2701. Kabul, Sài Gòn và Iran – tất cả đều cùng là cuộc khủng hoảng con tin của Mỹ

Các sự kiện hiện tại ở Afghanistan gợi nhớ một cách kỳ lạ đến một số sai lầm chiến lược tồi tệ nhất của những năm 1970

ASIA TIMES by BRANDON J WEICHERTAUGUST 15, 2021

(Brandon J Weichert là tác giả của cuốn Winning Space: How America Remains a Superpower. Ông là một nhà phân tích địa chính trị, người quản trị trang Weichert Report: World News Done Right. Các bài viết của ông xuất hiện thường xuyên trên The Washington Times và Real Clear Politics. Weichert là cựu nhân viên Quốc hội Hoa Kỳ, có bằng Thạc sĩ về các vấn đề an ninh quốc gia và nghệ thuật quản lý nhà nước tại Viện Chính trị Thế giới ở Washington, DC, và là thành viên liên kết của trường New College, Đại học Oxford.)

Ba Sàm lược dịch

Sau khi tuyên bố rút quân đột ngột và gần như hoàn toàn của Mỹ khỏi Afghanistan, Tổng thống Joe Biden đang phải điều thêm 5.000 quân vào Kabul để củng cố cho sân bay quốc tế Hamid Karzai. Điều này đang được thực hiện để đảm bảo rằng người Mỹ có thể sơ tán hầu hết các nhân viên Bộ Ngoại giao khỏi tòa đại sứ lớn ở thủ đô đông đúc của Afghanistan.

Trong khi đó, tình báo Mỹ đã thay đổi đánh giá ban đầu về tiến trình cuộc tấn công của Taliban vào Kabul: trong khi giả định ban đầu là Taliban sẽ chỉ tiến đến được ngoại ô Kabul trong vòng 90 ngày tới, thì hiện tại quân đội tin rằng lực lượng này sẽ chỉ mất khoảng 30 ngày.

Khi điều đó xảy ra, những người Mỹ trong khuôn viên tòa đại sứ hỗn độn ngổn ngang đang trong quá trình đốt các tài liệu nhạy cảm và sẵn sàng cho một lối thoát nhanh chóng và linh hoạt – của cùng một kiểu đã từng được xác định ở hầu hết các trải nghiệm của Mỹ trong thế giới các quốc gia đang phát triển, kể từ những năm 1970 (Việt Nam, Iran, Syria và Libya chẳng hạn).

Tuy nhiên, hoàn toàn không rõ ý định của chính quyền Biden vì diễn biến này liên quan đến số phận của tòa đại sứ ở Kabul. Liệu các lực lượng quân sự của Mỹ đang được triển khai để đảm bảo các lối đi an toàn giữa tòa đại sứ và sân bay có thể ở đó đủ lâu để sơ tán nhân viên khỏi tòa đại sứ, hay sẽ phải cần thêm quân tiếp viện, khi quân Taliban tiến gần hơn, nhan hơn tới thành phố?

Bắt đầu từ năm 2010, tổng thống Barack Obama khi đó đã giám sát việc hoàn thành Tòa đại sứ Hoa Kỳ trị giá 773,9 triệu đô la tại Kabul (bạn hãy đọc đúng con số đó). Đây là một trong những tòa đại sứ Mỹ lớn nhất trên thế giới.

Khi Obama cho phép tài trợ cho dự án, mọi người vào thời điểm đó giải thích rằng đó là một tín hiệu cho thấy Hoa Kỳ có kế hoạch ở lại Afghanistan – hoặc ít nhất là Kabul – vô thời hạn. Người ta có thể đặt cược rằng chính phủ Afghanistan và quân đội của họ cho rằng người Mỹ định ở lại thật.

Nhưng chính trị ở Washington đã thay đổi. Giờ đây, chính quyền Biden muốn ra tay bằng bất cứ giá nào – ngay cả khi những thông tin trên thực địa không dẫn đến một tình huống kiệt lực nhanh chóng của Mỹ. Tuy nhiên, Biden đã đưa ra lựa chọn của mình và ông ấy sẽ không bị thuyết phục để thay đổi. Kết quả là, Taliban đang nổi lên khắp đất nước và sẽ đến Kabul trong thời gian ngắn – và bất kỳ người Mỹ nào còn lại trong thành phố bị tắc nghẽn đó sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Những sự kiện này ở Afghanistan đều gợi nhớ một cách kỳ lạ về một số sai lầm chiến lược tồi tệ nhất trong những năm 1970. Nó gợi nhớ một cuộc chạy đua gay gắt để đưa các nhân viên tòa đại sứ bị bao vây ra khỏi nơi đồn trú cuối cùng của người Mỹ ở Việt Nam, trong khi đất nước đó đang trên bờ vực của một cuộc tiếp quản thù địch. Nhưng đây không phải là khoảnh khắc đáng tiếc duy nhất mà chúng ta sẵn sàng hồi tưởng lại về siêu cường Mỹ đang rút lui.

Giả sử quân đội Hoa Kỳ không thể di chuyển số lượng lớn nhân viên tòa đại sứ và gia đình của họ đến sân bay một cách an toàn thì sao? Hoặc, điều gì sẽ xảy ra nếu Taliban đến đủ gần Sân bay Quốc tế Hamid Karzai, để chúng có thể sử dụng vũ khí hạng nặng phá hủy đường băng, khiến việc sơ tán nhân viên Mỹ trong trật tự, an toàn là không thể?

Đây là những gì đã xảy ra vào cuối cuộc rút quân của Mỹ khỏi Sài Gòn, đó là lý do tại sao Hoa Kỳ buộc phải dựa vào đội trực thăng của mình để thực hiện công việc mà phi cơ không còn có thể làm được. Và không giống như Việt Nam, Afghanistan là một quốc gia không giáp biển với tình trạng không rõ ràng của các tuyến đường không dẫn ra các đại dương xa xôi, nơi sức mạnh của Mỹ đang hiện hữu nhất.

Chính quyền Biden đã bị báo chí trừng phạt vì rõ ràng ông đã cầu xin Taliban để được rời khỏi cái tòa đại sứ kềnh càng của Mỹ mà không bị cản trở khi họ tiến về thủ đô. Rõ ràng, có lo ngại rằng giải pháp quân sự cuối cùng của Biden để cứu tòa đại sứ có thể không đủ cho nhiệm vụ hiện tại.

Và nếu nỗ lực này thất bại, người ta có thể dự đoán tình hình sẽ được lặp lại từ một Sài Gòn biến thành một cảnh tái diễn ghê sợ của cuộc khủng hoảng con tin Iran năm 1979, khi các nhân viên tòa đại sứ Mỹ bị bắt làm con tin, trong một cuộc thay đổi chế độ hỗn loạn ở Iran, từ một chế độ quân chủ thân Mỹ sang một nhà nước Hồi giáo chống Mỹ hoàn toàn. Giờ đây, chính phủ thân Mỹ ở Kabul sắp bị thay thế bởi một nhà nước Hồi giáo chống Mỹ do Taliban lãnh đạo.

Liệu lịch sử có lặp lại ở Kabul một khi Taliban chiếm thành phố? Chúng ta có sẵn sàng cho một cuộc khủng hoảng con tin khác hay không?

Tất nhiên, toàn bộ tình huống này có thể tránh được nếu Tổng thống Biden chỉ đơn giản tuân theo các điều kiện của thỏa thuận Doha mà người tiền nhiệm Donald Trump đã mưu mẹo (craft) ràng buộc với Taliban. Trong khuôn khổ cuộc rút quân của người Mỹ khỏi Afghanistan, Taliban đã đồng ý làm việc với chính phủ Afghanistan do Mỹ dựng nên, thay vì gây chiến với chính phủ này sau khi người Mỹ rời đi.

Vào thời điểm mà lệnh rút quân của Tổng thống Biden được thông qua,  là lần thứ hai  với hầu hết các lực lượng Hoa Kỳ đã rời khỏi Afghanistan, Taliban bắt đầu ám sát các nhà lãnh đạo Afghanistan và tiến quân về phía Kabul.

Sự tín nhiệm của Hoa Kỳ đang gặp rủi ro nghiêm trọng. Chúng ta đang trên bờ vực của một màn bất lực kinh hoàng khác của người Mỹ. Tuy nhiên, điều này có thể đảo ngược, nếu Biden thay đổi quyết định rút lực lượng Mỹ và tiến hành một cuộc phản công tàn khốc nhằm vào các chiến binh Taliban hiện đã tập trung đông đảo trên chiến trường.

Một khi Taliban bị cắt giảm về quy mô, thì người Mỹ có thể thực hiện rút quân theo từng giai đoạn và có trật tự khỏi đất nước, trong khi đảm bảo rằng các đồng minh của họ có cơ hội sống sót một cách phải chăng. Nếu không, những diễn mạo tồi tệ nhất của những năm 1970 sẽ được tái hiện ở Afghanistan, với các cuộc sơ tán cẩu thả và cuộc khủng hoảng con tin tại tòa đại sứ.

Thế giới đang theo dõi. Khu vực này đang cháy bỏng. Biden đang thất bại. Nước Mỹ dễ bị tổn thương.

Do đó, những khẳng định của Trung Quốc rằng Mỹ là con bệnh đang hấp hối dường như phù hợp với nhiều nhà quan sát bên ngoài bầu không khí đang sôi sục ở Washington.


Liên quan:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *