ 1 tỷ USD thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ sẽ làm mất đi 6.000 việc làm ở Mỹ. Điều đó có nghĩa là thâm hụt hàng hóa 65 tỷ đô la hàng năm với Việt Nam vào năm 2020 có thể khiến Mỹ mất đi gần 400.000 việc làm.

Reuters nhận định việc gắn nhãn thao túng tiền tệ cho Việt Nam và Thuỵ Sĩ trong tháng cuối cùng của chính quyền Trump ở nhà Trắng là món quà cho chính quyền Biden.

Điểm chung của nhiều người trong lưỡng đảng Hoa Kỳ là không hài lòng với hệ thống thương mại quốc tế . Ngoài ra chính quyền Biden cũng chẳng có hại gì khi cho cử tri Hoa Kỳ thấy rằng họ nghiêm túc trong việc biến thương mại có ảnh hưởng tốt đến mọi người. Vì vậy Biden và Bộ trưởng bộ Tài chính mới có khả năng rất lớn sẽ duy trì việc dán mác này.

Chín quốc gia khác cũng hiện đang cần phải được theo dõi vì phạm vào 2-3 tiêu chí bị gắn mác thao túng tiền tệ là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ.

Bộ Tài Chính Hoa Kỳ năm 2019 cũng đã từng gắn nhãn thao túng tiền tệ cho Trung Quốc vào năm 2019 dù Trung Quốc chỉ vi phạm một tiêu chí, tuy nhiên Bộ Tài Chính Hoa Kỳ đã rút lại cáo buộc vào tháng 1 năm 2020.


Liên quan: 1940. Việt Nam và Thụy Sĩ bị Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ liệt vào danh sách các nước thao túng tiền tệ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *