2724. Chuyến đi châu Á của Kamala Harris không thể khắc phục được Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang gặp khó khăn của Biden

Phó TT Hoa Kỳ Kamala Harris phát biểu trong cuộc họp báo chung với TT Singapore Lý Hiển Long tại Singapore, ngày 8 tháng 8.

Thiếu coi trọng cho một tầm nhìn đối với khu vực, chính quyền đang nhắm đến mục tiêu thấp hơn.

FOREIGN POLICY by Susannah Patton – AUGUST 24, 2021

(Tác giả: Susannah Patton, thành viên nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ của Đại học Sydney, và Ashley Townshend, giám đốc Chương trình Quốc phòng và Chính sách Đối ngoại tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ của Đại học Sydney.)

Ba Sàm lược dịch

Khi Nhà Trắng thông báo rằng Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris sẽ thăm Singapore và Việt Nam vào tháng 8, những người theo dõi tình hình châu Á đã phải vò đầu bứt tai.

Chắc chắn, Washington có cơ sở để phát triển ở Đông Nam Á. Nhưng trong số 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, tại sao lại quay trở lại thăm có hai thôi trong số các quốc gia mà Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã đến thăm vào tháng Bảy?

Câu trả lời rất đơn giản: Chính quyền Biden đang đi nước cờ an toàn.

Điều này không chỉ để giữ cho mọi thứ dễ dàng đối với Harris, người có tương đối ít kinh nghiệm về chính sách đối ngoại. Chính quyền đang đặt mục tiêu thấp vì những điểm yếu cơ bản trong cách tiếp cận châu Á, như chúng tôi đã lập luận trong một báo cáo sắp tới của Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ.

Đối với tất cả những lời hùng biện của chính quyền về cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, nó vẫn chưa đưa ra được một chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nghiêm túc — hay là yếu tố quan trọng nhất của nó, là một chiến lược kinh tế hiệu quả cho khu vực. Nếu Harris đến thăm các quốc gia khác ngoài hai điểm dừng thân thiện với Hoa Kỳ do Austin chuẩn bị, thì Washington sẽ phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo có được một sự chào đón nồng nhiệt.

Singapore và Việt Nam là những lựa chọn an toàn cho chuyến thăm của một phó tổng thống thiếu kinh nghiệm trong một khu vực tiềm ẩn nhiều cạm bẫy và thách thức.

Singapore là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á cho phép Hoa Kỳ tiếp cận quân sự đáng tin cậy. Các nhà lãnh đạo của nó là những nhà chiến lược khôn khéo nhất trong khu vực, việc công nhận sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ là cần thiết để duy trì quyền tự chủ chiến lược của riêng họ và sự cân bằng rộng lớn hơn trong khu vực. Điều này khiến Singapore háo hức làm những gì có thể để đóng vai trò câu móc (enmesh) được Hoa Kỳ vào trong khu vực.

Kể từ cuộc bầu cử năm 2016 của Tổng thống Rodrigo Duterte ở Philippines, khiến liên minh truyền thống Mỹ-Philippines rơi vào tình thế khó khăn, Việt Nam là quốc gia trong khu vực sẵn sàng công khai thách thức Trung Quốc nhất. Ở Biển Đông, Hà Nội coi Washington là một phần thiết yếu của cán cân chiến lược và nỗ lực nhằm răn đe Bắc Kinh. Trong khi mối quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn còn hạn chế và Chiến tranh Việt Nam vẫn còn phủ bóng dài lên quan hệ hai nước, thì sự ngờ vực sâu sắc của Hà Nội đối với Bắc Kinh tạo ra cơ sở mạnh mẽ cho việc mở rộng hơn nữa quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam.

Ở cả Singapore và Việt Nam, giới tinh hoa chiến lược có chung một tiếng nói về Trung Quốc, có tác động tới những người đối thoại Mỹ của họ. Cả hai quốc gia đều coi sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực là quan trọng đối với an ninh tương lai của họ. Ở cả hai quốc gia, dư luận không có nhiều ràng buộc về chủ đề này. Tất cả những điều đó có nghĩa là Harris đang gõ vào những cánh cửa rộng mở.

Ngay cả khi Hoa Kỳ không đạt được tất cả những gì họ muốn về quan hệ quốc phòng được tăng cường, thì bầu không khí trong cả hai chuyến thăm chắc chắn được kỳ vọng là ấm áp và tích cực.

Đây không phải là điều chắc chắn có được tại những nơi khác ở Đông Nam Á. Austin đã có một kết quả tốt ở Manila, nơi ông ta có được sự đảm bảo duy trì Thỏa thuận các Lực lượng Thăm viếng, cho phép quân đội Hoa Kỳ vận hành các căn cứ ở Philippines. Tuy nhiên, những tiến bộ hơn nữa, chẳng hạn như thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao năm 2014, sẽ mở rộng dấu chân của quân đội Mỹ ở Philippines và tăng cường khả năng tương tác giữa cả hai lực lượng vũ trang, là điều khó có thể xảy ra dưới thời Duterte.

Các ứng cử viên rõ ràng khác cho chuyến thăm của Harris, như Indonesia và Thái Lan, sẽ có nhiều thách thức hơn.

Việc Thái Lan miễn cưỡng cung cấp sự hỗ trợ cho các mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc có nghĩa là chính quyền Biden có thể trông đợi rất ít từ Bangkok, bất chấp việc nước này được chính thức chỉ định là “đồng minh chính ngoài NATO”.

Và Indonesia, mặc dù có trọng lượng và vai trò chiến lược tiềm tàng trong khu vực, song nước này vẫn tập trung vào vấn đề đối nội, giao dịch thương mại, trong khi tỏ ra thận trọng trước những động thái thách thức công khai Trung Quốc. Bất kỳ tiến bộ nào trong các quan hệ an ninh ngày càng gia tăng, sẽ không có khả năng tạo ra những thành quả đầy tham vọng cho chuyến thăm của phó tổng thống.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ không thể đạt được mục tiêu duy trì sự cân bằng quyền lực thuận lợi ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương nếu không can dự sâu hơn vào tất cả các nước Đông Nam Á, không chỉ ở một số thủ đô thân thiện với Hoa Kỳ. Quy mô và vai trò địa chiến lược của Đông Nam Á — và tính linh hoạt trong các quyết định liên kết của các quốc gia — khiến nó trở thành khu vực mà sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc diễn ra gay gắt nhất.

Những thuộc cấp phụ trách Á châu của Biden dường như hiểu được điều này. Điều phối viên Ấn Độ – Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell đã công khai thừa nhận rằng Hoa Kỳ phải làm nhiều hơn nữa ở Đông Nam Á. Bắt đầu với chuyến thăm của Austin, Washington đã tăng cường đáng kể các mối liên hệ chính thức với các thủ đô quan trọng của khu vực.

Mặc dù vậy, có những dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy chính quyền Biden đánh giá thấp hơn tính cấp thiết và phạm vi của những gì cần thiết để hạn chế hiệu quả ảnh hưởng đang gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc trong khu vực.

Trong khi Biden xác định cạnh tranh với Trung Quốc và Nga là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, thì trọng tâm chính của ông lại là củng cố quyền lực của Hoa Kỳ tại quê nhà, bằng các sáng kiến ​​kinh tế và công nghệ trong nước. Trên bình diện quốc tế, ông tập trung vào việc xây dựng liên minh toàn cầu rộng lớn hơn, đặc biệt là với các đồng minh dân chủ truyền thống ở châu Âu.

Cách tiếp cận đó có nghĩa là chính quyền đang bỏ qua các vấn đề cấp bách ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Về quốc phòng, họ đã cắt giảm kinh phí cho hoạt động răn đe ngắn hạn để đối phó với Trung Quốc như một mối đe dọa trong tương lai, thay vì chuẩn bị lâu dài.

Về kinh tế, nước này dường như không quan tâm đến việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiệp định thương mại tự do do 11 quốc gia tạo ra sau khi Hoa Kỳ rút khỏi các cuộc đàm phán thương mại khu vực.

Thay vào đó, chính quyền Biden ủng hộ các sáng kiến ​​tài trợ cơ sở hạ tầng có thể ít gây tranh cãi hơn trong công chúng Mỹ, so với thương mại, nhưng sẽ mất nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ mới thấy rõ hiệu quả. Trong khi đó, Đông Nam Á ngày càng bị kéo sâu hơn vào phạm vi ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc.

Nếu không có một chiến lược kinh tế cho khu vực, ảnh hưởng của Washington có nguy cơ bị suy giảm thêm. Việc cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama xoay trục sang châu Á, trong đó Đông Nam Á sẽ là người hưởng lợi chính, được thúc đẩy bởi sự hiểu biết rằng Hoa Kỳ sẽ được hưởng lợi từ việc hội nhập sâu hơn với các nền kinh tế đang phát triển ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Niềm tin này đã khiến chính quyền Obama đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, hiệp định tiền thân của CPTPP. Mặc dù trục xoay không thực hiện được, nhưng đó là cách tiếp cận đúng đắn. Nhưng nhóm của Biden thậm chí không cố gắng quay trở lại một trong những thành phần chính của trục: chiến lược kinh tế khu vực để cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trong một khu vực có xu hướng coi trọng hợp tác kinh tế hơn quan hệ an ninh, việc không có một chương trình nghị sự thịnh vượng chung khiến Washington khó tiếp cận Đông Nam Á theo cách tích cực — và không chỉ là động lực của cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Sau khi từ bỏ một thỏa thuận thương mại như một ưu tiên, chính quyền Biden đã hạ thấp tham vọng của mình và thay vào đó đang xem xét một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số. Nó cũng đã đề nghị tổ chức cuộc họp thường niên mang tên Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2023. Ở Đông Nam Á, những sáng kiến ​​này sẽ được nhìn nhận về những gì chúng đang có: một sự thay thế yếu ớt cho một cách tiếp cận toàn diện đối với hợp tác kinh tế, đặc biệt quan trọng khi khu vực đang tìm kiếm để phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Chính quyền Biden cũng cần thuyết phục khu vực rằng, chương trình nghị sự về dân chủ toàn cầu của họ sẽ không cản trở chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của họ. Thuyết phục Việt Nam và Singapore tương đối dễ dàng. Mặc dù cả hai đều là các quốc gia độc tài, nhưng cả hai đều không để cho cách tiếp cận tư tưởng của Biden cản trở các mối quan hệ chặt chẽ hơn. Họ đã đầu tư quá sâu vào sự hiện diện an ninh khu vực mạnh mẽ của Hoa Kỳ.

Nhưng Singapore và Việt Nam là ngoại lệ, không phải là thường lệ, ở Đông Nam Á. Các quốc gia khác vẫn thận trọng và sẽ cần phải được thuyết phục nhiều hơn.

Ngay cả khi chuyến thăm của Harris có tạo ra thiện chí và tăng động lực, Washington cũng không nên quá mãn nguyện từ chuyến đi này. Nếu không có một chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương toàn diện – với trọng tâm mạnh mẽ và khẩn cấp đặt vào các vấn đề kinh tế và Đông Nam Á – thì việc cạnh tranh với Trung Quốc ở phần còn lại của khu vực sẽ khó khăn hơn nhiều.


Liên quan:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *