QUÁ HAY!
“Biden dường như xem các đồng minh quân sự giống như bạn bè trên Facebook: anh thu nạp được càng nhiều, anh càng giành được nhiều chiến thắng. Người ta hình dung như thể ông ta sẵn sàng mở tiệc thịnh soạn trước tin Cộng hòa Montenegro, với quân đội 2.350 người, gia nhập NATO. Tiếp theo, Công quốc Monaco hoặc Lichtenstein! Và nếu các thành viên hiện tại không đóng góp thêm? Không cảm thấy khó khăn gì! Chỉ cần cố gắng làm tốt hơn một chút trong năm tới … “
“Chi tiêu liên bang không kiểm soát được. Thâm hụt đã bùng nổ. Nợ đang vút lên tận trời xanh. Tuy nhiên, tổng thống lại vẫn có hàng nghìn tỷ đô la cho các chương trình mới để tống vào trong một Quốc hội do Cánh tả đảng Dân chủ thống trị. Trong khi đó, tổng thống muốn Hoa Kỳ tiếp tục làm mọi thứ mà họ đang làm ở nước ngoài. Quả thực, kinh nghiệm cho thấy rồi ông ấy sẽ hứa sẽ làm nhiều hơn nữa cho các đồng minh giàu có tin rằng họ được Mỹ bảo vệ.”

CATO INSTITUTE by Doug Bandow – MARCH 29, 2021
Ba Sàm lược dịch
Tại sao chúng ta nên bảo vệ các đồng minh kiên định, những người không tự bảo vệ được mình?
Một điểm nhấn chính trong chiến lược chống Trung Quốc của Tổng thống Joe Biden là xây dựng một liên minh với các quốc gia đồng minh. Dù sao thì ý tưởng đó cũng có lý. Thật vậy, Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã cố gắng làm điều tương tự.
Họ đã gây sức ép để thống nhất quan điểm trong việc tách rời về kinh tế và cách ly công nghệ với Trung Quốc, thúc đẩy nhân quyền, quy trách nhiệm về việc xử lý COVID-19 và hợp tác quân sự. Kết quả là càng đáng thất vọng mà thôi.
Nếu cho rằng thất bại này chỉ được coi là làm mất tinh thần trước giọng điệu tôn nghiêm và sự vênh váo đáng ghét của Pompeo, thì chính quyền Biden đã không có được thành công nào lớn hơn.
Vào tháng 12, Liên minh châu Âu đã ký một thỏa thuận đầu tư với Bắc Kinh bất chấp lời cầu xin từ phía Biden, người chỉ còn vài tuần nữa là sẽ nhậm chức tổng thống. Quan điểm của châu Âu là cần có sự đoàn kết của các đồng minh bên trong khối của họ.
Vấn đề đơn giản là lợi ích quốc gia. Rất ít quốc gia muốn lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Làm như vậy sẽ chọc giận một và có lẽ cả hai cường quốc, với cái giá phải trả là rất lớn. Các chính phủ chắc chắn sẽ không đứng về phía nào nếu họ thấy không cần thiết phải vậy.
Ví dụ: Châu Âu có máy bay Airbus để bán cho thị trường du lịch hàng không chở khách (trước COVID‐ 19) đang mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc. Đức làm ăn nhiều với CHND Trung Hoa. Vương quốc Anh cũng vậy. COVID-19 nổi lên ở Milan, Ý và các nơi khác trong vành đai công nghiệp của nước này vì có rất nhiều giao dịch kinh doanh từ Trung Quốc. Serbia đang sử dụng (và có kế hoạch sản xuất) vắc-xin Sinopharm của Bắc Kinh chống lại COVID-19, ủng hộ đầu tư của Trung Quốc và thậm chí xây dựng quan hệ quân sự với CHND Trung Hoa.
Các nước Đông Nam Á dựa vào tiền của Trung Quốc và không có hứng thú với một cuộc đối đầu quân sự. Các tàu Việt Nam và Trung Quốc chen lấn qua lãnh hải tranh chấp một ngày và các đảng cộng sản của họ trao đổi lời chào huynh đệ vào ngày tiếp theo. Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte đã chơi với cả hai bên. Ngay cả Australia, đang bị Trung Quốc tấn công kinh tế gắt gao, cũng không muốn trở thành kẻ thù của Bắc Kinh.
Sau đó là Hàn Quốc. Nước này thậm chí sẽ không chỉ trích chế độ của Tập Cận Bình về việc đàn áp ở Hồng Kông. Mặc dù các quan chức ở cả hai bên Thái Bình Dương đều nói về việc liên minh vươn xa ra ngoài bán đảo Triều Tiên, nhưng tình huống thứ cấp nghiêm trọng duy nhất sẽ là đối đầu với CHND Trung Hoa. Nhưng nói một cách nhẹ nhàng thì không có khả năng Seoul sẽ tham gia với Mỹ trong bất kỳ cuộc xung đột nào, ngoài việc liên quan đến chính mình, chống lại Bắc Kinh. Theo quan điểm của họ, sẽ rất nguy hiểm khi tự biến mình trở thành kẻ thù của người hàng xóm vĩnh viễn, kẻ sở hữu trí nhớ lâu dài.
Thật vậy, vào mùa thu năm ngoái, Lee Soo‐ hyuck, đại sứ của Hàn Quốc tại Hoa Kỳ, đã thẳng thừng một cách đáng ngạc nhiên về quyền của nước mình được đưa ra lựa chọn riêng. Khi phát biểu trước Quốc hội, ông đã nhấn mạnh: “Chỉ vì Hàn Quốc đã chọn Hoa Kỳ cách đây 70 năm không có nghĩa là nó cũng phải chọn Hoa Kỳ trong 70 năm tới.” Ông thừa nhận rằng mối quan hệ của Seoul với Mỹ là “mối quan hệ toàn diện với các khía cạnh kinh tế, xã hội và văn hóa,” cùng với sự nhấn mạnh rõ ràng về quân sự. Nhưng ông nói thêm, “chúng ta đã trải nghiệm tầm quan trọng của Trung Quốc từ các khía cạnh kinh tế.“
Tình trạng miễn cưỡng ủng hộ lập trường ngày càng cứng rắn của Mỹ đang gây khó chịu, thậm chí khiến Washington tức giận. Nhưng nó không có gì đáng ngạc nhiên. Nó phản ánh lợi ích hợp lý của bản thân nước Mỹ đối với các quốc gia đồng minh, đặc biệt là những quốc gia tin rằng sự bảo vệ của Mỹ là không thể tránh khỏi. Tại sao lại phải đối đầu với một quốc gia mà Washington đã hứa sẽ răn đe và đánh bại nếu thấy cần thiết?
Không nghi ngờ gì nữa, Tổng thống Donald Trump đã hiểu rõ điểm này khi ông nói với người châu Âu, đặc biệt, cũng như người Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út và những người khác, về việc cần đóng góp nhiều hơn cho những gì, mà sau tất cả, là quốc phòng của họ. Thật không may, ông chỉ đạt được thành công hạn chế, một phần vì ông liên tục bị những người được mình bổ nhiệm cắt xén bớt yêu cầu. Các quan chức ở cả Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đã kinh hoàng khi nghĩ rằng họ có thể bị những quốc gia phụ thuộc vào an ninh của nước Mỹ coi là thiếu văn minh. Quá nhiều quan chức chính quyền coi vai trò của họ là làm cho khách hàng hài lòng, hơn là đại diện cho người dân Mỹ.
Quan điểm của Trump không phải là các quốc gia đồng minh đã sai khi quan tâm đến lợi ích của chính họ trước tiên. Thật vậy, các vấn đề liên quan đến CHND Trung Hoa là đặc biệt khó khăn. Trung Quốc quan trọng về kinh tế đối với nhiều nước. Ở giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng COVID-19, họ gần như bị hạn chế trong việc sản xuất một số thiết bị bảo vệ. Rốt cục, người dân của họ có tinh thần dân tộc cao trong khi họ là một cường quốc quân sự đang phát triển.
Hơn nữa, Trump tin rằng Hoa Kỳ cũng nên làm như vậy. Điều đó bao gồm việc không cho phép các đồng minh lợi dụng Mỹ. Ông chủ yếu nghĩ về việc thúc đẩy các quốc gia đồng minh tăng cường chi phí quân sự của họ. Nhưng nó cũng liên quan đến việc họ sẵn sàng tham gia chống lại kẻ thù chung, cũng như quyết định xem kẻ thù có thực sự là chung hay không.
Biden thì dường như không có mối quan tâm như vậy, do đó, câu thần chú bất tận (và ngày càng đau đớn) của ông ta rằng ông muốn “khôi phục các liên minh của Mỹ.”
Trái ngược với những dự đoán gây sốt ở một số khu vực bầu cử của thủ đô, Trump đã không chấm dứt một hiệp ước quân sự nào. Thay vào đó, ông ta nói chuyện theo kiểu cứng rắn và thô thiển – đôi khi phá hoại chính sự nghiệp của mình – và làm tổn thương tình cảm của các nhà lãnh đạo nước ngoài, những người quen được khen ngợi và cưng chiều. Trong số các đồng minh, họ không còn tin chắc rằng Washington sẽ ra tay giải cứu mình, họ bắt đầu tự làm nhiều việc hơn. Không nhất thiết phải là nhiều, nhưng vẫn có, hầu hết mọi thứ đều là bước tiến bộ về một vấn đề vốn đã làm thất vọng các đời tổng thống Mỹ kế nhiệm. Một số quốc gia châu Âu, dẫn đầu là Pháp, cũng như Nhật Bản, Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, bắt đầu xem xét hành động độc lập hơn.
Thật không may, Biden được biết đến với những gì trông giống như sẽ hỗ trợ vô điều kiện cho các quốc gia đồng minh. Trong chính quyền Obama, ông đứng đầu trong các sứ mệnh được đặt cái tên kỳ lạ là “trấn an” cho châu Âu, khi công việc của ông là nói với các đồng minh quân sự trên danh nghĩa, rằng Mỹ sẽ luôn luôn, trong mọi hoàn cảnh, bất kể thế nào, bất kể tình cảm quốc gia, bất kể hành vi của họ, sẽ đến giải cứu họ.
Sau đó là lời hứa trong chiến dịch tranh cử liên tục của ông là “khôi phục” các liên minh, điều này chỉ có thể được hiểu là sẽ biến chúng thành vô điều kiện hơn trước. Khi đã ngồi vào ghế rồi, Biden liền gửi gắm thứ như thể tình yêu vĩnh cửu qua Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Kế hoạch chuyển quân khỏi Đức của Trump đã bị hủy bỏ một cách bất ngờ.
Những chuyển động trước đây của châu Âu hướng tới quyền tự chủ lớn hơn dường như cũng đã bị đình trệ, nếu không muốn nói là đã chết. Mặc dù các chuyên gia của Washington D.C. vẫn nói về các yêu cầu của châu Âu đối với quyền tự chủ quân sự, nhưng Emmanuel Macron của Pháp đã nói ít hơn về tầm nhìn lớn của mình. Hầu hết châu Âu từ lâu đã nhiệt tình phụ thuộc vào Washington, miễn là Chú Sam hành động theo lệnh của những người giỏi hơn ở châu Âu. Khả năng Tổng thống Biden sẽ đe dọa áp đặt bất kỳ hậu quả nghiêm trọng nào, chẳng hạn như rút quân đối với các đồng minh không hành động là bao nhiêu? Nhỏ bé đến mức không có.
Biden dường như xem các đồng minh quân sự giống như bạn bè trên Facebook: anh thu nạp được càng nhiều, anh càng giành được nhiều chiến thắng. Người ta hình dung như thể ông ta sẵn sàng mở tiệc thịnh soạn trước tin Cộng hòa Montenegro, với quân đội 2.350 người, gia nhập NATO. Tiếp theo, Công quốc Monaco hoặc Lichtenstein! Và nếu các thành viên hiện tại không đóng góp thêm? Không cảm thấy khó khăn gì! Chỉ cần cố gắng làm tốt hơn một chút trong năm tới …
Nhưng liệu Biden có tha thứ, đến mức nếu các đồng minh này làm nản lòng nỗ lực của ông trong việc đối đầu với Bắc Kinh bằng một liên minh thống nhất, hay không?
Chuyện bắt nạt bạn bè thường có xu hướng gây đau đớn và không hiệu quả. Họ thường không nhượng bộ về những vấn đề quan trọng đối với họ – hãy chứng kiến Đức và đường ống Nord Stream 2. Nếu các đồng minh phục tùng, kết quả là sự oán giận có thể sẽ gay gắt và kéo dài.
Thay vào đó, đã đến lúc Mỹ phải thay đổi cách đối xử với “các liên minh được lựa chọn”, những liên minh thay vì bảo vệ Mỹ thì họ lại tự cung tự cấp giữa các đối tác đồng minh với nhau. Sau Thế chiến thứ hai, châu Âu cần được Mỹ bảo vệ. Ngày nay, không có quá nhiều. Với GDP gấp 11 lần và dân số gấp 3 lần Nga, tại sao người châu Âu lại mong đợi Mỹ bảo vệ họ?
Tương tự với Hàn Quốc. Khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, người Hàn Quốc yêu cầu một lá chắn phòng thủ của Hoa Kỳ. Không tiếp tục vậy nữa. Với GDP gấp 50 lần và dân số gấp đôi Triều Tiên, tại sao Hàn Quốc vẫn phải dựa vào sự bảo hộ của Mỹ?
Tất nhiên, không quốc gia nào nhỏ hơn lại muốn đối mặt với cơn thịnh nộ của CHND Trung Hoa (hoặc Nga). Tuy nhiên, các đồng minh của Mỹ mong đợi Washington sẽ đối mặt với những kẻ thù có vũ khí hạt nhân của họ. Nhưng hợp tác quốc phòng là một vấn đề của sự lựa chọn, như Đại sứ Lee Soo‐ hyuck đề nghị. Hệ quả rõ ràng đối với tiên đề của Lee là: chỉ vì Mỹ chọn Hàn Quốc khi nước này yếu và đang bị tấn công không có nghĩa là nước Mỹ cần chọn lại Hàn Quốc khi nước này mạnh và an toàn.
Nếu các đồng minh này không nỗ lực hết mình để giúp Washington thực hiện các mục tiêu quốc phòng, thì Biden nên đáp lại rằng Mỹ sẽ không còn lựa chọn bảo vệ những người không cần bảo vệ nữa. Rốt cuộc, Hoa Kỳ thực sự có lợi khi chấm dứt các khoản trợ cấp quốc phòng không cần thiết cho các đồng minh đông dân và thịnh vượng. Khi họ quan tâm đến bản thân nhiều hơn, họ xứng đáng được đền đáp bằng một đồng xu tương tự.
Chi tiêu liên bang không kiểm soát được. Thâm hụt đã bùng nổ. Nợ đang vút lên tận trời xanh. Tuy nhiên, tổng thống lại vẫn có hàng nghìn tỷ đô la cho các chương trình mới để tống vào trong một Quốc hội do Cánh tả đảng Dân chủ thống trị. Trong khi đó, tổng thống muốn Hoa Kỳ tiếp tục làm mọi thứ mà họ đang làm ở nước ngoài. Quả thực, kinh nghiệm cho thấy rồi ông ấy sẽ hứa sẽ làm nhiều hơn nữa cho các đồng minh giàu có tin rằng họ được Mỹ bảo vệ.
Cái gì rồi cũng phải lùi bước. Một điểm khởi đầu tốt sẽ là cắt bỏ những kẻ ăn bám (deadbeats) trong phòng thủ. Hoặc, tốt thứ hai, là yêu cầu có đi có lại. Các đồng minh có thể giúp Hoa Kỳ về vấn đề Trung Quốc hoặc bất kỳ vấn đề nào khác. Hoặc họ có thể tiếp nhận những gì đáng lẽ thuộc trách nhiệm của họ – sự bảo vệ của chính họ.
+ Về tác giả: Doug Bandow là thành viên cấp cao tại Viện Cato, chuyên về chính sách đối ngoại và quyền tự do dân sự. Ông từng là trợ lý đặc biệt cho Tổng thống Ronald Reagan và biên tập viên của tạp chí chính trị Inquiry. Ông thường xuyên viết cho các ấn phẩm hàng đầu như tạp chí Fortune, National Interest, Wall Street Journal và Washington Times. Bandow thường xuyên nói chuyện tại các hội nghị học thuật, trong khuôn viên trường đại học và các nhóm kinh doanh. Bandow là bình luận viên thường xuyên trên ABC, CBS, NBC, CNN, Fox News Channel và MSNBC. Ông có bằng Tiến sĩ Luật của Đại học Stanford.
Liên quan: