2476. Thư từ nước Mỹ: Có một thứ tiếng Anh đang ngày càng lạ lùng, đến mức chính người Mỹ cũng bối rối

SOHA

Tiến sỹ Terry F. Buss – Chuyển ngữ: Đào Thúy | 09/05/2021 19:480

Để theo đuổi tầm nhìn hoàn toàn trái ngược với phe đối lập, cả hai đảng đã “làm méo mó” tiếng Anh để khiến cho quan điểm của họ trở nên dễ chấp nhận hơn và có vẻ khả thi hơn.

“Ngôn ngữ chính trị được thiết kế để khiến những lời nói dối nghe như thật, những kẻ giết người trở nên đáng kính và thậm chí những cơn gió hư vô cũng trở nên có hình hài”.

George Orwell, Chính trị và Ngôn ngữ Anh, 1946.

Ngôn ngữ của tranh luận và truyền thông chính trị ở Mỹ vừa trượt thêm một nấc thụt lùi mới khi các chính trị gia của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà tìm mọi cách để thuyết phục cử tri rằng tầm nhìn của họ đưa ra là hoàn toàn phù hợp cho nước Mỹ. Đảng Dân chủ muốn đưa nước Mỹ đi theo mô hình xã hội không tưởng trong khi đảng Cộng hoà muốn bảo tồn các nguyên tắc, giá trị và chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ được xây dựng từ những ngày đầu lập quốc.

Để theo đuổi tầm nhìn hoàn toàn trái ngược với phe đối lập, cả hai đảng đã “làm méo mó” tiếng Anh để khiến cho quan điểm của họ trở nên dễ chấp nhận hơn và có vẻ khả thi hơn.

Kể từ tháng 1 năm nay, hơi hướng của các chính sách được đúc kết lại bằng cái gọi là “ngôn ngữ tiếng Anh mới”, khiến chúng ta nhớ lại khái niệm “Tân Ngôn” (Newspeak) của George Orwell trong cuốn “1984”. Cả hai đảng đều đã vượt tầm kiểm soát.

Thư từ nước Mỹ: Có một thứ tiếng Anh đang ngày càng lạ lùng, đến mức chính người Mỹ cũng bối rối - Ảnh 1.

Cuộc bầu cử năm 2020 đã xảy ra tranh chấp gay gắt, dẫn đến thực tế là không bên nào thể hiện được năng lực điều hành. Lúc này, cả hai chính đảng vẫn đang cạnh tranh xem phe nào mới thống nhất được lòng dân, và nếu không làm được điều đó thì ít nhất cũng theo đuổi được một vài chính sách có sự đồng thuận của cả hai đảng.

Tuy nhiên, sự chia rẽ hiện thời giữa hai đảng lớn đến mức khái niệm “lưỡng đảng” đường như chỉ là một giấc mơ bất khả thi. Giải pháp của đảng Dân chủ: Thay vì tìm kiếm sự thoả hiệp và đồng thuận để có được sự ủng hộ của các nghị sỹ Cộng hoà cho các mục tiêu của mình, phe Dân chủ quay sang tranh thủ sự ủng hộ của một số cử tri Cộng hoà (thông qua các khảo sát thăm dò) – những người này không liên quan gì đến việc biểu quyết tại Quốc hội. Cứ miễn sao có một vài cử tri trả lời ủng hộ chính sách của phe đối lập thì họ sẽ nghiễm nhiên coi như đã đạt được sự đồng thuận lưỡng đảng.

Và rồi, phe Dân chủ ra tuyên bố rằng họ có “bổ phận điều hành trên cơ sở lưỡng đảng” không cần thiết phải có sự tham gia của bất kỳ thành viên nào của phe Cộng hoà.

Thư từ nước Mỹ: Có một thứ tiếng Anh đang ngày càng lạ lùng, đến mức chính người Mỹ cũng bối rối - Ảnh 2.

Cán cân quyền lực tại Toà án tối cao hiện giờ đang được phân chia với 6 thẩm phán nghiêng về phe Cộng hoà và 3 thẩm phán nghiêng về phe Dân chủ. Đảng Dân chủ muốn giành lại quyền kiểm soát Tòa án để họ có thể thực hiện chương trình nghị sự chuyển đổi toàn diện của mình mà không vấp phải sự can thiệp của pháp luật. Giải pháp của họ: Bổ sung thêm bốn thẩm phán nữa để mang lại đa số cho đảng Dân chủ tại Toà án Tối cao.

Việc bổ sung các thẩm phán để đạt được đa số là việc chưa từng bao giờ xảy ra kể từ những năm 1860. Ngoại lệ duy nhất là một nỗ lực không thành vào năm 1936, do Tổng thống Franklin Roosevelt, người thất bại trong cuộc đua tái tranh cử, thực hiện. Tuy nhiên, rắp tâm đó chỉ mang lại cho ông một nỗi ô nhục và thù hận. Việc bổ sung thêm các thẩm phán vào Toà án tối cao được các chính trị gia đặt cho cái tên là “Lấp đầy toà án” (court packing).

Ban đầu, các đảng viên Đảng Dân chủ cũng bị chỉ trích nặng nề khi họ đề cập ý định “Lấp đầy toà án”. Vì vậy, họ xoay chiều đổi gió bằng cách chuyển thành khái niệm “mở rộng tòa án”. Cùng lúc đó, họ cáo buộc chính đảng Cộng hòa mới đang lấp đầy tòa án khi bổ nhiệm các thẩm phán mới để thế chân cho các thẩm phán đã qua đời hoặc đã nghỉ hưu. Cáo buộc đó không mang lại cho họ hiệu quả mong muốn, vì vậy đảng Dân chủ lại đưa ra một khái niệm mới, đặt tên cho nỗ lực mở rộng toà án của mình là “mở giới hạn” tòa án bằng cách bổ sung thêm thẩm phán. Như vậy, nếu quy gọn lại bằng các định nghĩa mới của phe Dân chủ thì bây giờ nếu nói “lấp đầy toà án” (pack) có nghĩa là giữ nguyên số lượng thẩm phán tại toà tối cao ở con số 9 như bao năm nay, còn nếu nói “mở giới hạn toà án” (unpack) có nghĩa là tăng số lượng thẩm phán lên 13.

Thư từ nước Mỹ: Có một thứ tiếng Anh đang ngày càng lạ lùng, đến mức chính người Mỹ cũng bối rối - Ảnh 3.

Nhập cư đã là một vấn đề chính sách đặt ra cho cả hai chính đảng kể từ sau Thế chiến thứ hai. Trong những năm đầu sau khi cuộc chiến vừa kết thúc, người nhập cư được gọi là “người nước ngoài cư trú bất hợp pháp” (illegal aliens) vì họ cư trú tại Mỹ bất hợp pháp và họ là người nước ngoài. Theo thời gian, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã đổi chỗ cho nhau trong lập trường chính sách: hiện thời lúc này, đảng Dân chủ ủng hộ nhập cư bất hợp pháp trong khi Đảng Cộng hòa phản đối.

Các nhà phê bình cho rằng đảng Dân chủ muốn mở rộng nhập cư vì họ nhìn thấy cơ hội gia tăng số lượng cử tri cho đảng của mình trong tương lai và họ muốn thay đổi cơ cấu nhân khẩu học của nước Mỹ từ tỷ lệ người da trắng, người châu Âu chiếm đa số sang người da đen và người Latinh.

Vì vậy, để tránh làm tổn thương đến những người nhập cư mới và để họ được tôn trọng hơn, đảng Dân chủ yêu cầu thay đổi tên khái niệm trong các văn bản chính thức – thay thuật ngữ “người nước ngoài cư trú bất hợp pháp” (illegal aliens) thành “những người không có giấy tờ” (undocumented people). Điều này thực hiện được vài năm thì có các ý kiến chỉ trích cho rằng khi nói không có giấy tờ là ngụ ý rằng những người này đã chủ động vứt bỏ giấy tờ của họ đi để được nhập cảnh vào Mỹ.

Thế là đảng Dân chủ lại quay về trạng thái cũ, gọi những người này là “di dân” (migrants) hoặc “người nhập cư” (immigrants), và cách gọi mới nhất được họ ưa dùng là “những người không phải công dân” (non-citizens). Chính quyền liên bang, báo chí truyền thông, các hãng thông tấn đều bắt buộc phải sử dụng ngôn ngữ này.

Mục đích của ngôn ngữ này là ủng hộ cho ý tưởng nước Mỹ đang duy trì “biên giới mở”, chào đón tất cả những ai muốn đến đó. Và rằng tất cả mọi người đều có quyền di cư đến bất cứ nơi nào mà không bị cản trở.

Thư từ nước Mỹ: Có một thứ tiếng Anh đang ngày càng lạ lùng, đến mức chính người Mỹ cũng bối rối - Ảnh 4.

Có một điều không thể chối cãi là, việc tuyên bố rằng nước Mỹ đang duy trì “biên giới mở” đã dẫn đến số lượng kỷ lục người nước ngoài bất hợp pháp tràn qua biên giới. Chỉ tính riêng mấy tháng đầu năm 2021 đã có gần 500.000 người đến Mỹ qua biên giới phía Nam.

Lực lượng tuần tra biên giới trở tay không kịp trước số lượng trẻ vị thành niên không có người đi kèm, các gia đình và hàng loạt những kẻ buôn lậu ma túy, buôn bán tình dục, buôn lậu vũ khí và buôn người.

Tất nhiên, không đời nào chính quyền Mỹ lại thừa nhận đã tạo ra một “cuộc khủng hoảng” vì đã đảo ngược các chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump, một chính sách đã làm giảm đáng kể lượng người vượt biên bất hợp pháp. Vì vậy, các quan chức chính quyền gọi “cuộc khủng hoảng tại biên giới” là “một tình huống” (a situation) và tiếp đó đổi thành “một thách thức” (a challenge) tại biên giới.

Thư từ nước Mỹ: Có một thứ tiếng Anh đang ngày càng lạ lùng, đến mức chính người Mỹ cũng bối rối - Ảnh 5.

Trong một lần phát biểu trước báo giới, người đứng đầu chính phủ đã vô tình gọi “tình huống” thành “khủng hoảng”, khiến các tờ báo cánh tả phải ra sức xử lý truyền thông và cải chính rằng tuyên bố đó chỉ là lỡ miệng.

Thư từ nước Mỹ: Có một thứ tiếng Anh đang ngày càng lạ lùng, đến mức chính người Mỹ cũng bối rối - Ảnh 6.

Sau vụ cảnh sát “sát hại” George Floyd – một người đàn ông Da đen – ở Minneapolis vào tháng 5 năm 2020, các cuộc biểu tình bạo lực bùng nổ trên các đường phố khắp nước Mỹ với với sự tham gia của hàng nghìn thanh niên trong cơn giận dữ. Những người biểu tình — bao gồm cả “những người theo chủ nghĩa vô chính phủ” — muốn chấm dứt những gì họ coi là bạo lực phi lý mà cảnh sát gây ra cho người da đen vô tội. Họ kêu gọi các thành phố “giải thể các sở cảnh sát”. Các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục cho đến ngày nay ở một số thành phố.

Các cuộc biểu tình này được các phương tiện truyền thông tuyên truyền là diễn ra một cách “hòa bình” trong khi các sự kiện được chiếu trên truyền hình và qua các video trên điện thoại di động cho thấy một tình trạng “bạo loạn toàn diện”. Và khi các cuộc biểu tình biến thành “bạo loạn” thì truyền thông thay đổi ngôn ngữ tuyên truyền: “bạo loạn” (riots) được đưa tin thành “các cuộc bùng phát nhỏ” (small outbreaks) gây ảnh hưởng đến các khu dân cư thưa thớt.

Khi các cuộc bạo động ngày càng lớn hơn, báo chí đưa tin rằng “việc đốt phá” các khu dân cư và các cơ sở kinh doanh trên diện rộng, thường ở các khu dân cư của người da đen, không phải là hành vi “bạo lực” (violence).

Thư từ nước Mỹ: Có một thứ tiếng Anh đang ngày càng lạ lùng, đến mức chính người Mỹ cũng bối rối - Ảnh 7.

Thay vào đó, báo chí gọi “việc đốt phá” là “tội ác không có nạn nhân” bởi hậu quả đã có các công ty bảo hiểm đền bù. Một số kênh báo chí khác thì biện minh cho hành vi “đốt phá” tài sản rằng các chủ doanh nghiệp không xứng đáng được sở hữu doanh nghiệp của họ. Và rằng hành vi “cướp bóc” là “sự đền bù” cho những tội ác chống lại cộng đồng người da đen trong quá khứ, bất chấp thực tế là nhiều cơ sở kinh doanh bị đốt phá là tài sản của chính người da đen.

Những người biểu tình đang tuyên bố rằng người nào không ủng hộ hành vi của họ mới chính là những kẻ bạo lực, rằng “im lặng là bạo lực”. Thông điệp của những người này là: “Ủng hộ hoặc sẽ bị đốt phá”.

Người lãnh đạo của nước Mỹ, với sự đồng cảm dành cho những kẻ vô chính phủ đang làm loạn trên đường phố đã khẳng định “Tình trạng vô chính phủ” chỉ là “một ý tưởng”. Rằng những kẻ vô chính phủ không hề tồn tại.

Thư từ nước Mỹ: Có một thứ tiếng Anh đang ngày càng lạ lùng, đến mức chính người Mỹ cũng bối rối - Ảnh 8.
Thư từ nước Mỹ: Có một thứ tiếng Anh đang ngày càng lạ lùng, đến mức chính người Mỹ cũng bối rối - Ảnh 9.

Trong hệ thống chính trị của Mỹ, cả đảng Dân chủ và Cộng hoà đều có thể thông qua các dự luật cấp vốn cho “cơ sở hạ tầng” (Infrastrucurture), bao gồm xây dựng và bảo trì cầu phà, đường xá, cảng biển, hệ thống cấp thoát nước, thậm chí cả hệ thống băng thông rộng. Trong khi đó, việc cấp vốn cho các chương trình “phúc lợi xã hội”, bao gồm dịch vụ trông trẻ, cha mẹ nghỉ phép khi sinh con, chăm sóc y tế cho người cao tuổi… lại là một quy trình phức tạp, khó khăn hơn. Giải pháp của đảng Dân chủ: Ghép Hạ tầng và Phúc lợi vào cùng một dự luật. Tuy nhiên, chiêu trò này ngay lập tức bị lật tẩy. Thế là họ cho ra đời một thuật ngữ mới – gọi đó là các chương trình “cơ sở hạ tầng con người”.

Lý lẽ của đảng Dân chủ để thuyết phục cử tri là: việc cung cấp dịch vụ giữ trẻ trong giờ hành chính cũng giống như việc xây dựng một cây cầu. Do đó, dự luật được gọi tên là Dự luật Cơ sở Hạ tầng. Cho đến thời điểm này, lý lẽ này chưa thuyết phục được nhiều người.

Thư từ nước Mỹ: Có một thứ tiếng Anh đang ngày càng lạ lùng, đến mức chính người Mỹ cũng bối rối - Ảnh 10.

Rõ ràng, nếu việc lạm dụng ngôn ngữ vẫn tiếp diễn thì hậu quả sẽ là những tổn hại không thể khắc phục được đối với nền dân chủ. Khi rất ít người có thể hiểu được ý nghĩa của ngôn ngữ Anh thông thường theo cách không thông thường như thế này thì những trò lừa bịp chính trị sẽ ngày càng tràn lan. Các công dân Mỹ có thể sẽ bỏ lá phiếu của mình với niềm tin rằng các con đường sẽ được sửa chữa và sân bay sẽ được nâng cấp, nhưng rốt cuộc lại thành những lá phiếu để thông qua chính sách miễn học phí.

Nền dân chủ phải được xây dựng trên nền tảng của sự tin tưởng, không phải là sự dối trá và lừa lọc.


Cùng tác giả:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *