
Asia-Pacific Research by Cynthia Chung – March 29, 2021 – Strategic Culture Foundation 17 March 2021
Ba Sàm lược dịch
Mời xem phần trước: 2363. Cuộc xoay trục của Hoa Kỳ sang Châu Á: Bài học Chiến tranh Lạnh từ Việt Nam cho ngày nay (P.1)
Phái đoàn quân sự Sài Gòn
Ngày 8 tháng 1 năm 1954, tại một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), Tổng thống Eisenhower đã nói rõ quan điểm của mình rằng người Mỹ không thuộc về chiến tranh Việt Nam. Thế nhưng điều đó không thực sự quan trọng.
Eisenhower, người vốn đã quen với việc mọi người sốt sắng tuân theo mệnh lệnh của mình trong tư cách là một vị tướng, khi ông còn tham gia Thế chiến II, nay sớm biết rằng điều đó không còn áp dụng được với mình trong tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ nữa.
Trong số những người tham gia cuộc họp ngày 8 tháng 1 năm 1954 của Hội đồng An ninh Quốc gia có Allen W. Dulles và anh trai John Foster Dulles. Không thể nào mà anh em nhà Dulles lại có thể hiểu lầm lời của Tổng thống Eisenhower.
Tuy nhiên, vào ngày 14 tháng 1 năm 1954, chỉ sáu ngày sau tuyên bố “mạnh mẽ” của Tổng thống chống lại sự xâm nhập của các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ ở Đông Dương, Ngoại trưởng John Foster Dulles nói:
“Bất chấp tất cả những gì chúng ta làm, vẫn có khả năng vị thế của Pháp ở Đông Dương sẽ sụp đổ. Nếu điều này xảy ra và người Pháp bị đánh đuổi, tất nhiên, nó sẽ trở thành trách nhiệm của lực lượng Việt minh chiến thắng trong việc thành lập chính phủ và duy trì trật tự ở Việt Nam… [Tôi] không tin rằng trong trường hợp này đất nước này [Hoa Kỳ ] chỉ đơn giản là nói, “Quá tệ; chúng ta bị qua mặt và đó là kết thúc của nó.“
Như vậy, hạt giống đã được gieo trồng. Nếu người Pháp bị buộc phải rút lui, điều có thể đoán trước được, người ta hiểu rằng Hoa Kỳ sẽ không tham gia chiến tranh công khai với Việt Minh. Tuy nhiên, nó có thể thực hiện các hoạt động bí mật chống lại lực lượng của Hồ Chí Minh để gây rắc rối cho họ, hay theo cách nói của Foster Dulles là “quậy tưng lên” (to raise hell).
Đây là cách bắt đầu sự can thiệp và tham gia trực tiếp của Mỹ vào Chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến mà người Mỹ đã trang bị vũ khí cho cả hai bên kể từ năm 1945 và không có mục tiêu quân sự chính thức nào ngoại trừ để “quậy tưng lên”.
Theo hồ sơ của cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia ngày 14 tháng 1 năm 1954, cho biết:
“Nhất trí rằng Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương [Allen Dulles], phối hợp với các ban và cơ quan thích hợp khác nên phát triển các kế hoạch, theo gợi ý của Ngoại trưởng [John Foster Dulles], cho một số trường hợp bất thường ở Đông Dương.”
Và, cứ như vậy, toàn bộ việc giám sát Chiến tranh Việt Nam được đặt vào tay anh em nhà Dulles.
Hai tuần sau, vào ngày 29 tháng 1, Allen Dulles, chọn Đại tá Lansdale làm trưởng nhóm sẽ được triển khai tại Việt Nam để “quậy tưng lên”.
Edward G. Lansdale, trưởng phái đoàn quân sự Sài Gòn, đến Sài Gòn ngày 1 tháng 6 năm 1954, chưa đầy một tháng sau thất bại của quân Pháp ở Điện Biên Phủ, với mục đích hoạt động bí mật nhằm tiến hành chiến tranh tâm lý và các hoạt động bán quân sự ở miền Nam Việt Nam.
Prouty viết:
“Đó không phải là một nhiệm vụ quân sự theo nghĩa thông thường, như ngoại trưởng đã nói. Đó là một tổ chức CIA với một nhiệm vụ bí mật được thiết kế để “quậy tưng lên” với “hoạt động du kích” ở khắp mọi nơi ở Đông Dương, một tổ chức khủng bố lành nghề có khả năng thực hiện vai trò nham hiểm của mình theo Chiến lược Lớn của những năm Chiến tranh Lạnh.
… Với hành động này, CIA đã thành lập Phái bộ Quân sự Sài Gòn (SMM) tại Việt Nam. Nó không thường xuyên ở Sài Gòn. Nó không phải là quân đội. Đó là CIA. Nhiệm vụ của nó là làm việc với những người Đông Dương chống Việt minh chứ không phải làm việc với người Pháp. Với nền tảng bên trong và những quy định này, đơn vị CIA mới đó sẽ không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến với quân Pháp. Như chúng ta đã học hỏi được từ chặng đường khó khăn sau này, cuộc chiến cho miền Nam Việt Nam hay cho Hoa Kỳ cũng không thể thắng được. Có phải vậy không? ”
Ở đây cần lưu ý rằng mặc dù hồ sơ của NSC và Bộ Ngoại giao cho thấy Phái bộ quân sự Sài Gòn phải đến tháng 1 năm 1954 mới bắt đầu, nhưng đã có những hoạt động khác của CIA ở Việt Nam, Campuchia và Lào (chẳng hạn như đội Mây Trắng) từ rất lâu trước năm 1954, và một số thành viên của SMM đã tham gia vào các hoạt động trước đó từ năm 1945.
Mặc dù Lansdale được liệt kê là Đại tá Không quân Hoa Kỳ, người được giao phụ trách SMM, nhưng đây chỉ là một mưu đồ. Ông ta sẽ tiếp tục ở Việt Nam, giống như ở Philippines, để khai thác vỏ bọc của một sĩ quan không quân và được chỉ định vào Nhóm Cố vấn Hỗ trợ Quân sự (MAAG) cho các mục đích thực hiện “nhiệm vụ bí mật”. Ông ta luôn là một đặc vụ của CIA, và những ông chủ thực sự của ông ta luôn ở bên CIA.
Với việc Hồ Chí Minh đánh bại Pháp vào năm 1954 trong trận Điện Biên Phủ, kết thúc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, người ta hiểu rằng cần phải có ban lãnh đạo đối lập mới nếu Hồ Chí Minh không thể nắm quyền kiểm soát miền Nam Việt Nam.

Ngô Đình Diệm sẽ lật đổ Bảo Đại trong một cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý gian lận vào năm 1955, trở thành Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa (miền Nam Việt Nam). Người miền Nam Việt Nam không quan tâm đến một trong hai ứng cử viên.
Bạn đọc nên lưu ý ở đây rằng Nam Việt Nam (còn được gọi là Nam Kỳ trong nhiều thế kỷ), chưa bao giờ có một hình thức chính quyền thực sự, vì nó chưa bao giờ là một quốc gia trong toàn bộ sự tồn tại của nó, mà chỉ được tạo thành từ các làng cổ trong vài thế kỷ với thay đổi tương đối ít. Không có quốc hội, không có cảnh sát, và không có hệ thống thuế – không có gì thiết yếu đối với chức năng của một quốc gia. “Chính phủ” của Diệm chẳng là gì ngoài một mặt tiền của bộ máy quan liêu.
Mặc dù vậy, Việt Nam Cộng hòa của Diệm được đối xử như một thành viên bình đẳng trong đại gia đình các quốc gia, như thể nó có thể tự đứng trên hai chân của mình và ứng phó với cuộc khủng hoảng mà người dân của nó đang phải hứng chịu. Chính phủ Việt Nam mà Eisenhower tin rằng lẽ ra phải chiến đấu thay mặt Việt Minh đã không tồn tại.
Những thành phần trong chính quyền đó không có lòng trung thành với Bảo Đại, người từng sống ở Paris, và họ ghét người Pháp. Ngô Đình Diệm chẳng là ai cả, chưa bao giờ làm được điều gì để thu phục lòng dân của mình.
Chiến tranh Việt Nam, như cách hiểu ngày nay, đầy rẫy những khuất tất. Nhưng có lẽ sai sót nghiêm trọng nhất là không có lấy một trong cả sáu chính quyền Hoa Kỳ, từng giám sát Chiến tranh Việt Nam, tuyên bố được một mục tiêu quân sự tích cực của Hoa Kỳ cho cuộc chiến đó. Các tướng lĩnh được cử đến Sài Gòn được dặn là không được để “cộng sản” xâm chiếm Việt Nam. Như Prouty đã tuyên bố nhiều lần trong cuốn sách của mình, điều này không cấu thành một mục tiêu quân sự.
Phái đoàn Quân sự Sài Gòn được cử sang Việt Nam để chủ trì việc giải thể bộ máy thực dân Pháp. Anh em nhà Dulles đã biết, vào tháng 1 năm 1954 hoặc trước đó không lâu, rằng họ sẽ thành lập một chính phủ Việt Nam mới mà không phải là Pháp hay Việt, và chính phủ mới này sau đó sẽ trở thành cơ sở để tiếp tục cuộc chiến kéo dài hàng chục năm ở Đông Dương.
Đó là mục tiêu chính của họ.
Hội nghị Geneva, Một cuộc Di cư Diệt chủng
Sự thất bại của quân Pháp dẫn đến Hiệp định Genève tháng 7 năm 1954, xác lập vĩ tuyến 17 làm đường phân giới tạm thời ngăn cách lực lượng quân sự của Pháp và Việt Minh. Trong vòng 300 ngày kể từ ngày ký hiệp định, một khu phi quân sự, hay còn gọi là DMZ, đã được thành lập và việc chuyển giao bất kỳ thường dân nào muốn rời khỏi một trong hai bên sẽ được hoàn tất.
Hồ Chí Minh và tất cả người dân miền Bắc Việt Nam tin rằng cả quốc gia là “một”. Họ không muốn một sự chia cắt đất nước của họ, như Hiệp định Genève đã cam kết.

Điều khoản kết thúc Hiệp định Genève, Số 14, hiếm khi được nhận thấy có vài dòng, như sau: “… Bất kỳ thường dân nào cư trú trong khu vực do một bên kiểm soát, muốn đến và sinh sống trong khu vực được giao cho bên kia, sẽ được chính quyền tại khu vực đó cho phép và giúp đỡ.”
Ý nghĩa đáng ngại của điều khoản này đã được che giấu dưới chiêu bài của những lời lẽ nhân đạo. Công hàm của Mỹ-Anh nói về một “cuộc chuyển giao hòa bình và nhân đạo“, như thể họ tử tế và nhạy bén với tình hình hiện tại, sẵn sàng nhổ tận gốc những con người cả đời sống trong những ngôi làng đã có từ hàng vạn năm.
Người dân trên thế giới, hầu hết đều không biết về người xứ Bắc Kỳ, đã khiến họ tin rằng lời đề nghị này là một cử chỉ nhân ái nhất. Và, điều tồi tệ hơn, những kẻ vạch ra âm mưu thâm độc này chắc chắn cho rằng người dân thế giới sẽ không bao giờ biết được sự thật, rằng cuộc di chuyển của một triệu người Bắc Việt này thực sự được dự định để trở thành ngọn lửa đốt cháy đất nước. Đó là một sự sắp đặt và sẽ thiết lập nền tảng thiết yếu cho việc Mỹ tham chiến trực tiếp.
Cuộc di cư ồ ạt của người Bắc Việt vào Nam Việt Nam sẽ do Phái đoàn quân sự Sài Gòn dàn xếp. Đây là một biến động khủng khiếp đối với những người này nhưng nó đã bị bán cho phương Tây như thể họ là những người tị nạn chạy trốn khỏi Hồ Chí Minh. Trên thực tế, họ đang chạy trốn “chiến tranh tâm lý” và “chiến thuật bán quân sự”, ngày nay được gọi là “khủng bố”, mà SMM đang tung ra ở những ngôi làng nhỏ miền Bắc này.
Theo cách nói riêng của họ, như đã được tìm thấy trong các tài liệu được công bố với Hồ sơ Lầu Năm Góc, các nhà lãnh đạo của SMM đã viết rằng phái bộ đã được cử đến miền Bắc Việt Nam để thực hiện “chiến tranh không theo quy ước”, “hoạt động bán quân sự”, “chiến tranh tâm lý – chính trị” và các chiến dịch đồn thổi và thiết lập một khóa học Chiến đấu cho người Việt Nam. Các thành viên của SMM là “những đặc vụ khiêu chiến” cổ điển.
Prouty viết:
“Phong trào người Công giáo – hay người bản xứ mà SMM gọi là“ Người Công giáo ”- từ các tỉnh miền Bắc Việt Nam vào miền Nam, theo quy định của Hiệp định Genève, đã trở thành hoạt động quan trọng nhất của Phái bộ Quân sự Sài Gòn và là một trong những nguyên nhân sâu xa của chiến tranh Việt Nam. Gánh nặng khủng khiếp 1.100.000 người xa lạ nghèo khổ này đè nặng lên những cư dân bản địa nghèo như nhau ở miền nam đã tạo ra một áp lực lên đất nước và chính quyền Diệm vốn đã tỏ ra quá sức chịu đựng.
Những người bản xứ không một xu dính túi này… đã được Phái bộ Quân sự Sài Gòn lùa đến Hải Phòng và đưa lên các tàu vận tải của Hải quân Hoa Kỳ. Khoảng 300.000 người đã đi trên máy bay Vận tải Hàng không Dân dụng của CIA, và những người khác đi bộ. Họ đã được vận chuyển, giống như gia súc, đến vùng cực nam của Việt Nam, nơi, bất chấp những lời hứa về tiền và những hỗ trợ cơ bản khác, họ đã bị người dân địa phương bỏ rơi. Những người từ phương bắc này là người Bắc Kỳ, nhiều người Hoa hơn là người Nam Kỳ ở miền nam. Họ chưa bao giờ được hòa nhập vào điều kiện sống bình thường. Bất cứ nơi nào ở phía nam có những người dân nghèo này bị đổ dồn về đều được đặt cho cái tên ”Các cuộc nổi dậy của Cộng sản“, và phần lớn của phần tồi tệ nhất và ác độc nhất trong hai mươi năm chiến tranh sau đó là kết quả trực tiếp của hoạt động khủng khiếp đã được kích động và thực hiện bởi Phái đoàn quân sự Sài Gòn khủng bố của CIA.
… Không có điều gì xảy ra trong ba mươi năm chiến tranh này, 1945-75, lại ác độc hơn cuộc di chuyển của 1.100.000 “người Công giáo” này từ bắc vào nam vào thời điểm mà chính quyền ở miền nam còn non trẻ. ”
Không lâu sau đó, sự xáo trộn do những kẻ xâm nhập người miền Bắc được Diệm ủng hộ gây ra đối với những người bản xứ miền Nam đã bùng phát thành bạo lực. Chẳng bao lâu nữa, theo chính phủ Diệm và những người chống lưng trong CIA của họ, “những người bạn” là một triệu người Công giáo miền Bắc, và “kẻ thù” — hoặc ít nhất là thứ gây “phiền toái” — là người Nam kỳ bản địa ở miền Nam.
Đã đến lúc thích hợp để thổi bùng ngọn lửa chiến tranh và đưa người Mỹ vào.
—
Cynthia Chung là giảng viên, một cây viết, đồng sáng lập và biên tập viên của Quỹ Rising Tide (Montreal, Canada).
—
Mời xem thêm: + Cuộc di cư Việt Nam (1954); + Bắc di cư: Dân Công giáo tị nạn từ miền Bắc Việt Nam và vai trò của họ tại Cộng hòa Miền Nam, 1954-1959; + Hiệp Định Genève 1954: bài học gì cho Bộ Chính Trị ĐCSVN ngày nay?; + Hiệp định Genève 1954 và “hai quốc gia” trên lãnh thổ Việt Nam?