2120. Ác mộng Trump đeo đẳng Biden

Gần như toàn bộ Thượng nghị sĩ Cộng hòa phản đối luận tội cựu Tổng thống Trump

VOV.VN

Thứ Tư, 06:04, 27/01/2021

Gần như toàn bộ thành viên Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu tán thành ý kiến cho rằng, thủ tục luận tội cựu Tổng thống Donald Trump là vi hiến.

Đây được xem là một đòn giáng vào hy vọng của đảng Dân chủ trong việc thu hút sự ủng hộ đáng kể của đảng Cộng hòa nhằm kết tội ông Donald Trump trong phiên tòa sẽ bắt đầu sau hai tuần nữa.

Cuộc bỏ phiếu mang tính chất thăm dò về thủ tục luận tội đã diễn ra ngày 26/1 với tỉ lệ ủng hộ là 55/45. Có 5 Thượng nghị sĩ Cộng hòa đã rời bỏ “hàng ngũ” và đứng về phía các đồng nghiệp bên đảng Dân chủ, cho rằng phiên tòa sẽ được tiến hành.

Tuy nhiên, 45 thành viên đảng Cộng hòa còn lại, bao gồm Lãnh đạo phe thiểu số Mitch McConnell, đã bỏ phiếu ủng hộ khẳng định của Thượng nghị sĩ Rand Paul rằng, việc xét xử một cựu Tổng thống là vi hiến và nên bị bác bỏ.

Thượng nghị sỹ Rand Paul hồi đầu tuần tuyên bố phiên xét xử luận tội là một trò hề và nên bị bác bỏ trước khi được phép bắt đầu, với lập luận rằng, Thượng viện không có thẩm quyền tổ chức phiên tòa luận tội một cựu Tổng thống.

Để Tổng thống Trump bị kết tội, ít nhất 67 Thượng nghị sỹ phải bỏ phiếu ủng hộ điều khoản luận tội để đạt tỷ lệ đa số 2/3 theo yêu cầu./.

PV/VOV-Washington


Nghị sĩ Mỹ nhập viện sau khi chủ trì quy trình xét xử ông Trump

ZING

Thượng nghị sĩ Patrick Leahy nhập viện vào tối ngày 26/1. Với vai trò chủ tịch Thượng viện tạm quyền, ông Leahy sẽ chủ trì phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Trump trong tháng tới.

“Tối nay, Thượng nghị sĩ Leahy khi đang làm việc tại văn phòng ở Điện Capitol thì cảm thấy không khỏe. Ông đã được bác sĩ tại quốc hội kiểm tra. Để phòng ngừa, bác sĩ khuyên ông Leahy nên vào bệnh viện để được chăm sóc kỹ hơn”, CNN dẫn thông báo từ người phát ngôn của nghị sĩ Leahy.

Ông Leahy là đảng viên Dân chủ kỳ cựu nhất ở Thượng viện. Nghị sĩ 80 tuổi đã nhậm chức tại viện này từ năm 1974. Với tư cách chủ tịch Thượng viện tạm quyền, ông Leahy sẽ chủ trì phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Trump thay cho Chánh án Tòa Tối cao John Roberts.

Ông Roberts là người từng giám sát phiên tòa luận tội đầu tiên của ông Trump hồi năm 2019. Lần này, ông không muốn tiếp tục nhiệm vụ vì cho rằng ông Trump đã rời nhiệm sở, theo CNN.

Trên thực tế, Hiến pháp Mỹ không quy định cụ thể về việc ai là người giám sát quá trình luận tội của cựu tổng thống và các quan chức liên bang khác.

Do vậy, việc ông Roberts từ chối nhiệm vụ lần này được cho là để tránh khiến Tòa án Tối cao vướng vào cuộc chiến chính trị với phe ông Trump.

Vài giờ trước khi nhập viện vào ngày 26/1, ông Leahy chủ trì buổi tuyên thệ cho các thượng nghị sĩ sẽ đảm nhiệm vai trò thành viên bồi thẩm đoàn của phiên tòa xét xử ông Trump, dự kiến diễn ra ngày 8/2.

Quy trình ở Thượng viện được kích hoạt ngay sau khi Hạ viện chuyển nghị quyết luận tội cựu tổng thống sang viện này.

Ngay trong ngày 26/1, 45 thượng nghị sĩ Cộng hòa phản đối tiến hành phiên tòa xét xử ông Trump.

Thượng viện do 50 thành viên Dân chủ cùng 5 đảng viên Cộng hòa đã bác bỏ kiến nghị này.

Tuy nhiên, điều đó cho thấy ông Trump gần như chắc chắn không bị kết tội tại Thượng viện.

Việc kết tội cựu tổng thống cần có sự ủng hộ của ít nhất 17 thượng nghị sĩ Cộng hòa trong thế cục hiện nay.


Vấn đề hóc búa trong phiên tòa luận tội ông Trump

VietnamNet

27/01/2021    06:01 GMT+7

Lần đầu tiên trong lịch sử 232 năm tồn tại, Thượng viện Mỹ đưa một cựu tổng thống ra xét xử luận tội. Không ai biết chắc phiên tòa sẽ diễn ra thế nào. Đảng Dân chủ thậm chí chưa quyết có triệu tập nhân chứng hay không.

Các quan chức phụ trách luận tội của Hạ viện hôm 25/1 đã trình Thượng viện điều khoản luận tội “kích động bạo loạn” đối với cựu Tổng thống Donald Trump sau vụ những người ủng hộ quá khích tấn công trụ sở Quốc hội trên Đồi Capitol ở Washington vào ngày 6/1, thời điểm lưỡng viện nhóm họp chính thức phê duyệt kết quả tổng tuyển cử 2020.

Tuy nhiên, các lãnh đạo Thượng viện đã nhất trí hoãn phiên tòa 2 tuần, tới ngày 8/2 để nhóm pháp lý của cựu tổng thống chuẩn bị chứng lý biện hộ và các thượng nghị sĩ tạo lập các tiêu chuẩn cho phiên tòa.

Tại Thượng viện, lãnh đạo phe đa số Dân chủ Chuck Schumer và lãnh đạo phe thiểu số Cộng hòa Mitch McConnell vẫn đang thương lượng về cách thức tổ chức cơ bản của phiên tòa, kể cả thời lượng tranh luận, các kiến nghị triệu hồi nhân chứng và có thể cả kiến nghị hủy phiên tòa ngay từ đầu. Các thủ tục, vốn được nêu rõ trong một nghị quyết về tổ chức, sẽ báo trước khả năng kết tội ông Trump hay không và điều đó sẽ đòi hỏi sự ủng hộ của ít nhất 17 thượng nghị sĩ Cộng hòa.

“Chúng tôi hy vọng sẽ đàm phán được điều gì đó với ông McConnell về phiên tòa. Chúng tôi sẽ xem những gì sẽ xảy ra. Chúng tôi chưa biết yêu cầu của cả hai bên công tố và biện hộ là gì”, ông Schumer phát biểu trước báo giới.

Bất đồng về việc triệu tập nhân chứng

Theo tạp chí Politico, có lẽ không có thủ tục nào phức tạp hơn câu hỏi về lời khai của nhân chứng. Ngay cả các chính trị gia Dân chủ cũng chia rẽ về việc liệu có cần sự xuất hiện của các nhân chứng để khởi tố vụ án chống lại cựu tổng thống hay không, khi các hành vi bị tố sai phạm của ông Trump phần lớn đều xảy ra trước công chúng. Các thượng nghị sĩ của cả hai đảng cũng muốn phiên tòa diễn ra chóng vánh hơn phiên luận tội ông Trump lần đầu tiên năm 2020, vốn kéo dài tới 3 tuần.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Tim Kaine thừa nhận, đảng của ông vẫn bất đồng về vấn đề trên. Nhiều người trong số họ khẳng định, chính các thượng nghị sĩ là nhân chứng của vụ bạo loạn hôm 6/1. Song, một số khác cho rằng, các thượng nghị sĩ, với tư cách thành viên bồi thẩm đoàn trong phiên tòa không nên tước bỏ của bất kỳ bên nào khả năng sử dụng lời khai nhân chứng.

“Đó là một phiên tòa giả tạo nếu bạn nói trước rằng sẽ không có nhân chứng hoặc các chứng lý. Tôi hiểu rõ nguyên tắc này. Luận tội là một việc rất hệ trọng … Nếu các công tố viên hoặc bên biện hộ muốn đưa ra các nhân chứng và tài liệu, họ nên được trao quyền làm việc đó”, ông Kaine bình luận. Song, nhà lập pháp này lưu ý tất cả phụ thuộc vào các quan chức Hạ viện phụ trách luận tội và nhóm bào chữa cho cựu tổng thống.

Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu thượng sĩ của mỗi đảng sẽ ủng hộ việc triệu tập các nhân chứng. Tại phiên tòa xử luận tội ông Trump lần đầu tiên hồi năm ngoái, các chính khách Dân chủ nhất trí ủng hộ điều này, viện dẫn các nhân chứng là chìa khóa cho một phiên tòa công bằng. Các nghị sĩ Cộng hòa ở Thượng viện, vốn chiếm đa số vào thời điểm đó, đã ngăn chặn nỗ lực này.

Tuy nhiên, trong các cuộc phỏng vấn hôm 25/1, nhiều nghị sĩ Dân chủ, bao gồm cả ông Schumer bày tỏ, lần luận tội này khác vì bản thân các thượng nghị sĩ là các nhân chứng trực tiếp và họ không cần nghe từ những người khác. Theo lời Thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal đến từ bang Connecticut, “bằng chứng mạnh mẽ nhất là các lời nói của chính ông Trump”. Các nhà lập pháp cũng lập luận rằng, Thượng viện không nên sa lầy vào một phiên tòa khi còn có những nhiệm vụ cấp thiết khác cần giải quyết như ứng phó với đại dịch Covid-19.

Các quan chức Hạ viện phụ trách luận tội có thể thúc đẩy việc sử dụng lời khai của nhân chứng nếu họ tin có khả năng thuyết phục đủ số thượng nghị sĩ Cộng hòa để kết tội cựu tổng thống. Nhiều thành viên cùng đảng của ông Trump đã đưa ra các lập luận về thủ tục, tập trung vào quy trình tố tụng đối với cựu tổng thống.

Nhóm quan chức Hạ viện giữ vai trò công tố viên trong phiên tòa luận tội sắp tới hàng ngày vẫn điện đàm trao đổi với nhau về kế hoạch hành động, nhưng được chỉ thị không thảo luận công khai chiến lược của họ. “Thượng viện đặt ra các quy tắc, nên chúng tôi đang chờ xem các quy tắc ấy là gì. Vì vậy, chúng tôi đã sẵn sàng theo cách nào đó”, Hạ nghị sĩ Dân chủ Eric Swalwell, một quan chức phụ trách luận tội nhấn mạnh.

Phiên xử luận tội khác biệt

Các thượng nghị sĩ nhận định, nghị quyết về tổ chức phiên tòa hầu như sẽ tương tự năm ngoái với một vài ngoại lệ đáng chú ý. Theo các nguồn tin trong Thượng viện, một điểm khác biệt then chốt là Thượng nghị sĩ Dân chủ Patrick Leahy, đồng minh của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden dự kiến sẽ chủ trì quá trình tố tụng.

Hiến pháp Mỹ quy định, Chánh án Tòa án Tối cao phải chủ trì một phiên tòa luận tội tổng thống, nhưng ông Trump không còn tại vị, nên Chánh án John Roberts không còn đảm trách vai trò này.

Đảng Cộng hòa có thể vin vào vai trò của ông Leahy để cáo buộc quá trình tố tụng mang tính đảng phái. Các nhà lập pháp Cộng hòa cũng tuyên bố, việc đưa một cựu tổng thống ra xét xử là trái với Hiến pháp.

“Tôi quý Thượng nghị sĩ Leahy, nhưng đây là xung đột lợi ích. Ông ấy là thành viên bồi thẩm đoàn. Ông ấy không nên ngồi ở đó với vai trò quan tòa” Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn nhấn mạnh.

Bản thân Thượng nghị sĩ Leahy đã lên tiếng bảo vệ vai trò của mình, khẳng định sẽ đảm bảo việc tuân thủ các quy tắc.

Theo phe Dân chủ, việc đảng Cộng hòa tập trung vào các lập luận thủ tục nhằm giúp họ tránh phải đưa ra quan điểm về việc liệu các hành vi của ông Trump có đáng bị luận tội hay không. Cho đến nay, chẳng có mấy chính khách Cộng hòa bình luận về giá trị các cáo buộc luận tội của Hạ viện. Điều đó nhiều khả năng sẽ sớm thay đổi khi Thượng viện chuyển sang phần tranh luận.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney giải thích, do phe Dân chủ nắm đa số ghế tại Thượng viện nên các lập luận từ đảng của ông về thủ tục cuối cùng sẽ thất bại. Ông Romney đã công khai chỉ trích ông Trump và ám chỉ sẽ bỏ phiếu đồng ý kết tội cựu lãnh đạo Nhà Trắng. Vị chính khách đến từ bang Utah này cũng là thượng nghị sĩ Cộng hòa duy nhất từng bỏ phiếu nhất trí kết tội ông Trump trong phiên xử luận tội năm ngoái.

Nếu các cuộc đàm phán giữa lãnh đạo phe đa số Schumer và lãnh đạo phe thiểu số McConnell không đạt kết quả, đảng Dân chủ có thể đưa ra một nghị quyết tổ chức được Thượng viện thông qua nhờ phiếu bầu của các thượng nghị sĩ trong đảng và lá phiếu quyết định của Phó Tổng thống Kamala Harris. Khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát hồi năm ngoái, Thượng viện đã bỏ phiếu ủng hộ các tiêu chuẩn do ông McConnell đề xuất.

Thiếu vắng lời khai nhân chứng, các quan chức Hạ viện phụ trách luận tội có thể được trợ giúp nhờ các tiết lộ thông tin nhỏ giọt về những gì xảy ra ngay trước vụ bạo loạn ngày 6/1. Ví dụ, tuần trước, báo New York Times đưa tin, ông Trump đã ngầm chỉ đạo một quan chức hàng đầu của Bộ Tư pháp lật đổ quyền tổng chưởng lý nhằm đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.

Nhóm phụ trách luận tội của Hạ viện chắc chắn sẽ tham khảo những bài báo như trên để củng cố lập luận của họ, cáo buộc ông Trump đặt nền móng cho vụ bạo loạn trên Đồi Capitol và lạm dụng quyền lực nhằm đảo ngược ý nguyện của các cử tri.

Hồi đầu tháng này, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Michael McCaul cho hay, ông sợ bản thân có thể hối tiếc khi bỏ phiếu chống lại việc luận tội ông Trump tại Hạ viện một phần vì các thông tin mới bất lợi cho cựu tổng thống. Đảng Dân chủ dự kiến sẽ cố gắng sử dụng những tuyên bố như vậy để làm lợi cho họ.

Tuấn Anh


Tòa án tối cao Mỹ bãi bỏ hai vụ kiện ông Trump thu lợi bất chính khi đương nhiệm

Tuổi trẻ

26/01/2021 16:08 GMT+7

TTO – Tòa án Tối cao Mỹ ngày 25-1 đã bãi bỏ hai vụ kiện cho rằng các hoạt động kinh doanh của cựu tổng thống Donald Trump khi đương nhiệm vi phạm Hiến pháp Mỹ.
Tòa án tối cao Mỹ bãi bỏ hai vụ kiện ông Trump thu lợi bất chính khi đương nhiệm - Ảnh 1.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump – Ảnh: AFP

Theo NBC News, Hiến pháp Mỹ cấm tổng thống nhận lợi ích về tài chính từ các quan chức tiểu bang hoặc nước ngoài.

Hai vụ kiện nêu trên đặt ra câu hỏi về khả năng tổng thống có thể nhận thu nhập từ những hoạt động kinh doanh được quan chức chính phủ hậu thuẫn.

Sau khi ông Trump mãn nhiệm, cả hai vụ kiện này đều lập tức bị bãi bỏ vì điều khoản này trong Hiến pháp đã không còn áp dụng với ông.

Tuy nhiên, đây là vấn đề đã nổi lên rất sớm sau khi ông Trump nhậm chức năm 2016.

Tổng chưởng lý của bang Maryland và thủ đô Washington đã chất vấn hồ sơ lợi nhuận của khách sạn Trump International. Trong khi đó, tổ chức phi lợi nhuận Citizens for Responsibility and Ethics tại Washington đã đặt nghi vấn tương tự với khách sạn Trump International ở New York.

Phía luật sư của ông Trump đã phản bác dữ dội trong cả hai vụ kiện, nhưng các tòa án ở cấp thấp hơn đã từ chối đề nghị bác bỏ đơn kiện của họ. Vì thế, phía ông Trump đã đệ trình kháng cáo lên Tòa án Tối cao Mỹ.

Maryland và Washington cho rằng ông Trump thường xuyên được lợi một cách bất hợp lý, khi một chính phủ nước ngoài hoặc chính quyền tiểu bang chọn khách sạn của ông trên đại lộ Pennsylvania.

Họ cho rằng để tiếp cận ông Trump, các quan chức đã chọn khách sạn của ông thay vì các địa điểm khác như trung tâm tổ chức sự kiện của Washington và trung tâm National Harbor của Maryland.

Cả hai trung tâm này đều là nguồn thuế cho địa phương và giúp đỡ các doanh nghiệp trong khu vực.

Một tòa phúc thẩm liên bang đã đứng về phía Maryland và Washington khi tuyên bố: “Các cơ sở kinh doanh của tổng thống mang đến cho những người bảo trợ chính phủ một thứ mà nguyên đơn không thể – đó là cơ hội. Bằng cách làm giàu cho tổng thống, họ có được sự thuận lợi khi làm việc cùng tổng thống và cơ quan hành pháp”.

Trong thông báo mới nhất, Tòa án Tối cao Mỹ đã bãi bỏ các vụ án và ra lệnh cho các tòa án cấp thấp hơn bỏ trống các phán quyết của họ, xóa các quyết định trước đó khỏi sổ sách.

NGUYÊN HẠNH


Tòa liên bang tạm ngưng lệnh hoãn trục xuất 100 ngày của Biden

Người Việt

Jan 26, 2021

WASHINGTON, DC (NV) – Một chánh án liên bang ở Texas hôm Thứ Ba, 26 Tháng Giêng, tạm thời chặn quyết định của Tổng Thống Joe Biden muốn hoãn trục xuất di dân bất hợp pháp trong 100 ngày, một kết quả bất lợi cho chính sách của chính quyền mới.

Theo Reuters, Chánh Án Drew Tipton đã đưa ra một lệnh tạm thời, ngăn chặn quyết định của ông Biden trong 14 ngày, sau khi Texas nộp đơn kiện.

Ông Tipton là người được cựu Tổng Thống Donald Trump đề cử và hiện là chánh án tòa án khu vực phía Nam Texas.

Theo dự trù, chính quyền Biden sẽ kháng cáo quyết định này.

Trong lúc vận động, ông Biden (Dân Chủ) hứa sẽ áp dụng 100 ngày không trục xuất di dân bất hợp pháp nếu đắc cử, một quyết định ngược với chính quyền Donald Trump, một tổng thống Cộng Hòa.

Sau khi tuyên thệ nhậm chức hôm 20 Tháng Giêng, người đứng đầu Bộ Nội An có đưa ra một thông báo, ra lệnh tạm ngưng tất cả các vụ trục xuất để giải quyết các vấn đề còn ứ đọng tại biên giới Mỹ-Mexico trong thời gian có đại dịch COVID-19.

Trong đơn kiện nộp hôm Thứ Sáu, 22 Tháng Giêng, ông Ken Paxton, bộ trưởng Tư Pháp Texas, nói rằng tiểu bang sẽ bị thiệt hại không bù đắp được nếu tạm ngưng các vụ trục xuất.

Ông Paxton (Cộng Hòa) nói tạm ngưng trục xuất sẽ làm tăng chi phí giáo dục và y tế vì có nhiều di dân bất hợp pháp cư ngụ tại Texas.

Ông Paxton cũng nói ngưng trục xuất là đi ngược lại thỏa thuận mà Texas đạt được với chính quyền Donald Trump, chỉ hai tuần sau khi ông Biden nhậm chức.

Chánh Án Tipton nói rằng Texas có nhiều cơ hội thắng vụ kiện này ít nhất với hai điều khoản, đó là ngưng trục xuất vi phạm luật di trú liên bang trong đó nói chính quyền “nên trục xuất” những người có lệnh trục xuất và phải thi hành trong vòng 90 ngày.

Điều khoản thứ nhì là chính quyền Biden thực hiện hoãn trục xuất một cách “máy móc và bất thường mà không giải thích đầy đủ.”

Dưới thời chính quyền Donald Trump, nhiều tiểu bang Dân Chủ phản đối chính sách di trú của ông thường trì hoãn trục xuất hoặc nộp đơn kiện lên tòa.

Theo dự trù, Texas cũng sẽ làm như vậy để phản đối lại chính sách di dân của ông Biden. 

(Đ.D.)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *