2423. Sự thống trị về năng lượng mặt trời của Trung Quốc phơi bày một tình cảnh trớ trêu đáng sợ của Biden

Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời toàn cầu, hầu hết các vật liệu và thành phần của các tấm pin mặt trời mà Mỹ làm năng lượng sạch đều được sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh: NYT

SOHA/ The New York Times by Ana Swanson and Brad Plumer – April 20, 2021

An An dịch

Lời thề nguyền của Tổng thống Biden, rằng sẽ làm việc với Trung Quốc về các vấn đề như biến đổi khí hậu, đang mâu thuẫn với lời hứa bảo vệ nhân quyền của ông.

Năng lượng mặt trời hay nhân quyền

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần cam kết hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề như biến đổi khí hậu, đồng thời thách thức Bắc Kinh về các vấn đề nhân quyền và các hành vi bất bình đẳng thương mại.

Tuy nhiên theo The New York Times (NYT – Mỹ), hiện tại, các mục tiêu này đang mâu thuẫn trong lĩnh vực năng lượng mặt trời toàn cầu khiến chính quyền Biden đứng trước lựa chọn khó khăn. Chính phủ Mỹ hy vọng sẽ mở rộng việc sử dụng năng lượng mặt trời trong nước để giảm lượng khí thải carbon dioxide.

Tình trạng tiến thoái lưỡng nan này xuất phát từ một thực tế đáng lo ngại: Trung Quốc đang chiếm ưu thế trong chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời toàn cầu, sản xuất hầu hết nguyên liệu và linh kiện của tấm pin mặt trời mà Mỹ nhập khẩu để cung cấp năng lượng sạch.

Tổng thống Biden đang cùng các nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Washington. Dự kiến ông ​​sẽ công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm giảm lượng khí thải của Mỹ trong 10 năm tới. Chính phủ Mỹ đã đặt mục tiêu sử dụng năng lượng không có carbon (như năng lượng mặt trời, gió hoặc năng lượng hạt nhân) để cung cấp 100% điện năng cho toàn nước Mỹ vào năm 2035, so với chỉ 40% của năm ngoái. Để đạt được mục tiêu này, Mỹ có thể cần tăng gấp đôi số lượng lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời hàng năm .

Đây có thể là điều có lợi cho nền kinh tế Trung Quốc, vì Mỹ vẫn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các mô-đun năng lượng mặt trời giá rẻ do các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất.

Trung Quốc cũng cung cấp nhiều thành phần chính của tấm pin mặt trời, bao gồm hơn 80% polysilicon trên thế giới, là nguyên liệu thô được hầu hết các tấm pin mặt trời sử dụng để hấp thụ năng lượng mặt trời. Gần một nửa nguồn cung toàn cầu đến từ Tân Cương, nơi chính phủ Trung Quốc bị Mỹ và phương Tây chỉ trích về vấn đề nhân quyền. Năm 2019, chưa đến 5% polysilicon trên thế giới đến từ các công ty Mỹ .

Điều này đặt đảng Dân chủ vào tình thế khó khăn“, bà Francine Sullivan, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh tại REC Silicon, cho biết. “Bạn muốn chỉ trích nhân quyền Trung Quốc hay những tấm pin năng lượng mặt trời giá rẻ?“.

Trong khi đó, ông Richard L. Trump, Chủ tịch Liên đoàn Lao động và Liên đoàn Công nghiệp Mỹ cho biết: “Khi Mỹ tìm cách giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, chúng ta không thể cho phép Bắc Kinh sử dụng lao động cưỡng bức để đáp ứng nhu cầu của đất nước chúng ta“.

Dự luật về Trung Quốc

Sự kiểm soát của Trung Quốc đối với ngành năng lượng mặt trời toàn cầu bắt nguồn từ cuối thập kỷ trước. Để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nước ngoài, Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều vốn vào công nghệ năng lượng mặt trời, tạo điều kiện cho các công ty đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng các nhà máy mới và giành thị phần trên thế giới.

Sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã khiến giá cả giảm mạnh, đẩy nhanh sự phổ biến của năng lượng mặt trời trên toàn thế giới và buộc hàng chục công ty của Mỹ, Châu Âu và các khu vực khác phải đóng cửa.

Trong vài năm qua, bị thu hút bởi lượng than dồi dào và điện giá rẻ của Tân Cương, các nhà sản xuất polysilicon của Trung Quốc đã ngày càng chuyển hoạt động sản xuất sử dụng nhiều năng lượng sang khu vực này.

Horizon Advisory, một công ty tư vấn của Washington, cáo buộc với sự giúp đỡ của chính phủ Trung Quốc, nhiều công ty năng lượng mặt trời lớn của Trung Quốc như Jinko Solar đã tuyển dụng công nhân từ các khu vực nghèo khó ở Tân Cương, gây nên tình trạng cưỡng bức lao động.

Tuy nhiên, cả Jinko Solar và chính phủ Trung Quốc đều mạnh mẽ bác bỏ những cáo buộc này.

NYT cho hay, trước đây, thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, hải quan Mỹ đã có lập trường cứng rắn hơn đối với các sản phẩm được cho là sản xuất bằng cách sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn đối với bông và cà chua từ khu vực này. Những hạn chế này đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu phải tổ chức lại cách vận hành, đặc biệt là lĩnh vực may mặc.

Chính quyền Biden giờ đây nói họ vẫn đang xem xét các chính sách của chính quyền Trump và chưa cho biết liệu họ có tìm cách thực hiện các lệnh cấm khác đối với các sản phẩm và công ty Trung Quốc hay không. Nhưng Biden và các cố vấn của ông nhấn mạnh rằng Mỹ có kế hoạch đối đầu với Trung Quốc về vấn đề vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ khẳng định, việc đối xử khắc nghiệt với người Uyghurs “không thể bỏ qua” và chính phủ đang “nghiên cứu các cách đảm bảo hiệu quả rằng nước Mỹ không nhập khẩu các sản phẩm được sản xuất bởi lao động cưỡng bức”, bao gồm cả các sản phẩm năng lượng mặt trời.

Quốc hội cũng có thể can thiệp vào vấn đề này. Kể từ đầu năm nay, Thượng viện và Hạ viện đã giới thiệu lại các dự luật khác nhau của Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức người Uyghurs, trong đó cho rằng các sản phẩm nhập khẩu từ Tân Cương được sản xuất bằng cách sử dụng lao động cưỡng bức và cấm nhập khẩu các sản phẩm này vào các cảng của Mỹ trừ khi nhà nhập khẩu chứng minh điều ngược lại. Dự luật của Hạ viện Mỹ còn liệt kê polysilicon trong hạng mục ưu tiên.

Được biết, dự luật đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cả hai đảng và có thể được đưa vào một dự luật toàn diện liên quan đến Trung Quốc mà đảng Dân chủ hy vọng sẽ đề xuất trong năm nay.

Vẫn phải phụ thuộc vào Trung Quốc

Một số công ty Trung Quốc phản ứng bằng cách tổ chức lại chuỗi cung ứng của họ: Bán polysilicon và các sản phẩm năng lượng mặt trời khác được sản xuất bên ngoài Tân Cương cho người mua từ Mỹ, sau đó tiêu thụ các sản phẩm sản xuất tại Tân Cương ở thị trường Trung Quốc và các thị trường khác.

Các nhà phân tích cho rằng việc tái tổ chức này về mặt lý thuyết là khả thi. Theo Johannes Berreuter, nhà phân tích thị trường polysilicon tại Bernreuter Research, khoảng 35% polysilicon trên thế giới đến từ các khu vực bên ngoài Tân Cương của Trung Quốc, trong khi Mỹ và Liên minh Châu Âu chiếm khoảng 30% nhu cầu về tấm pin năng lượng mặt trời toàn cầu.

Theo John Smirnow, Cố vấn Hiệp hội các ngành công nghiệp năng lượng mặt trời Mỹ, hầu hết các công ty năng lượng mặt trời đã rút thành công chuỗi cung ứng của họ khỏi Tân Cương.

Theo cách hiểu của chúng tôi, tất cả các nhà cung cấp lớn sẽ có thể đảm bảo với khách hàng rằng sản phẩm của họ vào Mỹ không bao gồm polysilicon được sản xuất ở Tân Cương“, ông nói.

Nhưng không rõ liệu việc tái tổ chức có dập tắt được những lời chỉ trích hay không bởi vẫn có cáo buộc cho rằng, lao động cưỡng bức cũng tồn tại ở các nhà máy của Trung Quốc bên ngoài Tân Cương, nơi người Uyghurs và các dân tộc thiểu số khác làm việc. Các hạn chế đối với những sản phẩm sản xuất ở Tân Cương có thể lan sang các thị trường như Canada, Anh và Úc, và các quốc gia này đang thảo luận về các quy định và hướng dẫn mới.

Trong một tuyên bố hồi đầu năm, Hiệp hội Công nghiệp Quang điện Trung Quốc và Hiệp hội Công nghiệp Kim loại Màu Trung Quốc đã lên án “những tuyên bố vô trách nhiệm” của các ngành liên quan ở Mỹ, mà theo họ là kiềm chế sự phát triển của Tân Cương và “can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.”

Như chúng ta đều biết, vấn đề ‘cưỡng bức lao động’ là một lời nói dối hàng thế kỷ được ngụy tạo bởi Mỹ và các tổ chức và cá nhân của các nước phương Tây khác”, hai tổ chức nàynói.

Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Brinken cảnh báo rằng nước này đang tụt hậu so với Trung Quốc trong sản xuất năng lượng sạch.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng, tính đến thời gian cần thiết để tăng đáng kể sản lượng của Mỹ, việc đưa ngành sản xuất năng lượng mặt trời trở lại Mỹ có thể là một thách thức và nó cũng có thể dẫn đến việc tăng giá của các tấm pin mặt trời trong ngắn hạn.

Vẫn còn một số công ty sản xuất polysilicon ở Mỹ nhưng kể từ khi Trung Quốc áp đặt thuế quan trả đũa đối với polysilicon Mỹ vào năm 2013, triển vọng của họ rất khó khăn. Công ty Hemlock Semiconductor đã niêm phong một nhà máy mới trị giá 1,2 tỷ USD ở Tennessee vào năm 2014 và REC Silicon đã đóng cửa nhà máy polysilicon ở Washington vào năm 2019 .

Trong thỏa thuận thương mại được ký vào năm ngoái, Trung Quốc cam kết sẽ mua số lượng lớn polysilicon của Mỹ nhưng các giao dịch này vẫn chưa thành hiện thực.

Trong ngắn hạn, căng thẳng về Tân Cương có thể có lợi cho các nhà cung cấp còn lại của Mỹ. Bà Sullivan cho biết trong những tháng gần đây, một số nhà phát triển năng lượng mặt trời nhỏ ở Mỹ đã liên hệ với REC Silicon để hỏi về các sản phẩm không phải của Trung Quốc.

Nhưng bà nói rằng các công ty Mỹ cần các cam kết đặt hàng dài hạn, đáng tin cậy để mở rộng và khi bà giải thích rằng nguồn cung cấp các sản phẩm năng lượng mặt trời không phải từ Trung Quốc là có hạn, tất cả đều “cảm thấy rõ ràng là có vấn đề”.

Đây là một bài học rất quan trọng“, bà Sullivan nói thêm. “Bạn trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc, điều này có nghĩa là gì? Để phát triển năng lượng mặt trời, chúng ta phải bó buộc các giá trị của mình“.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *