693. ĐỐI ĐẦU MỸ-TRUNG VÀ TƯƠNG LAI CỦA THẾ GIỚI

FB Nguyễn Trung Kiên

Richard Ned Lebow

Nguyễn Trung Kiên trích dịch (kỳ 1)

MỘT CUỘC CẠNH TRANH THIẾU KIỂM SOÁT giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho trật tự khu vực và quốc tế. Hai quốc gia này đều đang vận hành các nền kinh tế lớn nhất thế giới, có lực lượng quân sự hùng mạnh nhất cùng các nền tảng công nghiệp và công nghệ tiên tiến nhất. Mối quan hệ giữa chúng sẽ định hình trật tự thế giới trong thế kỷ này, đặc biệt là tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Một cuộc đụng độ quân sự giữa những người khổng lồ này sẽ gây tai họa bi thảm cho khu vực, thậm chí cho cả thế giới. Ngay cả một cuộc chiến tranh lạnh cũng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng, thậm chí cho cả sự tiến hóa hướng tới các hình thái quản trị dân chủ có thể có của Trung Quốc.

Mỹ và Trung Quốc có mọi lý do chính đáng để sống hòa thuận, đồng thời mang lại lợi ích cho từng quốc gia và cho thế giới bằng cách hành động như vậy. Giữa hai cường quốc này không có sự tranh chấp lãnh thổ nào mà có thể dẫn đến chiến tranh như các cường quốc khác. Không cường quốc nào tin rằng cường quốc kia có ý định tấn công mình. Hai nước đang bất đồng về nhiều vấn đề quan trọng, nhưng không có vấn đề nào gây ra rạn nứt, và không có tác động nào không thể làm dịu đi, hoặc thậm chí giải quyết được, bằng thiện chí và hoạt động ngoại giao hiệu quả. Tuy nhiên, giới quan chức và học giả của cả hai nước đều nghĩ rằng hai siêu cường lớn nhất trong thế kỷ XXI này đang trong tiến trình xung đột. Vì sao vậy, và liệu có thể làm gì?

Những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên rõ rệt hơn trong nhiệm kỳ tổng thống Barack Obama và gia tăng mạnh kể từ khi Donald J. Trump nhậm chức vào tháng 1 năm 2017. Vào tháng 12 năm đó, chính quyền Trump đã công bố Chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên: quốc gia này đã xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh” và một “siêu cường đang xét lại” sự thống trị của Mỹ. Chiến lược này xác định những căng thẳng trong mối quan hệ song phương, và nhận định Trung Quốc là một “đối thủ cạnh tranh địa chính trị giữa các tầm nhìn của một trật tự thế giới tự do và một trật tự thế giới mang tính đàn áp”. Sau đó, chính quyền Trump đã công bố Chiến lược quốc phòng quốc gia, khẳng định rằng Trung Quốc, thông qua quá trình hiện đại hóa quân sự, đang tìm kiếm quyền bá chủ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong thời gian ngắn và loại bỏ Hoa Kỳ để đạt được sự thống trị toàn cầu trong tương lai. Những quan điểm này không chỉ giới hạn trong nội các của của Trump mà còn được chia sẻ rộng rãi trong tiến trình xác lập chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ.

Trong năm 2018, mối quan hệ Trung-Mỹ đã rạn nứt nghiêm trọng. Những sự căng thẳng cũ về an ninh, đặc biệt là ở Biển Đông, Đài Loan và Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục diễn ra. Trung Quốc lấn tới với việc bồi đắp các hòn đảo ở Biển Đông, triển khai các dàn tên lửa chống tàu chiến, máy bay và bom tầm xa. Một đô đốc hải quân Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc hiện có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống chiến tranh với Mỹ. Quân đội Mỹ đã tăng cường tuần tra trên biển và trên không, tàu chiến cùng máy bay ném bom B-52 của Mỹ thị sát sát các hòn đảo do Trung Quốc bồi đắp. Bắc Kinh ngừng các cuộc tiếp xúc cấp cao tiếp xúc và từ bỏ quan hệ ngoại giao với chính phủ Đài Loan vốn đang đấu tranh giữ vững độc lập cho đảo quốc này, và bắt đầu tuần tra “đảo bao quanh” Đài Loan. Đáp lại, chính quyền Trump thắt chặt quan hệ với Đài Loan. Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Đi lại với Đài Loan, hai lần phê duyệt việc bán vũ khí cho Đài Loan trong vòng chưa đầy hai năm và xem xét việc gửi tàu chiến qua Eo biển Đài Loan để canh chừng Bắc Kinh. Trên bán đảo Triều Tiên, bất chấp nỗ lực làm giảm căng thẳng, một phần là do hội nghị thượng đỉnh của Trump với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng Sáu năm 2018, ông đã cáo buộc Trung Quốc cản trở sự tiến bộ của tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Chính quyền của ông đã trừng phạt quân đội Trung Quốc vì đã mua vũ khí của Nga, một hình phạt khiến Trung Quốc hoang mang và phải hủy một phiên họp theo lịch trình của Sáng kiến Đối thoại Ngoại giao và An ninh, một hội đàm cấp cao về an ninh giữa hai nước.

Trong khi đó, những tranh chấp mới nảy sinh từ sự can thiệp thương mại và chính trị Trung Quốc đã trở thành ưu tiên hang đầu trong chương trình nghị sự của Mỹ. Giữ quan điểm hoàn toàn không hợp thời về thương mại, Trump đã áp thuế đối với 250 tỷ đô-la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng Chín năm 2018, trong khi đe dọa sẽ đánh thuế đối với tất cả phần còn lại của hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 267 tỷ đô-la của năm 2017. Cũng vào tháng Chín năm 2018, ông đã cáo buộc, mà không có bằng chứng, về sự can thiệp của Trung Quốc vào cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ chuẩn bị diễn ra của Mỹ. Các quan chức của ông, các nhà phân tích độc lập và các nhà báo tuyên bố đã phát hiện ra một nỗ lực do chính phủ Trung Quốc tài trợ nhằm can thiệp vào nền chính trị Mỹ. Rất nhiều người tại Washington tin rằng nó bị cô lập trong cuộc đấu tranh giành quyền bá chủ toàn cầu với Trung Quốc. Cạnh tranh với Trung Quốc đã trở thành trận chiến khốc liệt; hợp tác đã bị gác lại phần lớn.

Đáng báo động không kém là sự quay ngoắt theo hướng tiêu cực trong thái độ của giới truyền thông và giới tinh hoa chính trị Mỹ đối với Trung Quốc. Rất ít cuộc thảo luận công khai miêu tả Trung Quốc trên bình diện tích cực; nhiều người coi đó là một cường quốc hung hăng, phi tự do và độc đoán, đã thách thức ảnh hưởng của nước Mỹ tại châu Á và trên toàn thế giới. Các lời kêu gọi thông minh nhằm làm giảm căng thẳng từ một số tổ chức nhiều ảnh hưởng trong tiến trình lập định chính sách cũng như của cộng đồng học thuật Mỹ bị phớt lờ bởi những lời kêu gọi đó bị cho là ngây ngô.

Hòa giải với Trung Quốc được cho là một hành vi tồi tệ. Cạnh tranh với Trung Quốc, bất chấp nguy cơ lan truyền nỗi sợ hãi Trung Quốc để thao túng công chúng, cũng bị coi là tồi tệ không kém. Các quan chức cấp cao trong chính quyền Trump, đặc biệt là John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia mới, và Steve Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của Trump, muốn giảm hợp tác và gia tăng đối đầu với Trung Quốc. Henry Kissinger nhìn nhận một số động thái của Trump là “có giá trị đáng kể”, dù ông nhấn mạnh tầm quan trọng của sự quản trị và việc tìm ra giải pháp cho xung đột. Sự thất vọng đối với Trung Quốc mãnh liệt đến mức nhiều người – bao gồm cả “các nhà quan sát Trung Quốc” dày dạn kinh nghiệm, đã quay sang ủng hộ Trump, nhằm thử một cách tiếp cận mới trong việc trừng phạt Trung Quốc. Ẩn sau những nỗi khó chịu như vậy là một sự thất bại có thể cảm nhận được trong sự ứng phó với thách thức từ Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo và giới phân tích tại Trung Quốc đã chứng kiến cơn bài Trung điên cuồng của Washington với mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng. Nhiều người đã sững sờ trước sự xuống dốc nhanh chóng của mối quan hệ song phương. Vào tháng Chín năm 2018, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã cảnh báo về “sự sụp đổ hoàn toàn” của mối quan hệ song phương này. Trong một nỗ lực hiếm hoi để cố gắng hiểu nước Mỹ của Trump, Bộ Tài chính Trung Quốc đã hình một liên minh các tổ chức nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu lớn của Trung Quốc để nắm bắt tình hình mới, và đi đến kết luận rằng các chính sách của Trumg cuối cùng đã chứng minh rằng nước Mỹ đã lựa chọn chính sách đối đầu với Trung Quốc. Mối nghi ngờ về sự ngăn chặn của nước Mỹ đối với Trung Quốc đã tồn tại từ lâu ở Bắc Kinh, và lúc này Trump đã đưa ra lý lẽ vững chắc, mặc dù đó chưa phải là quan điểm chính thống hay sự lựa chọn chính thức của Washington.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo đã thể hiện quyết tâm của mình để đứng vững và chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Vào tháng Ba năm 2018, khi cuộc chiến thương mại vẫn đang chỉ là mối đe dọa, đại sứ Trung Quốc tại Washington đã trả lời rằng, “nếu mọi người muốn chơi sát ván, chúng tôi sẽ chơi lại họ để xem ai sẽ tồn tại lâu hơn”. Sau tháng Chín, khi cuộc chiến thương mại trở thành hiện thực, Trung Quốc đã trả đũa bằng việc áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 110 tỷ USD. Đồng thời, Bắc Kinh tiếp tục chủ động duy trì chính sách công nghiệp của mình – nguồn gốc tạo ra nhiều bất đồng cho Mỹ. Tập bắt đầu nhấn mạnh đến nỗ lực tự đổi mới công nghệ và tự chủ về kinh tế, phát tín hiệu cho thấy ông đã sẵn sàng cho việc từ bỏ sự hợp tác với Mỹ và đẩy mạnh cuộc cạnh tranh.

Để có thể nhảy tango, phải cần đến hai người. Mỹ có thể phản ứng thái quá đối với các hành động chính trị, kinh tế và quân sự của Trung Quốc, nhưng không thể phủ nhận rằng một số trong số chúng mang tính khiêu khích. Chúng bao gồm các yêu sách về chủ quyền trên biển của Trung Quốc, và sự đàn áp các phong trào bất đồng chính kiến. Sau này, Trung Quốc nhấn mạnh rằng đây một vấn đề nội bộ của họ. Lập luận này có thể đúng một phần, nhưng việc kiểm soát Internet, bắt giữ những người bất đồng chính kiến và giam giữ họ mà không có bất kỳ phiên tòa hợp hiến nào, cùng với việc thường xuyên đàn áp mạnh mẽ người Hồi giáo ở các tỉnh phía Đông Trung Quốc đã khiến phương Tây phản đối. Những hành động này cũng làm dấy lên sự ngờ vực sâu sắc đối với chế độ Trung Quốc và nỗi sợ hãi rằng một quốc gia hành xử với các phong trào đối lập theo cách đó là không thể tin tưởng được. Và những nỗ lực của chế độ để thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc như một phương tiện để củng cố tính chính danh của nó cũng vậy. Các nước láng giềng của Trung Quốc và nước Mỹ lo lắng rằng một chiến lược như vậy, mắc dù nó hứa hẹn đạt được những hiệu quả chính trị nội bộ ngay lập tức, nhưng sẽ kết thúc bằng cách khiến các nhà lãnh đạo của đất nước này trở thành tù nhân của những cảm xúc tiêu cực mà họ đã khơi dậy.

VÌ SAO LẠI XUNG ĐỘT?

Nếu chúng ta tự hạn chế vào các vấn đề đối ngoại, thì sẽ có hai nguyên nhân cơ bản tạo nên mối quan hệ đầy căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Đầu tiên và quan trọng nhất, các nhà lãnh đạo và nhân dân của cả hai nước đều tìm kiếm sự tự trọng, cũng giống như hầu hết các dân tộc trên thế giới. Họ hành động như vậy một phần để củng cố vị thế của đất nước họ trên thế giới – và các nhà lãnh đạo của họ luôn được khuyến khích hành động như vậy. Cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ là một cuộc xung đột của bản ngã hơn là xung đột về lợi ích. Bản chất mang tính biểu tượng của cuộc cạnh tranh khiến nó khó tìm ra giải pháp hơn. Max Weber, nhà xã hội học nổi tiếng đầu thế kỷ XX, khi chứng kiến bối cảnh của mối quan hệ song phương Pháp-Đức, đã viết rằng “các quốc gia sẽ hy sinh lợi ích, nhưng không bao giờ hi sinh danh dự của họ”. Các nhà sử học nổi tiếng chuyên viết về cuộc đại chiến thế giới lần thứ Nhất đã khẳng định rằng cuộc chiến này thiên về danh dự hơn là về lợi ích an ninh hoặc lợi ích vật chất. Yếu tố này cũng là tác nhân chính thúc đẩy Chiến tranh Lạnh, và có lẽ cũng là yếu tố chính sau Hiệp định Helsinki năm 1975 công nhận hiện trạng lãnh thổ sau chiến tranh của các nước châu Âu. Nguyên nhân chính thứ hai của cuộc xung đột Mỹ-Trung là những quan niệm sai lầm rằng các nhà lãnh đạo và trí thức ở cả hai quốc gia đều có những lợi ích quốc gia, động cơ và chính sách đối ngoại của riêng họ. Những người theo chủ nghĩa hiện thực cổ điển như Hans Morgenthau đều hiểu rằng không bao giờ có một thứ gọi là “lợi ích quốc gia”, chỉ có những diễn ngôn khác nhau mang tính cạnh tranh. Quan niệm về lợi ích quốc gia đều mang tính chủ quan và sẽ thiếu toàn diện nếu sử dụng nó như một sự hướng dẫn cho việc lập định chính sách đối ngoại. Thậm chí nếu các nhà lãnh đạo đã phát triển một lý thuyết về chính sách đối ngoại được dẫn dắt bởi một số khái niệm về lợi ích quốc gia, thì rất ít trong số họ có thể thể thực thi các chính sách đó mà không phải chịu các ràng buộc bởi những vấn đề đối nội. Tôi cho rằng những cách thức hình thành lợi ích ở châu Á của các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã tạo ra những căng thẳng không cần thiết. Không có xung đột lợi ích mang tính cơ bản hay không thể giải quyết được giữa hai quốc gia, và khi xung đột lợi ích kiểu đó xuất hiện, nó thường là kết quả của sự không thể có được sự hiểu biết sáng suốt và sắc sảo về các lợi ích mang tính phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nước, vốn được hình thành từ các tiến trình lập định chiến lược phức tạp và đôi khi còn cảm tính.

Những quan niệm về lợi ích quốc gia được bén rễ rất sâu trong lịch sử, luôn được tái khẳng định một cách không cần thiết, và khiến một nước nhìn nhận nước khác luôn là mối đe dọa cho mình. Một ví dụ điển hình với nước Mỹ là lý thuyết chuyển giao đổi quyền lực, vốn khuyến khích niềm tin (thậ chí một số người còn khẳng định gần như chắc chắn) rằng các cường quốc đang trỗi dậy luôn thách thức sự lãnh đạo xã hội quốc tế của các cường quốc đang thống trị, và đây là nguyên nhân chính của các cuộc chiến tranh giữa các siêu cường. Không có bằng chứng chắc chắn ủng hộ lý thuyết chuyển giao quyền lực. Lịch sử của 500 năm qua cho thấy các cường quốc thống trị thường xuyên thích nghi với các cường quốc đang lên và đang nỗ lực tìm kiếm sự thừa nhận và thích nghi, chứ không phải chiếm được sự thống trị bằng chiến tranh.

Các chính sách được tạo ra bởi cái gọi là các bài học lịch sử về sự căng thẳng Trung-Mỹ, giống hệt như sự căng thẳng Xô-Mỹ suốt Chiến tranh Lạnh. Gia tăng sự răn đe là một sự sai lầm khác. Mỗi bên đều tin rằng cần phải kiềm chế bên kia thông qua việc phát triển và triển khai các loại vũ khí, cùng với các sang kiến để thực hiện điều này. Hậu quả thường là ngược với của những dự định. Đầu tiên, việc phát triển và triển khai các loại vũ khí sẽ dẫn đến các ý định tấn công chứ không phải phòng thủ. Các nhà lãnh đạo luôn có ý định này bởi họ luôn nghĩ rằng đối thủ của họ đánh giá họ yếu hơn. Chiến lược răn đe trong Chiến tranh Lạnh là một nguyên nhân chính của các cuộc khủng hoảng bởi nguy cơ chiến tranh giữa Mỹ với Liên Xô, và giữa Mỹ với Trung Quốc. Nếu chiến lược này bây giờ vẫn được Mỹ và Trung Quốc theo đuổi, nó sẽ có thể một lần nữa làm thay đổi hoàn toàn mối quan hệ song phương giữa hai nước.

Chương sách này và một cuốn sách gần đây tôi viết chung với học giả Trung Quốc, Trương Phong, đang rất mâu thuẫn với các nhận thức truyền thống tại Trung Quốc và Mỹ về cách thức quản lý mối quan hệ giữa hai nước này. Chúng tôi thách thức nhiều chiến lược căn bản mà cả hai nước đang theo đuổi. Chúng tôi đặt câu hỏi về các khái niệm mà các chiến lược này dựa vào, cho rằng những khái niệm đó dựa trên việc học hỏi hời hợt từ các bài học lịch sử hoặc từ các sai lầm trong quá khứ. Sự phê bình của chúng tôi đặt nền tảng cho một tập hợp các quan niệm khác mà chúng tôi cho là phù hợp hơn với quan hệ Trung-Mỹ, và việc sử dụng chúng sẽ giúp cả hai quốc gia có thể nâng cao lòng tự trọng của mình theo những cách ít đe dọa hơn. Trong các trang tiếp theo tôi sẽ tóm tắt lập luận của chúng tôi.

Về phía Mỹ, lăng kính phân tích chiếm ưu thế, như đã lưu ý, là “lý thuyết chuyển giao quyền lực”. Nó khẳng định rằng chiến tranh là không thể tránh khỏi giữa một cường quốc đang lên và một siêu cường đang thống trị. Nó đề xuất rằng cuộc chiến tranh đó đã luôn xảy ra trong lịch sử và là một cái gì đó giống như “quy luật” của lịch sử. Lý thuyết chuyển giao quyền lực mâu thuẫn với lịch sử sâu sắc đến nỗi ít nhất một số nhà hoạch định chính sách, học giả và nhà báo đã cố gắng làm điều đó vì nó phù hợp với mục tiêu chính trị hoặc kinh tế của họ. Họ sử dụng nó để biện minh cho những tuyên bố không đáng tin cậy của họ dành cho công chúng đầy sợ hãi và dễ bị mắc lừa rằng chiến tranh là không thể tránh khỏi, và Mỹ nên duy trì, thậm chí nên tăng cường sự các nỗ lực quân sự của nó để “cân bằng” với Trung Quốc tại Thái Bình Dương.

Ở Trung Quốc, có nhiều diễn ngôn đa dạng. Diễn ngôn đang gây ảnh hưởng nhất mô tả Mỹ đồng thời vừa hợp tác với vừa chống lại Trung Quốc. Những diễn ngôn ôn hòa hơn thì tập trung vào chiến lược tham gia của Hoa Kỳ và đánh gia cao sự tham gia này trong việc giúp củng cố sự hội nhập với cộng đồng quốc tế của Trung Quốc. Cả hai diễn ngôn này đang mất dần ảnh hưởng. Hầu hết các nhà phân tích hiện nay đều cho rằng Washington đang cố gắng cân bằng sự trỗi dậy của Trung Quốc để duy trì sự thống trị của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Một số diễn ngôn khác cứng rắn hơn mô tả chiến lược này của Mỹ là mang tính “ngăn chặn” Trung Quốc, lập luận rằng Trung Quốc cần phát triển các năng lực quân sự và lựa chọn chiến lược mạnh mẽ để đối đầu với chiến lược này của Mỹ. Cho dù sức thuyết phục của các diễn ngôn này tới tiến trình lập định chính sách của Trung Quốc cao đến đâu, thì hầu hết các nhà quan sát tại Trung Quốc, kể cả những người ôn hòa, đều tin rằng có một sự mâu thuẫn mang tính cấu trúc trong quan hệ Trung-Mỹ, theo nghĩa là những lợi ích của Trung Quốc với tư cách một cường quốc đang lên chắc chắn sẽ dẫn tới một sự xung đột với các lợi ích của Mỹ với tư cách một siêu cường đã được xác lập. Các lý thuyết về quan hệ quốc tế tại Mỹ, trong đó đáng chú ý nhất là chủ nghĩa hiện thực và lý thuyết chuyển giao quyền lực, cũng đang rất nhất mạnh đến những mâu thuẫn này. Những lý thuyết đó đang củng cố tinh thần bi quan ở cả hai nước và làm vững chắc thêm các lập luận về sự hữu ích của các chiến lược mang tính chủ chiến của Mỹ trong việc thúc đẩy cạnh tranh và giải quyết xung đột. Những lý thuyết như vậy là mơ hồ về mặt trí tuệ và gây nguy hiểm cho tiến trình lập định chính sách đối ngoại của Mỹ.

CẠNH TRANH NGÀY MỘT GAY GẮT

Chính quyền Obama đã từ bỏ chính sách về Trung Quốc và biến nó thành vấn đề quản trị thông thường. Mục tiêu của nó chỉ đơn giản là để “bảo vệ lợi ích quốc gia then chốt khi cần thiết, trong khi duy trì một mối quan hệ hoàn toàn khả thi và mang tính bền vững với Trung Quốc bất cứ khi nào có thể”. Dưới thời Obama, chính sách về Trung Quốc là một mớ hổ lốn các quyết định tạm thời mang tính đối phó với tình huống, một mớ hổ lốn của sự tham gia, ngăn chặn, cân bằng, cạnh tranh và hợp tác đầy mâu thuẫn, lộn xộn và khó hiểu. Đến mức mà nếu chính quyền Obama thực sự có một chính sách nhất quán về Trung Quốc, thì nó chỉ được thúc đẩy bởi sự quan tâm về độ tin cậy trong các cam kết chiến lược của Mỹ tại châu Á để tìm cách trấn an các đồng minh của nó. Việc thể hiện sự quyết tâm của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc dưới thời Obama chỉ khiến Trung Quốc hiếu chiến hơn, đặc biệt là khi Trung Quốc cho rằng Washington đang thách thức vị thế của Trung Quốc trong khu vực, khi mà sức mạnh và sự tự tin của Trung Quốc ngày một lớn hơn.

Các chính sách của Obama cũng gây ra một loạt các hậu quả gián tiếp và không lường trước được bằng cách kích thích một chiến lược mạnh mẽ của Trung Quốc đối với các nước lân cận. Cái gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường và việc bồi đắpp các đảo nhân tại tại Biển Đông – hai trong số những động thái quan trọng nhất của Bắc Kinh trong nhiệm kỳ của Obama – là những nỗ lực gián tiếp để làm giảm các áp lực về chiến lược của Mỹ dành cho Trung Quốc. Nhưng các động thái này đã được Washington nhìn nhận như là bằng chứng của chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc và ý định được cho là nhằm đẩy Mỹ ra khỏi châu Á. Do đó, Washington trở nên nhạy bén hơn trong việc kiểm soát sức mạnh của Trung Quốc. Trên thực tế, các tương tác Trung-Mỹ trong phần lớn thế kỷ này đã khiến cả hai nước trở nên tồi tệ hơn bằng cách kích động sự quyết đoán của Trung Quốc và làm suy yếu niềm tin chiến lược lẫn nhau giữa hai quốc gia. Trung Quốc và Mỹ ngày càng coi nhau là mối đe dọa an ninh và đối thủ cạnh tranh chiến lược của mình. Điều này khiến cho sự hợp tác để cùng giải quyết các thách thức an ninh chung trở nên ít có tính khả thi, và khiến nguy cơ tạo ra các đánh giá và tính toán sai lầm trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn.

Các nhà chiến lược Mỹ quyết tâm lôi kéo Trung Quốc nhằm can ngăn nước này tìm kiếm quyền bá chủ ở châu Á. Các phương tiện chủ yếu cho mục đích này là “cân bằng” sức mạnh đang lên Trung Quốc bằng cách tăng sức mạnh tổng hợp của Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ các nhà phân tích theo chủ nghĩa hiện thực tập trung vào tương quan sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc và Mỹ. Nhiều người báo động về sức mạnh quân sự đáng sợ ngày một gia tăng của Trung Quốc. Trung Quốc đã thực sự dùng sự thịnh vượng kinh tế để nâng cấp lực lượng quân sự của mình, nhưng chủ yếu là để tạo ra khả năng đối phó với các tranh chấp chủ quyền, như Đài Loan và các hòn đảo ở vùng biển phía Đông và phía Nam của Trung Quốc, đồng thời để bảo vệ các lợi ích thương mại ngày một mở rộng của nó ở nước ngoài. Quân đội Mỹ đã cáo buộc rằng Trung Quốc đang phát triển các khả năng để ngăn chặn việc triển khai sức mạnh của Mỹ ở vành đai Thái Bình Dương , có lẽ với mục đích cuối cùng là để loại Mỹ ra khỏi khu vực Đông Á và áp đặt sự thống trj của Trung Quốc trong khu vực. Đây là một sự cường điệu hóa, phản ánh chính chiến lược thống trị của Mỹ trong khu vực này.

Những nỗ lực hiện đại hóa quân sự gần đây của Trung Quốc, đặc biệt là tập trung vào sức mạnh hải quân và không quân, phù hợp với các mục tiêu đã đề ra là phòng thủ gần biển, đặc biệt là bảo vệ an ninh lãnh thổ, chủ quyền và các quyền hàng hải. Ở Biển Đông, Trung Quốc duy trì một số sự nhập nhằng trong các lập trường của mình bởi các lý do chiến lược và chính trị nội địa. Điều này làm nổi bật tầm quan trong trong việc hiểu rõ những đánh giá của các nhà lãnh đạo Trung Quốc về các lợi ích của Trung Quốc trong khu vực và những động cơ đằng sau các chính sách của họ. Những lợi ích này quyết định việc Trung Quốc đầu tư các nguồn lực và triển khai các năng lực quân sự của mình như thế nào.

Các chương trình chiến lược của Trung Quốc cũng ở mức tối thiểu. Chỉ trong những năm gần đây mới bắt đầu nâng cấp năng lực răn đe hạt nhân của mình, gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa di động (ICBM), cải thiện các tàu ngầm đạn đạo lửa tên được hỗ trợ, và phương tiện tái nhập khí quyển tấn công nhiều mục tiêu độc lập (MIRVs), cũng như tiếp tục phát triển các vũ khí siêu thanh (HGVs) và các tên lửa đạn đạo liên lục địa di đông (ICMBs) có khả năng tái nhập khí quyển tấn công nhiềm mục tiêu độc lập (MIRV). Tuy nhiên, nó đã bị mắc kẹt trong chính sách dài hạn của việc duy trì khả năng răn đe “tinh gọn và hiệu quả”. Tính đến tháng 1 năm 2018, kho dự trữ hạt nhân của Trung Quốc bao gồm khoảng 280 đầu đạn hạt nhân và chỉ khoảng 40-50 tên lửa đạn đạo liên lục địa di động của nó có khả năng nhắm vào lục địa Mỹ.

Ngược lại, Mỹ đã tiến hành nâng cấp vũ khí chiến lược đáng kể kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Tính đến tháng Hai năm 2018, nó duy trì một kho dự trữ khoảng 6.550 đầu đạn hạt nhân. Vài trăm tên lửa đạn đạo liên lục địa di động (ICBM) trên đất liền của nó có thể tấn công Trung Quốc, cùng với hàn loạt tên lửa và đầu đạn hạt nhân hải-đối-không Tên lửa Trident thế hệ 1 đã được thay thế bằng tên lửa Trident thế hệ 3 với hệ thống định vị GPS và các đầu đạn lớn hơn. Độ chính xác cao hơn và đầu đạn lớn hơn khiến chúng trở nên nguy hiểm hơn đối với các hầm chứa tên lửa của Trung Quốc. Ba đầu đạn hạt nhân gắn trên mỗi silo Trung Quốc có tới 99% tự hủy đồng thời giết chết gần 6.000 người Trung Quốc, mà hầu như không thải ra bụi phóng xạ. Nếu Trung Quốc quyết định leo thang cạnh tranh hạt nhân, sợ rằng nó đang mất dần khả năng ngăn ngừa hiệu quả một cuộc tấn công thứ hai, và rất có thể đó sẽ là kết quả của sự khiêu khích của Hoa Kỳ dựa trên sự nắm giữ ưu thế về vũ khí hạt nhân của nó. Quy trình “Đánh giá ưu thế hạt nhân” của chính quyền Trump, nhằm thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa đáng kể vũ khí hạt nhân của Mỹ, là một bước đáng ngại có thể sẽ tạo ra phản ứng của Trung Quốc để nâng cấp lực lượng hạt nhân của chính Trung Quốc.

Mặc dù chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã gia tăng ở mức hai con số từ năm 1989 đến năm 2015, tuy nhiên, kể từ năm 2016, nó đã giảm xuống mức một con số, khoảng 7-8%. Năm 2016, Mỹ đã chi 611 tỷ đô-la cho chi tiêu quốc phòng, còn Trung Quốc chỉ chi 215 tỷ đô-la. Tỷ lệ chi tiêu quốc phòng/GDP của Trung Quốc cao hơn nhiều nước pát triển, với tỷ lệ trung bình 2% từ năm 2008 đến năm 2012. Đây là một tỷ lệ nhỏ so với tỷ lệ 4,7% của Mỹ trong cùng thời kỳ. Năm 2016, Trung Quốc đã chi 1,9% GDP cho chi tiêu quốc phòng, thấp hơn nhiều so với con số 3,3% của Mỹ. Đánh giá từ tỷ lệ tương đối thấp này, Trung Quốc còn lâu mới có thể tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ.

Hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc đang tăng tốc nhanh chóng, nhưng vẫn còn một chặng đường dài. Việc củng cố năng lực hải quân luôn bị thổi phồng lên là một ví dụ. Tàu sân bay đầu tiên của nó, được hải quân Trung Quốc đưa vào sử dụng vào năm 2012, là tàu sân bay lớp-Kuznetsov thời Liên Xô được tân trang lại, thiếu công nghệ bắn súng tăng tốc vốn cần thiết cho các máy bay chiến đấu tiên tiến về công nghệ. Tàu sân bay thứ hai, được chế tạo ở trong nước, ra mắt vào tháng Tư năm 2017, cũng xuất phát từ mô hình cũ của Liên Xô và sẽ thể không đi vào hoạt động cho đến năm 2020. Mặc dù một lực lượng tàu sân bay trưởng thành – có tới năm tàu sân bay được lên kế hoạch – cuối cùng sẽ cung cấp cho Trung Quốc khả năng phô diễn sức mạnh vượt trội so với các nước láng giềng châu Á nhỏ hơn, nhưng các tàu sân bay trong hiện tại chỉ là biểu tượng của sức mạnh quốc gia, và là công cụ huấn luyện hơn là một nền tảng phục vụ chiến tranh.

Các số liệu về chi tiêu quân sự của Trung Quốc đang gây tranh cãi, cũng như năng lực quân sự của Trung Quốc nói chung là cao hơn. Tuy nhiên, điều không thể chối cãi là sai lầm của việc cố gắng suy luận, dựa trên khả năng quân sự, để chỉ ra khả năng tiến hành chiến tranh. Nếu cần thêm bằng chứng cho sự thật này, người ta chỉ cần nhìn lại những nỗ lực để làm điều đó của Liên Xô. Các quan niệm lỗi đóng một vai trò lớn trong sự gia tăng cạnh tranh mãnh liệt giữa Mỹ và Liên Xô Chiến tranh Lạnh. Một mối quan hệ Mỹ-Trung mang tính xây dựng trong thế kỷ XXI sẽ đòi hỏi một quan niệm chiến lược khác biệt và hiệu quả, dựa trên sự pha trộn thích hợp của chiến lược răn đe, các biện pháp trấn an và và các giải pháp ngoại giao.

Mục tiêu bao trùm của Mỹ – bảo tồn những gì họ coi là bá quyền của mình bằng cách hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á – đã được thực hiện từ giữa thập niên 2000. Chính quyền Obama, vốn chỉ muốn duy trì mối quan hệ khả thi với Trung Quốc trong khi vẫn duy trì nguyên tắc lãnh đạo lâu đời của Hoa Kỳ, đã vô tình kế thừa chiến lược Trung Quốc của chính quyền Bush trước đây. Các nhà phê bình Mỹ về chiến lược với Trung Quốc coi chiến lược này là mâu thuẫn bởi vì sự theo đuổi quyền bá chủ khu vực của Mỹ là mâu thuẫn với chính sách đã được tuyên bố của nước này về việc ủng hộ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Các quan chức Hoa Kỳ không thấy mâu thuẫn vì chiến lược này được thiết kế để định hình sự trỗi dậy của Trung Quốc theo những cách không thách thức quyền thống trị của Mỹ. Sự không phù hợp về quan điểm giữa Trung Quốc và Mỹ đối với sự gắn kết trong các chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc qua các đời tổng thống phần nào giúp giải thích căng thẳng song phương đang gia tăng.

Tuy nhiên, một số quan chức và nhà phân tích muốn triển khai chiến lược theo hướng khác và dường như Tổng thống Trump đang nghe theo. Chính quyền của ông đã trở nên ngày càng cam kết quyền bá chủ, đối đầu hơn đối với Trung Quốc, và ít sẵn sàng để nhận ra lợi ích hợp pháp của mình trong trong các bước gây ảnh hưởng tại khu vực. Kurt Campbell, cựu Thứ trưởn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và hiện vẫn đang là quan chức Bộ Ngoại giao trực tiếp phụ trách về Trung Quốc, khẳng định rằng nỗ lực ngăn chặn quyền bá chủ của Trung Quốc ở Thái Bình Dương không còn đủ mạnh để đạt được các lợi ích của Mỹ. Ông sẽ cố gắng môt bộ các quy tắc, chuẩn mực và thể chế theo tiêu chuẩn của Mỹ, cái mà ông gọi là “hệ điều hành của châu Á”. Ông ủng hộ việc thêm vào mô hình “trục và nan hoa” truyền thống trong hệ thống đồng minh song phương của Mỹ ở châu Á, “một bánh xe sẽ liên kết các đồng minh ở châu Á với nhau mà không ảnh hưởng đến quan hệ chặt chẽ của họ với ‘trục’ Mỹ”.

Chính quyền Trump ủng hộ đề nghị của Campbell trong việc hình thành “cách tiếp cận mạng lưới” đối với hệ thống đồng minh của Mỹ tại châu Á mà sẽ không cho phép Trung Quốc tìm được vị trí thích hợp trong một trật tự an ninh đang thay đổi; Bắc Kinh có khả năng cảm thấy bị bao vây hơn nữa và sẽ không thỏa hiệp hơn nữa trong việc bảo vệ các lợi ích của mình. Những tiếng nói cứng rắn chê bai sự ngăn chặn của Mỹ sẽ gia tăng và Bắc Kinh sẽ buộc phải trả lời một cách quyết đoán, thậm chí là quyết liệt. Quan hệ Mỹ-Trung trong hai năm đầu tiên của chính quyền Trump đã biểu lộ những mối nguy hiểm này.

Các học giả Mỹ danh giá nhận ra sự nguy hiểm của cách tiếp cận như vậy. Tom Christensen chỉ ra rằng ngay cả ngôn ngữ cường điệu về “trục và nan hoa” hoặc chiến lược tái cân bằng cũng có thể ăn nhập với các thuyết âm mưu của Trung Quốc trong cáo buộc về sự ngăn chặn và bao vây của Hoa Kỳ dành cho mình. Robert Ross lập luận rằng nỗ lực tái cân “không nhất thiết tạo ra bất an của Bắc Kinh và sẽ chỉ nuôi dưỡng sự hung hăng của Trung Quốc, làm suy yếu sự ổn định khu vực và giảm khả năng hợp tác giữa Bắc Kinh và Washington”. Một ‘phong cách sống chung’ mới giữa Mỹ và Trung Quốc là cần thiết để chuyển đổi mối quan hệ của hai nước này, và điều đó đòi hỏi một chiến lược hiệu quả để quản lý sự cạnh tranh và giảm thiểu xung đột.

Một chiến lược như vậy nên thể hiện nỗ lực để giảm bớt hoặc giải sự các mối căng thẳng chủ yếu giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong phần tiếp theo, tôi sẽ xác định bốn lĩnh vực đang tạo ra tranh chấp: Đài Loan, Bắc Triều Tiên, các tranh chấp trên biên, và các đồng minh của Mỹ ở châu Á.

(còn tiếp)

*

VỀ TÁC GIẢ

Richard Ned Lebow (1942), Viện sĩ Viện Hàn lâm Vương quốc Anh, là nhà khoa học chính trị Anh, nổi tiếng với các tác phẩm về quan hệ quốc tế, tâm lý chính trị học, và triết học về khoa học. Ông giảng dạy về Lý thuyết chính trị quốc tế tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh, King’s College London, đồng thời giảng dạy và nghiên cứu tại Bye-Fellow of Pembroke College, Đại học Cambridge (Anh), và là giáo sư danh dự tại Dartmouth College (Hoa Kỳ).

*

Nguồn: Richard Ned Lebow (2020). ‘A Democratic Foreign Policy: Regaining American Influence Abroad’. Cham, Switzerland: Palgrave Macmillan, pp. 103-146.

(*Tên bài do người dịch tạm đặt)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *