309. Tranh cãi về vinh danh vai trò, công trạng sáng lập chữ quốc ngữ và ‘công đoàn độc lập’ ở Việt Nam

ĐÔI LỜI: Tranh cãi nổ ra quanh việc đặt tên đường Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina ở Đà Nẵng, chung quy vụ này có 3 vấn đề cần đề cập: 1- Pháp lý; 2- Chính trị-Lịch sử-Tôn giáo; 3- Học thuật.

1. Pháp lý: trong 4 diễn giả thì chỉ có TS Nguyễn Xuân Diện có nêu một chút, nhưng thiếu chính xác (như Hội đồng tư vấn ra “quyết định cuối cùng” cho việc đặt tên đường). Hay Nhà báo Tường An gợi ý “trưng cầu dân ý“, lại không thực tế về pháp lý.

Từ hơn 14 năm trước, Nghị định 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ quy định “Về việc ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng”.

Có mấy điểm đáng chú ý: + Phải lập “Hội đồng tư vấn về đặt tên …” để giúp Ủy ban Nhân dân; lấy ý kiến cơ quan chuyên môn, các tổ chức; công bố công khai lấy ý kiến nhân dân (với đô thị đặc biệt phải lấy ý kiến Bộ VHTT).  + Trình Hội đồng nhân dân xem xét, ra Nghị quyết.

 Điều 10 lại quy định thêm: “những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng”.

Tuy nhiên nội dung này quá mơ hồ, không rõ “ý kiến đánh giá khác nhau” là ở mức độ nào, “khác” kiểu gì …; hay “chưa xem xét” thì đó là từ Hội đồng tư vấn hay Ủy ban nhân dân, hay Hội đồng nhân dân? …

Cho nên, việc Đà Nẵng “tạm dừng đặt tên …” mà chưa đưa ra biểu quyết trong kỳ họp Hội đồng nhân dân sắp tới có vẻ như đã khá tùy tiện trong việc tận dụng điểm mơ hồ kia trong Nghị định. Hầu như mới chỉ có một kiến nghị ở địa phương khác mà đã “chặn trước” Hội đồng nhân dân như vậy là coi nhẹ quyền lực của cơ quan “dân cử” này.

Về lâu dài cần sửa cái Nghị định đã mốc meo kia.

2. Chính trị-Lịch sử-Tôn giáo: phải đặt một tổ hợp 3 lĩnh vực làm một như vậy là có lý do.

Trong nội dung Bàn tròn, TS Nguyễn Xuân Diện có gợi ý rằng “đằng sau” câu chuyện này là gì. Người dẫn chương trình cũng 2 lần nhắc lại, đề nghị các diễn giả cho ý kiến, nhưng không có ai trả lời thẳng vào vấn đề.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến của Nhà báo Tường An lo ngại những tranh cãi đã dẫn đến bùng phát “vấn đề liên quan … kỳ thị tôn giáo“. Hay TS Nguyễn Xuân Diện đề cập tới nội dung sai lầm trong cuốn lịch sử Việt Nam về Alexandre de Rhodes. Đặc biệt Nhà thơ Hoàng Hưng kể một số sự việc liên quan thái độ của giới chính trị về lịch sử quanh nhân vật Alexandre de Rhodes, và đề cập chút ít đến khía cạnh “định kiến chính trị tôn giáo“, như cho là vị giáo sĩ có “nhận xét không tốt về Việt Nam, về Phật giáo“, hay chuyện đặt tên đường có những nhân vật “không ai biết“. Từ đó ta có thể phỏng đoán để tự trả lời phần nào cho câu hỏi “đằng sau” câu chuyện là cái gì.

Trước hết phải nói rằng không thể lẩn tránh tính chất đặc thù của xã hội Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, là chính trị Cộng sản kiểm tỏa mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có lịch sử và tôn giáo. Từ đó, cách nhìn về nhiều vấn đề/nhân vật/sự kiện lịch sử đã bị “lái” theo hướng “phục vụ chính trị”, đặc biệt trong giai đoạn chiến tranh.

Những gì dính dáng đến đế quốc thực dân, thậm chí cả phương Tây, thường bị xoi mói, hạ thấp giá trị, diễn giải méo mó …

Hòa bình rồi, phong cách đó vẫn dai dẳng tiếp tục; những người hưởng lợi từ đó một thời, nay vẫn cố níu kéo, cản trở xu hướng phát triển xã hội. Chắc chắn họ chiếm số đông trong 12 vị gửi bản kiến nghị (rồi hóa  ra là 11, mà đều “không có chữ ký của người có tên trong danh sách“).

Về tôn giáo: chỉ lướt qua mấy video của Thượng tọa Thích Nhật Từ, được thực hiện công phu, chiếm thời lượng nhiều giờ đồng hồ, trên Youtube, ngay sau khi nổ ra vụ việc, là có thể “ngửi” thấy mùi khét lẹt của kèn cựa ảnh hưởng tôn giáo. Đặc biệt lối kèn cựa khá là gần với phong cách của giới chính trị đã nói ở trên. Đó là chưa kể tới rất nhiều bài viết từ các trang mạng Phật giáo.

Và không thể không lưu ý tới những “ưu ái” khác thường với Phật giáo trong nhiều năm qua. Không thể không thừa nhận rằng Thiên chúa giáo có một tổ chức chặt chẽ, chịu ảnh hưởng của văn minh phương Tây, chính quyền quá khó để len lỏi vào, hay tác động hòng lèo lái hoạt động của họ theo ý mình như với Phật giáo. Trong khi đó, Phật giáo trong mấy năm qua nổi lên nhiều điều tiếng ngày càng không có lợi.

Tiếc là Nhà ngữ học Đoàn Xuân Kiên, khi được gợi ý rằng “đằng sau” vụ việc này là gì, rồi có cả việc ông được BBC gửi trước cho video ý kiến một vị Thượng tọa … trên trang Đạo Phật ngày nay (là Thích Nhật Từ?) thế mà ông cũng như không có sự chuẩn bị để trả lời (hay là ông tránh né?). Những người tham gia Bàn tròn rất nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước cho nội dung trao đổi.

Có nhiều thông tin khác nhau về Thượng tọa Thích Nhật Từ, trong đó có việc bị một số ý kiến cho ông là “sư quốc doanh”, được hưởng không ít ân sủng của chính quyền. Còn việc tích cực tham gia, một cách rất kịp thời vào vụ việc với ào ạt các “bài giảng” của ông cùng những nội dung diễn giải trong đó, cũng đã cho thấy thêm phần nào cái “đằng sau” đó.

Thứ “đằng sau” câu chuyện là: dấu hiệu ngày càng nhiều sự can dự của “thần quyền” vào “thế quyền”; lịch sử VN cũng đã từng. Từ tham vọng can dự, mà nảy sinh cả hiện tượng kèn cựa giữa các tôn giáo.

3. Học thuật: với thời gian vỏn vẹn 1 giờ đồng hồ, với thành phần các diễn giả như vậy, lại bàn về vấn đề quá lớn mà xưa nay ít có dịp, thì việc đi vào học thuật là rất khó, không phù hợp.

Thế nhưng có 2 diễn giả đã sa vào bàn một nội dung không đáng kể đến trên thực tế, bị thổi phồng có chủ đích – coi linh mục Alexandre de Rhodes là người “sáng tạo ra chữ quốc ngữ“.

Ví như ông Đoàn Xuân Kiên, dành thời lượng quá nhiều để nói về học thuật, nên khi trong ý kiến của ông có những thiên lệch theo kiểu nói vống lên (như cho là nhiều người “đã cường điệu hóa quá” khi tôn vinh Alexandre de Rhodes, nói ông “là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ”, “quốc tế hóa tiếng Việt” … để rồi coi đó như là một lý do nổ ra tranh cãi vụ này), thì khó có thể cho phép diễn giả khác và khán thính giả trao đổi lại được. Cách “nói vống” này tựa như cách của tác giả Thụy Khê (bài dưới đây), cho là có sự tôn vinh Alexandre de Rhodes quá đáng khi coi ông là “cha đẻ chữ quốc ngữ”.

Hay như ý kiến của TS Nguyễn Xuân Diện coi khái niệm “thoát Trung” của Việt Nam tựa như Đài Loan cũng “thoát Trung”, quanh vấn đề chữ viết, thì e là khiên cưỡng ở nhiều góc độ.

Cho nên chỉ xin có một chút gợi ý.

Đó là, thử nghĩ xem, nếu như coi cuộc đấu tranh giành chính quyền do những người cộng sản cầm đầu là một cuộc cách mạng xã hội, thì việc có được chữ quốc ngữ như ngày nay cũng có thể gọi là một cuộc cách mạng về văn hóa. Thế rồi, đã có hàng vô thiên ủng cả ngàn nhân vật, kể cả người gọi là “không ai biết“, của cuộc cách mạng xã hội được ghi danh trên các con đường, công trình khắp đất nước. Còn với cuộc “cách mạng văn hóa” kia, thử hỏi đã có ai được ghi danh?

Sao có thể bất công với văn hóa đến vậy? Tha hóa như ngày nay có phải có cả lý do từ đó hay không?

Không chỉ có một ông Alexandre de Rhodes, ông Francisco De Pina (và đâu phải là/đâu có ai hoang tưởng ngốc nghếch “muốn đi tìm một người khai sinh ra chữ quốc ngữ” – như ý kiến ông Đoàn Xuân Kiên), mà phải có nhiều nhiều người nữa cần được ghi danh, đặt tên đường bởi những đóng góp khác nhau của họ cho chữ quốc ngữ, cho văn hóa nước nhà.

Ba Sàm

Tham khảo:

BBC

Bàn tròn thứ Năm lúc 19h00 (giờ Việt Nam) ngày 05/12/2019 bình luận hai chủ đề: Tranh cãi về vinh danh vai trò, công trạng sáng lập chữ quốc ngữ và thực hư ‘công đoàn độc lập’ được cho phép ở Việt Nam.

Mời xem bản bóc tiếng, rút gọn từ video cuộc trao đổi: VN: Có nên đặt tên đường phố ở Đà Nẵng theo hai Giáo sĩ Công giáo?

Xem thêm:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *