2452. Liệu Biden sẽ hướng theo bóng ma Lyndon Johnson hay không?

Joe Biden và Lyndon Johnson. Photo: Getty Images

Times Free Press by James Jay Carafano – May 2nd, 2021

Ba Sàm lược dịch

Bài phát biểu của Tổng thống Joe Biden trước Quốc hội tập trung khá nhiều vào các vấn đề trong nước, đặc biệt là gói “cơ sở hạ tầng” trị giá 2,3 nghìn tỷ USD của ông. Chúng ta không nghe nhiều về các vấn đề đối ngoại. Đó là vì ông ấy đã đặt những vấn đề thiết yếu sang một bên, để thúc đẩy về phía trước chương trình nghị sự nội địa đắt tiền chưa từng có và gọi là “biến đổi”của mình.

Chúng ta đã từng thấy cách tiếp cận về quản trị này trước đây – từ Lyndon Johnson, được cho là một trong những tổng thống thời hiện đại kém thành công nhất của quốc gia.

Đó là một đường lối dường như không hiệu quả lắm đối với Biden. Khi 100 ngày đầu tiên kết thúc, ông ấy đang nhận được số phiếu thăm dò kém gần một nửa so với con số cử tri đã từng bầu cho ông, mặc dù một tờ báo đáng kính lại ca ngợi mọi động thái của ông ấy.

Nếu Biden muốn tránh cuộc đua giành vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng tổng thống, ông sẽ phải suy nghĩ lại cách tiếp cận của mình đối với các thách thức đối nội và đối ngoại, và quan trọng là cách ông cân bằng cả hai thứ.

Cho đến nay, Nhà Trắng đã thúc đẩy một chương trình nghị sự để xây dựng lại nước Mỹ một cách triệt để. Các cuộc bầu cử liên bang, vấn đề mở rộng nhà nước phúc lợi, và mở rộng hàng loạt quy mô, phạm vi tiếp cận và thẩm quyền của chính phủ liên bang chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Trong khi đó, các vấn đề lớn về chính sách đối ngoại đã bị rút ngắn. Mặc dù chính quyền đã nhấn mạnh luận điệu về chủ nghĩa toàn cầu, song các hành động của họ lại bị hạn chế khá nhiều qua việc đảo ngược các chính sách của Trump về biến đổi khí hậu và thỏa thuận Iran.

Một ví dụ gần đây về chính sách đối ngoại mờ nhạt này là phản ứng của Mỹ đối với việc Nga tăng cường quân sự lớn gần Ukraine. Việc đổ lỗi cho người khác và lời hứa khập khiễng về việc triệu tập một hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về các vấn đề sẽ không giữ được cho gấu Nga ngồi yên ở khoảng cách an toàn.

Rõ ràng, thay vì đối phó với các mối đe dọa từ nước ngoài, tổng thống muốn tập trung vào việc thông qua chương trình nghị sự đối nội cấp tiến nhất trong lịch sử hiện đại.

Trong vấn đề này, lịch sử đã lặp lại.

Sau khi bất ngờ được bổ nhiệm vào Phòng Bầu dục (kế vị John F. Kennedy bị ám sát), Lyndon Johnson đã tập hợp chương trình nghị sự Xã hội vĩ đại của mình, một khoản chi tiêu liên bang đầy tham vọng và bộ máy quan liêu mở rộng nhằm xóa bỏ đói nghèo và chấm dứt phân biệt chủng tộc. (*)

Để có được số tiền cần thiết nhằm khởi phát nên Xã hội vĩ đại, Johnson đã cố gắng đưa Chiến tranh Lạnh xuống thành một vấn đề đứng hàng thứ hai. Ông đã gửi một số lượng nhỏ quân đội đến Nam Việt Nam để ngăn chặn Bắc Việt Nam. Nhưng ý tưởng chính là chi tiêu vừa đủ cho “súng ống”, để tránh bị mất mát nhục nhã (như đã từng xảy ra với Truman khi Trung Quốc trở thành nước Cộng sản dưới sự theo dõi của ông ta), đồng thời sử dụng số tiền khổng lồ vào các chương trình Xã hội vĩ đại.

Nhưng cách tiếp cận được gia tăng ở Việt Nam đã không thể ngăn cản Bắc Việt. Cuộc chiến tiếp tục trở nên quy mô hơn, ngay cả khi Johnson đã tiêu tiền như rác (nguyên văn: như một gã thủy thủ say xỉn) trong chương trình nghị sự trong nước của mình.

Trong khi đó, nền kinh tế trong nước xuống dốc nhanh chóng. Vào những năm 1970, nước Mỹ sa lầy vào “lạm phát và suy thoái” – tăng trưởng kinh tế thiếu ổn định cùng với lạm phát ngoài tầm kiểm soát.

Tệ hơn nữa, chương trình Xã hội vĩ đại được chứng minh nó là bất cứ điều gì ngoại trừ vĩ đại. Cuộc thử nghiệm xã hội chủ nghĩa giả cầy đã thất bại thảm hại, dẫn đến sự suy giảm mạnh mẽ các mối quan hệ chủng tộc và sự gần như là sụp đổ của các thành phố nằm sâu bên trong nội địa Hoa Kỳ, như đã được mô tả rõ trong cuốn “The Great Society: A New History” (2020) của Amity Shlaes.

Nhiệm kỳ của Johnson trong Phòng Bầu dục khiến nước Mỹ tức giận, chia rẽ và tan rã – yếu hơn ở trong nước và không được tôn trọng ở nước ngoài.

Chúng ta không nên cho rằng nó không thể xảy ra một lần nữa.

Chúng ta đang sống trong thời đại cạnh tranh quyền lực lớn, trong đó Nga và Trung Quốc ngày càng hung hăng. Chính sách đối ngoại không thể bị trì trệ trong môi trường này.

Tuy nhiên, khi nói đến việc giải quyết vấn đề với những đối thủ này, bản năng của Biden dường như bắt đầu với vị trí tối giản, thụ động nhất và ông thực hiện công việc từ vị thế đó. Vì vậy mà ông ta mắng mỏ Nga, nhưng ngay lập tức đưa ra đề nghị các cuộc đàm phán, và từ chối việc cử các tàu chiến của Mỹ vào Biển Đen. Ở Afghanistan, ông quyết định, chống lại lời khuyên của quân đội, rút ​​lui và hy vọng về điều tốt đẹp nhất.

Điều gì sẽ xảy ra nếu những chính sách kiểu thí nghiệm ​​này không hoạt động tốt hơn cách tiếp cận thể nghiệm ​​của Lyndon Johnson tại Việt Nam?

Không muốn bị coi là kẻ yếu đuối không thể chống đỡ trước một Trung Quốc, Nga, Iran và/hoặc Triều Tiên ngày càng hùng mạnh, tổng thống sẽ buộc phải thực hiện một hành động hơn một tí chút ở những nơi đó, để vặn vẹo cơ bắp khó hơn một chút nhằm khiến cho những kẻ xấu tuân theo ý mình.

Vấn đề của kiểu răn đe ẻo lả này là nó nhường quyền chủ động cho phía bên kia. Họ có thể quyết định tốc độ cạnh tranh. Họ có quyền lựa chọn nếu họ muốn làm cho Biden khó chịu, bằng cách gia tăng áp lực lên một chút nữa.

Trong khi đó, Biden lại phải hướng tới chạy đua một cách mù quáng với các chính sách trong nước ngày càng gây chia rẽ.

Sự bất hòa và bạo lực chính trị trong nước đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn, chứ không phải giảm bớt đi.

Giống như Johnson, Biden đang chứng tỏ thứ kỹ năng khiến người Mỹ xa cách nhau hơn là tập hợp họ lại với nhau, khiến quê hương của chúng ta trở thành một nơi hỗn loạn và không được chào đón hơn.

James Jay Carafano, Tiến sĩ, là phó chủ tịch của Viện Davis về An ninh Quốc gia và Chính sách Đối ngoại tại The Heritage Foundation.

(*) – Tại sao Johnson đưa Mỹ lún sâu vào Chiến tranh Việt Nam?; – Chính sách Đại xã hội (Great Society) là gì? Từ sáng kiến đến bước chuyển hướng sai lầm.  


Liên quan:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *